Anh Sáu Thọ trong ký ức tôi

Ngày đăng: 11/10/2011 - 14:10

Phan Văn Khải*

Anh Sáu Thọ lớn hơn tôi gần hai con giáp. Xét cả về mặt tuổi đời, tuổi Đảng, công lao và thành tích cống hiến cho đất nước, cho nhân dân - đối với tôi, anh Sáu đứng vào hàng khai quốc công thần, thuộc lớp người khai sơn phá thạch, mở lối khai đường.

le-duc-tho3

Tôi được nghe danh anh Lê Đức Thọ từ đầu mùa Xuân năm 1949, khi anh làm Trưởng phái đoàn Trung ương từ Chiến khu Việt Bắc vượt suối băng ngàn đi qua tỉnh Gia Định quê hương tôi, để xuống căn cứ địa Xứ uỷ Nam Bộ ở Chiến khu Đồng Tháp Mười. Khoảng 5 - 6 năm sau, khi tập kết ra miền Bắc, tôi được gặp anh trong cuộc họp mặt với một số cán bộ tại tỉnh Sơn Tây. Hôm đó anh nói chuyện rất hay, đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp. Kể từ ấy đến nay, thời gian thấm thoắt trôi qua đã hơn 50 năm, nhưng hình ảnh anh Sáu trong ký ức tôi vẫn còn đọng mãi.

Sở dĩ tôi kính yêu anh Sáu Thọ, không phải vì anh có chức trọng quyền cao trong Thường vụ Trung ương Đảng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đối với tôi, Lê Đức Thọ thủy chung vẫn là một chiến sĩ mácxít kiên cường, tài năng, đức độ, tận trung với nước, tận hiếu với dân, xứng đáng là một trong những người học trò xuất sắc kế tục sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ.

Thời gian tôi được tiếp cận nhiều nhất với anh Sáu Thọ là vào những năm cuối thập niên 70 và trong thập niên 80, khi tôi giữ cương vị lãnh đạo trong Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và trong Ban Chấp hành Trung ương khóa VI. Cảm động biết bao, tuy tuổi cao sức yếu nhưng mỗi lần từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, anh Sáu đều đến cơ quan Thành uỷ để nghe các đồng chí lãnh đạo chủ chốt - trong đó có tôi, báo cáo về tình hình chung. Anh quan tâm theo dõi sát sao và đóng góp nhiều ý kiến chỉ đạo sắc sảo về những bước tiến mới, cũng như sự định hướng phát triển của thành phố này. Những khi tôi ra Thủ đô công tác, anh đều nhắn tới nhà để hỏi han và dặn dò công việc rất chí tình. Điều đã gây cho tôi ấn tượng mạnh qua các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với anh Sáu Thọ, là tác phong công tác quần chúng hóa và tình thương yêu cán bộ sâu sắc của anh. Anh không bao giờ nói chuyện với cán bộ cấp dưới và các đồng chí kém tuổi mình bằng thái độ của người bề trên. Anh chăm chú lắng nghe ý kiến người đối thoại trong sự khích lệ động viên, qua ánh mắt và nụ cười ưu ái.

Có thể nói, một trong những bài học kinh nghiệm quý giá đầu tiên mà tôi đã học được ở anh Sáu Thọ là bài học về công tác cán bộ. Sự dày công của anh trong công tác bồi dưỡng, rèn luyện và đào tạo đội ngũ cán bộ kế thừa, có thể ví như lòng đam mê của một nghệ nhân trong việc chăm sóc vườn lan, cây kiểng.

Do sự gần gũi, sâu sát và có tình thương yêu sâu sắc đối với cán bộ nên theo sự nhận xét của nhiều người, anh Sáu Thọ đã trở thành quyển "từ điển sống" về công tác tổ chức - cán bộ. Tôi đã được trực tiếp chứng kiến việc này trong không ít lần cùng các đoàn đại biểu tham dự các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, V, VI, đã thức tới thâu đêm để nghe anh trình bày một cách thuyết phục và giải đáp thấu lý đạt tình xung quanh những ý kiến thắc mắc về công tác nhân sự của đại hội.

Lắm lúc được ngồi đối diện trao đổi với anh Sáu Thọ, do sức truyền cảm của anh, trong khoảnh khắc khiến tôi chợt quên anh là một nhân vật lịch sử đã từng lập công tích vẻ vang cả trên chiến trường và trong mặt trận ngoại giao. Trước mắt tôi, anh là một nhà sư phạm tài năng, một chuyên gia lão luyện trong lĩnh vực công tác cán bộ. Với tinh thần tôn sư trọng đạo, tôi luôn luôn nhớ mãi những bài học quý giá trong truyền thống đạo đức tổ tiên và của Bác Hồ mà anh đã tinh luyện để trang bị cho tôi trong những năm tháng làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như tại Thủ đô Hà Nội. Giá trị tinh hoa của những bài học ấy được quán triệt vận dụng trong sự "tu thân", "tề gia" và lãnh đạo công việc chung của đất nước (tức là "trị quốc" - theo cách nói của người xưa).

Về việc tu thân, anh căn dặn tôi khi làm việc trong nước cũng như những lúc đi công tác ở nước ngoài, phải biết trui rèn bản lĩnh để tự bảo vệ mình, tránh bị thương vong bởi "đạn bọc đường", tránh rơi vào sự cám dỗ của bạc tiền và gái đẹp. Anh nêu lên những bài học kinh nghiệm nhãn tiền của một số cán bộ chỉ trong phút chốc, sự nghiệp đã bị đổ vỡ tan tành, do thiếu nghị lực để thoát ra khỏi hệ lụy của chuyện "nam nữ thường tình, anh hùng khí đoản".

Về sự "tề gia", anh nhắc nhở tôi phải quan tâm giáo dục vợ con quán triệt lời dạy: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Bác Hồ, phải tránh xa ý nghĩ "có chồng làm quan, họ hàng hưởng lộc". Anh giải thích, vì để cho những bà vợ có lòng tham thủ lợi ở các "cửa sau", nên một số đồng chí đã mang tai tiếng và bị búa rìu dư luận.

Về việc lãnh đạo công việc chung của đất nước, anh đã truyền đạt cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm quý báu mà anh đã được tiếp nhận và trải nghiệm - nhất là trên lĩnh vực xây dựng Đảng và trong công tác đối ngoại.

Lê Đức Thọ là nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, là nhân vật lịch sử của đất nước. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, anh đã tỏa sáng trong nhiều lĩnh vực hoạt động và để lại cho đời những dấu ấn không thể phai mờ: về xây dựng Đảng, trong lĩnh vực đấu tranh vũ trang, trên mặt trận đối ngoại, trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của Đảng... Anh có mặt trên khắp các chiến trường trong nước và trên bán đảo Đông Dương - trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ cũng như trong giai đoạn hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, anh là nhà lãnh đạo có công lao lớn trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trên chiến trường Nam Bộ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, anh làm đại diện của Thường vụ Trung ương Đảng bên cạnh Xứ uỷ Nam Bộ (1949 - 1951) và Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1952 - 1954). Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, anh làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam ở Chiến khu Bắc Tây Ninh (1968), rồi được Bác Hồ và Bộ Chính trị cử làm Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị Pari về Việt Nam và là người trực tiếp đàm phán với đại diện Chính phủ Mỹ trong các cuộc nói chuyện riêng. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, anh đã cùng với một số đồng chí thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Anh Sáu Thọ chẳng những là nhà lãnh đạo, mà còn là nhà thơ. Cùng với Bác Hồ, Tố Hữu, Sóng Hồng (Trường Chinh), Xuân Thủy..., nhà thơ Trung Thành (Lê Đức Thọ) đã góp phần quan trọng vào việc hun đúc nên chất "thép" trong thơ ca cách mạng Việt Nam. Cách đây 36 năm, trong khi đi theo bước chân thần tốc của đoàn quân bách chiến để tiêu diệt kẻ thù, anh Sáu Thọ đã gửi cho đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn một bài thơ hùng tráng. Anh viết:

Cuộc tổng tiến công đã mở màn

Quân ta thắng lớn địch hoang mang

Phen này quét hết quân xâm lược

Bắt bọn tay sai phải cúi đầu.

Đó là tinh hoa tư tưởng yêu nước mãnh liệt, đó là khí phách cách mạng tiến công mà anh Sáu Thọ đã dày công tôi luyện suốt cả cuộc đời. Nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của anh Sáu, tinh hoa tư tưởng ấy và khí phách ấy được kết thành vòng hoa lửa rực sáng tên anh giữa mùa Thu cách mạng, gợi nhớ đến cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 lịch sử.


* Nguyên:  - Uỷ viên Bộ Chính trị,

- Thủ tướng Chính phủ.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả