Cống hiến to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ trong công tác tổ chức cán bộ ở Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp

Ngày đăng: 01/11/2011 - 16:11

Lê Toàn Thư

Tôi không có may mắn được ở tù chung với đồng chí Lê Đức Thọ, nhưng lại có may mắn là thư ký riêng của đồng chí, khi đồng chí lãnh trách nhiệm Trưởng phái đoàn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào Nam Bộ công tác tháng 9-1948. Lúc đó, đồng chí Lê Đức Thọ là Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách Trưởng Ban Đảng vụ (sau là Ban Tổ chức) Trung ương, kiêm Trưởng Ban Dân vận Trung ương...

LDT15

Đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Xuân Thủy dự lễ chiêu đãi do Tổng đại diện

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Mai Văn Bộ tổ chức tại Pari năm 1968

Trước khi được Trung ương Đảng điều động tới làm việc trực tiếp với đồng chí Lê Đức Thọ, tôi đã nghe danh tiếng của đồng chí là một cán bộ xuất sắc trong Thường vụ Trung ương Đảng, được Bác Hồ rất thương yêu, quý mến, được Tổng Bí thư Trường Chinh lúc đó rất tin cậy, là cánh tay rất đắc lực của Thường vụ Trung ương Đảng, đặc biệt là trong công tác tổ chức cán bộ.

Đồng chí Lê Đức Thọ biết rất nhiều cán bộ của Đảng, rất hiểu cán bộ, vì đồng chí đã hoạt động lâu năm trong Đảng, đã kinh qua nhiều nhà tù của địch, nhất là đã ở Côn Đảo, Sơn La. Đồng chí rất quý mến, yêu thương cán bộ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, mắc míu, âu lo của cán bộ và thường tìm mọi cách giúp đỡ cho cán bộ trong công việc chung, cũng như trong đời tư... Đồng chí Lê Đức Thọ nổi tiếng là một "ông mai" giỏi (mai có nghĩa là mối). Đồng chí đã xe tơ - kết tóc cho nhiều cặp cán bộ nên vợ nên chồng...

Tôi có may mắn được dự Hội nghị cán bộ toàn miền Bắc lần thứ 5 vào khoảng tháng 5-1948 tại Việt Bắc, dưới sự chủ tọa của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, và có những ngày Bác Hồ đã tới dự. Quả tình, lời đồn không sai. Tại Hội nghị này, tôi được chứng kiến sự hoạt động sôi nổi của anh Lê Đức Thọ.

Tháng 9-1948, tại Việt Bắc, tôi được điều động từ Văn phòng Tổng bộ Việt Minh, mà tôi là Chánh Văn phòng, sang Ban Tổ chức Trung ương Đảng để đi công tác vào Nam Bộ với đồng chí Lê Đức Thọ; đồng chí Hoàng Quốc Việt, lúc đó là Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Tổng bộ Việt Minh nói với tôi như vậy.

Ngay hôm sau, tôi sang cơ quan đồng chí Thọ và từ đó liền lưng với đồng chí cho tới năm 1954 mới chia tay nhau. Tôi ở lại Nam Bộ thi hành Hiệp định Giơnevơ, đồng chí Thọ trở ra Hà Nội làm việc trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng.

Biết bao kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên với đồng chí Lê Đức Thọ. Nhưng sâu sắc nhất là những kỷ niệm, những bài học tôi đã học được ở đồng chí về công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng Đảng...

Đồng chí Lê Đức Thọ là một đồng chí rất vui tính, dễ gần, dễ nói chuyện, dễ chan hòa. Tôi sống liền lưng với đồng chí trong suốt những ngày tháng đi đường dọc dài đất nước, từ Việt Bắc tới các miền Nam Bộ. Tình cảm thật là gắn bó, vừa là đồng chí, vừa là anh em!

Ngay ngày đầu tiên làm việc với đồng chí, đồng chí đã chỉ hỏi tôi về cán bộ, những cán bộ mà tôi đã cùng ở tù ở Hỏa Lò - Hà Nội và Côn Đảo. Thật là một cuộc hỏi han dài, khá kỹ lưỡng về cán bộ mà tôi không thể đáp ứng đầy đủ được! Qua cuộc trò chuyện của đồng chí về cán bộ, tôi thấy mình nông cạn quá, biết ít quá về những đồng chí sống chung trong nhà tù, biết những điều không quan trọng.

Dọc đường đi từ Bắc vào Nam, trước khi tới Đồng Tháp Mười, căn cứ của Xứ uỷ Nam Bộ, đồng chí Lê Đức Thọ có những buổi làm việc ngắn với một số tỉnh uỷ, khu uỷ. Sau khi nghe tình hình các mặt, bao giờ đồng chí cũng căn dặn: Phải xây dựng, củng cố Đảng trong lực lượng vũ trang, trong công an, trong vùng bị địch tạm chiếm, phát triển Đảng phải luôn luôn đi đôi với củng cố Đảng, phải dìu dắt đảng viên mới trong công tác thực tế, phải mở lớp huấn luyện ngắn ngày cho họ. Phải luôn luôn chăm lo củng cố chi bộ. Thực hiện phê bình và tự phê bình, phải luôn luôn đề cao cảnh giác, đề phòng bọn địch chui vào trong Đảng, phá hoại Đảng từ bên trong.

Tới được Đồng Tháp Mười vào khoảng tháng 5-1949, đồng chí vô cùng mừng rỡ được gặp lại các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, và bao đồng chí đã từng ở chung trong nhà tù, lần đầu được gặp các đồng chí trong Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ: Phạm Văn Bạch, Nguyễn Thành Vinh, Kha Vạng Cân, Phạm Ngọc Thuần...

Tôi đặc biệt khâm phục tình đoàn kết gắn bó keo sơn, không mảy may gợn sóng giữa anh Lê Đức Thọ với các anh trong Xứ uỷ Nam Bộ lúc đó, đứng đầu là anh Lê Duẩn, Bí thư Xứ uỷ. Tôi thấy rất rõ anh Thọ có lòng thương yêu, kính trọng rất sâu sắc với các anh trong Thường vụ Xứ uỷ, đặc biệt là với anh Lê Duẩn. Trong những lúc riêng tư, anh Thọ thường trò chuyện với tôi về anh Lê Duẩn. Anh Thọ coi anh Lê Duẩn như một người anh, có trình độ lý luận và thực tiễn cao, đặc biệt là tinh thần sáng tạo, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào tình hình thực tế của Việt Nam. Anh Thọ rất đồng ý với anh em đồng chí Nam Bộ gọi anh Ba Lê Duẩn là đồng chí "đơ xăng bu gi" (tiếng Pháp có nghĩa đen là hai trăm nến, nghĩa bóng là rất sáng, sáng chói). Anh Thọ nói với tôi: "Anh Ba (Lê Duẩn) có tầm nhìn chiến lược, rất sâu sắc, rất rộng lớn, luôn căn cứ vào tình hình thực tế Việt Nam, phân tích, nhận xét để có những chủ trương, chính sách đúng đắn, thích hợp. Tôi (anh Thọ) rất mến phục anh Ba. Tuy nhiên anh Ba có rất ít thì giờ để lo việc tổ chức thực hiện".

Bản thân tôi, rất đồng tình với anh Thọ về điều trên đây, và theo tôi, anh Thọ, một cán bộ đầu ngành của Trung ương về công tác tổ chức cán bộ, được Trung ương phái vào Nam Bộ công tác thực sự đã là một sự bổ sung tuyệt đẹp cho anh Lê Duẩn, cho phong trào cách mạng ở Nam Bộ. Tôi thấy anh Lê Duẩn và anh Sáu Thọ đã cộng tác, hợp tác với nhau rất chặt chẽ, rất đẹp đẽ, làm gương sáng cho toàn thể Đảng bộ Nam Bộ noi theo.

Tôi thấy công việc đầu tiên của anh Thọ lúc bấy giờ ở Nam Bộ là đã cùng Thường vụ Xứ uỷ rà soát lại cán bộ trong các cấp uỷ Đảng: trong các khu uỷ, tỉnh uỷ, đặc khu uỷ, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, rà lại, nắm lại các đồng chí chủ chốt của các cấp uỷ này. Tôi ngày càng thấm thía đây là một công việc cực kỳ quan trọng, mà trong bất cứ thời kỳ nào, Đảng ta cũng đều quan tâm. Bởi vì theo tôi nghĩ, cấp uỷ Đảng các cấp là đầu não của phong trào cách mạng cả một địa phương. Đầu não có trong sạch, vững mạnh, thì phong trào cách mạng địa phương mới vững mạnh... Nếu ngược lại thì tất cả sẽ rất xấu...

Qua việc rà soát lại cán bộ trong các cấp uỷ Đảng, tôi thấy anh Thọ đã đề nghị với Thường vụ Xứ uỷ một số biện pháp khá khẩn cấp mà vững chắc, chấn chỉnh kiện toàn ngay lập tức một số cấp uỷ mà kết quả đã tỏ rõ là rất cần thiết, rất đúng đắn. Đối với một số cấp uỷ, tuy có vấn đề cần chỉnh đốn, nhưng chưa nghiêm trọng và cấp bách, Thường vụ Xứ uỷ chủ trương giải quyết từng bước, thận trọng...

Chúng ta đều biết, sau Khởi nghĩa Nam Kỳ bị thất bại, Đảng bộ Nam Bộ bị tổn thương rất nặng nề. Nhiều cán bộ ưu tú của Đảng bị địch bắn giết, tù đày... Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, nhân dân Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng, giành được chính quyền chưa đầy một tháng thì thực dân Pháp đã gây hấn trở lại, buộc nhân dân Nam Bộ phải tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống giặc ngoại xâm.

Tất cả đều được xây dựng từ đầu, từ cơ sở tổ chức Đảng, đến các đoàn thể quần chúng, chính quyền, lực lượng võ trang cách mạng... Nhân dân Nam Bộ vừa đánh giặc, vừa xây dựng lực lượng cách mạng, vừa trưởng thành trong lửa đạn chiến tranh! Nhân dân Nam Bộ lúc đó rất thiếu cán bộ. Như trong một đêm nọ, khi phái đoàn Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh mới đến Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn có nói với tôi: "Anh Thọ và các anh vào trong này là lực lượng lớn cán bộ tăng cường cho Nam Bộ. Tôi sẽ xin Trung ương cho các anh ở luôn trong này làm việc".

Đúng như thế, anh Thọ và chúng tôi đã được Trung ương cho ở lại công tác lâu dài ở Nam Bộ.

Anh Thọ và Thường vụ Xứ uỷ đã từng bước xây dựng, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ uỷ, lề lối làm việc ngày càng có nền nếp, quy củ hơn.

Văn phòng Xứ uỷ được tăng cường cán bộ theo dõi, nghiên cứu các mặt hoạt động của phong trào cách mạng Nam Bộ, của các chiến trường khu, tỉnh. Có một thời gian, vào khoảng 1951 - 1952, đồng chí Nguyễn Văn Linh lúc đó là Xứ uỷ viên được điều động về làm Chánh Văn phòng Xứ uỷ Nam Bộ.

Đồng chí Lê Đức Thọ chỉ đạo trực tiếp các Ban Đảng vụ (sau này đổi thành Ban Tổ chức - Kiểm tra và sau nữa tách hẳn thành Ban Tổ chức riêng biệt do đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban, tôi làm Phó Trưởng ban Thường trực). Điều đó cho ta thấy Thường vụ Xứ uỷ rất quan tâm đến việc củng cố, tăng cường Văn phòng Xứ uỷ và Ban Tổ chức Xứ uỷ. Nhiều Ban chuyên môn của Xứ uỷ được củng cố hoặc được thành lập mới như Ban Dân vận, các Ban Công vận, Nông vận, Thanh vận, Tôn giáo vận (bao gồm Cao đài vận, Hòa hảo vận, Công giáo vận...), Hoa vận, Khơme vận,... được thành lập, hoặc tăng cường cán bộ.

Riêng Ban Tuyên huấn của Xứ uỷ thì đã có từ lâu và là một ban mạnh của Xứ uỷ.

Thường vụ Xứ uỷ định kỳ hoặc thường mời các đồng chí phụ trách các khu uỷ, tỉnh uỷ về làm việc với Thường vụ Xứ uỷ và thường phái cán bộ xuống nắm tình hình ở các khu, tỉnh.

Nhờ vậy mà sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Xứ uỷ đối với các khu, tỉnh, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được chặt chẽ thường xuyên hơn.

Đồng chí Lê Đức Thọ và Thường vụ Xứ uỷ rất quan tâm báo cáo tình hình Nam Bộ với Thường vụ Trung ương Đảng và Bác, và xin chỉ thị của Bác và Thường vụ Trung ương về những vấn đề cần thiết.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Thường vụ Trung ương, của Bác đối với chiến trường miền Nam được thực hiện thông suốt và chặt chẽ.

Sau khi ta rời căn cứ của Xứ uỷ Nam Bộ, từ Đồng Tháp Mười xuống miền Tây Nam Bộ và khi bộ máy làm việc của Xứ uỷ đã bước đầu ổn định, đồng chí Lê Đức Thọ đã chủ động đặt vấn đề với Thường vụ Xứ uỷ: mở lớp huấn luyện bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ tỉnh, khu, lấy tên là Trường Trường Chinh, biệt danh của đồng chí Tổng Bí thư Trung ương Đảng ta lúc đó. Giảng viên là các đồng chí Xứ uỷ viên, các đồng chí phụ trách các ban, ngành chuyên môn của Xứ uỷ. Học viên lấy từ Ninh Thuận, Bình Thuận trở vào cho tới mũi Cà Mau.

Từ năm 1950, Trường Trường Chinh đã liên tục mở được ba khóa, cho tới năm 1954, là năm đình chiến, thi hành Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam mới ngừng hoạt động. Hàng trăm cán bộ trung, cao cấp đã được bồi dưỡng, nâng cao trình độ ở Trường Trường Chinh. Nhiều đồng chí hiện nay còn giữ nhiều kỷ niệm sâu sắc, đầm ấm về mái trường này.

Và trước khi Nam Bộ hoàn thành việc tập kết, chuyển quân ra miền Bắc theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, đồng chí Lê Đức Thọ cũng đã là một trong những giảng viên chủ yếu của lớp huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ trung, cao cấp các tỉnh, thành Nam Bộ, được phân công ở lại hoạt động bí mật ở Nam Bộ.

Tôi còn nhớ tiếng nói ân cần, lưu luyến của đồng chí căn dặn chúng tôi, những cán bộ ở lại hoạt động trong lòng địch: Phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của nhân dân, của Đảng!

Anh Lê Đức Thọ kính nhớ, anh đã đi xa!

Nhưng văng vẳng đâu đây, tôi vẫn nghe tiếng nói sang sảng của anh ngày ấy: "Phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của nhân dân, của Đảng".

Chúng tôi đã và đang nghiêm chỉnh chấp hành lời căn dặn của anh, cũng là lời căn dặn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả