Hiến kế chấn hưng giáo dục: trách nhiệm không của riêng ai

Ngày đăng: 22/08/2012 - 14:08

Bao giờ nước ta có những nhà quản lý giáo dục có tầm vóc và phát triển những phương pháp giáo dục ưu việt? Đó là vấn đề trọng tâm được đặt ra tại Hội thảo "Sách và chấn hưng giáo dục" diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 5-2012. Hội thảo đã thu hút sự tham dự của các học giả trong và ngoài nước, với nhiều ý kiến đóng góp có giá trị, có thể coi đó là "hiến kế" - góp phần chấn hưng nền giáo dục Việt Nam mà bất cứ ai có trách nhiệm cũng nên xem xét kỹ. Dưới đây, xin lược trích một số ý kiến tham luận tại Hội thảo


PGS. TS. Nguy n Thi n T ng


PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống: Trọng tâm của chấn hưng giáo dục Việt Nam là cải cách giáo dục đại học

...Giáo dục nói chung, đặc biệt là giáo dục đại học đã trở thành một thành phần chủ yếu của chiến lược đầu tư phát triển kinh tế quốc gia. Trong môi trường kinh tế toàn cầu hóa mang tính cạnh tranh mãnh liệt, đầu tư cho giáo dục đại học để có được một lực lượng lao động kỹ năng cao và năng suất cao là một thành phần chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội tương lai. Nếu không có sự đầu tư và coi trọng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học trong các nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ, sức cạnh tranh của một quốc gia sẽ suy thoái rất đáng kể trong những năm tới.

Tầm quan trọng ngày càng gia tăng của kiến thức, cùng với sự kiện hầu hết các nước đang phát triển bị tụt hậu xa so với các nước phát triển trong khả năng tạo ra kiến thức, tiếp thu, biến cải và sử dụng chúng, sẽ còn làm cho khoảng cách thu nhập giữa các nước phát triển giàu có và các nước đang phát triển nghèo nàn ngày càng gia tăng nếu khoảng cách tri thức tương ứng và sự chênh lệch khả năng tiếp cận kiến thức không được giải quyết thành công bằng biện pháp cải cách giáo dục đại học.

TS. H  Thi u Hng

TS. Hồ Thiệu Hùng


TS. Hồ Thiệu Hùng: Đổi mới sách giáo khoa để chấn hưng giáo dục

…Sách giáo khoa hiện dùng trong nhà trường bị phê phán đủ điều nhưng tập trung nhiều ở 4 điều sau: Nội dung ôm đồm, dư nhiều kiến thức chưa thiết thực (thậm chí xa rời nhu cầu thực tế), nhưng thiếu nhiều kiến thức rất cần cho cuộc sống hiện tại (và tương lai); Thiếu tính tích hợp các kiến thức; Hình thức chưa thu hút người học, sau khi học xong không đọng lại gì trong lòng; Xu hướng muốn chiếm vị trí độc tôn suốt mọi bậc học. Tất nhiên, xu hướng này mạnh hay yếu còn tùy thuộc vào ý thức của người dạy (đặc biệt là dạy các môn khoa học xã hội)…

Nhìn tổng quát, việc sửa đổi nội dung học sao cho thiết thực là vô cùng cấp bách cho cả 3 bậc học. Nếu nhà nước ta thực sự muốn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục - nghĩa là đổi mới tận gốc rễ, đổi mới tất cả các mặt - thì nên chọn đây là điểm đột phá khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Lựa chọn một “tổng công trình sư” chỉ huy việc này, tập hợp đội ngũ viết sách, thống nhất với nhau về triết lý giáo dục trước rồi hình thành nội dung chương trình khung, sau đó phân chia nội dung cho những chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm thực tế trong việc dạy từng bậc học biên soạn, xin nhấn mạnh yêu cầu có kinh nghiệm thực tế về công tác giảng dạy bậc học đó. Xin đừng chỉ định tiến sĩ này tiến sĩ kia chưa từng hay ít dạy một bậc học nào đó đi viết sách cho học sinh bậc học ấy chỉ vì người đó “đỗ đạt cao”. Nên động viên cả những bậc tu hành, các nhà kinh doanh tham gia góp ý nội dung chương trình hay viết sách. Cần mở một trang web công bố chương trình khung và động viên nhiều người tham gia ý kiến hay gửi bài cho cuốn sách giáo khoa đang hình thành. Việc phân chia nội dung phải thật khớp giữa các lớp, các môn. Có thể mua luôn chương trình một số môn khoa học tự nhiên của một số nước. Việc làm bộ sách giáo khoa này phải tiến hành không chậm trễ. Không chỉ viết một bộ sách giáo khoa mà viết nhiều bộ để lựa chọn. Bản thảo có rồi thì đưa ra một hội đồng khoa học thẩm định, chọn bộ tốt nhất. Tác giả có sách được chọn sẽ được vinh danh và trọng thưởng.


GS. Nguy n Minh Thuy t

GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết

GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết: Một số kinh nghiệm cho việc biên soạn sách giáo khoa Việt Nam

Trước hết, cần mở rộng sự tham gia của giới chuyên môn và xã hội nói chung vào việc biên soạn sách giáo khoa theo tinh thần một chương trình nhiều bộ sách và phù hợp với điều kiện nước ta. Đối với một số môn học liên quan trực tiếp đến lĩnh vực giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức như: Ngữ văn, Lịch sử, Đạo đức/Giáo dục công dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức biên soạn hai bộ sách giáo khoa, một bộ dành cho các vùng phát triển, một bộ dành cho những vùng và đối tượng có khó khăn. Sách giáo khoa các môn còn lại, các nhà xuất bản khác được quyền tổ chức biên soạn, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt, chọn hai bộ sách làm sách giáo khoa (một dành cho các vùng phát triển, một dành cho những vùng và đối tượng có khó khăn) và một số bộ khác làm sách tham khảo được phép sử dụng trong nhà trường. Sách tham khảo do thư viện nhà trường mua bằng nguồn kinh phí cơ sở vật chất của nhà trường, đủ trang bị cho mỗi học sinh một bộ sử dụng tại lớp, luân chuyển từ khóa này sang khóa khác. Bộ sách giáo khoa Ngữ văn cấp tiểu học và trung học cơ sở (THCS) lấy tên là sách giáo khoa Tiếng Việt, ở cấp trung học phổ thông (THPT) là sách Tiếng Việt và văn học.

Nội dung cụ thể của bộ sách giáo khoa phụ thuộc vào chương trình nhưng tinh thần chung là ở tiểu học và THCS tập trung vào việc phát triển các kỹ năng giao tiếp tiếng Việt cho học sinh và bước đầu giúp học sinh làm quen với việc tiếp nhận tác phẩm văn học. Qua các tác phẩm văn học và văn bản khác được giới thiệu trong sách giáo khoa, học sinh được bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, tiếp thu các giá trị tinh thần của dân tộc, các kiến thức cần thiết cho đời sống. Ở cấp THPT, sách giáo khoa có mục tiêu nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Việt, trang bị một cách có hệ thống kiến thức văn học và kỹ năng tiếp nhận tác phẩm văn học.  

Sách giáo khoa cần thể hiện các phương pháp dạy học tiên tiến, phát huy tính tích cực của học sinh.

Cùng với việc đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học, cần thay đổi quan niệm về sử dụng sách giáo khoa, trao quyền chủ động nhiều hơn cho nhà trường và giáo viên để lựa chọn nội dung dạy học, lựa chọn tác phẩm văn học thích hợp, đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng tri thức, rèn luyện kỹ năng và nhân cách cho học sinh. Sách giáo khoa cũng cần thể hiện quan điểm sắp xếp hợp lý thời gian học trên lớp với thời gian tự học, thực hành, dã ngoại, tăng tính linh hoạt của chương trình giáo dục mới.

TS. NguyOn Thi T² Hy

TS. Nguyễn Thị Từ Huy

 

TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Sách và các nhà quản lý giáo dục

Giáo dục Việt Nam cần có những nhà lãnh đạo hiểu rằng, thành tích của nền giáo dục không phải là những khẩu hiệu suông dán trên tường hay những văn kiện có thể được học sinh học thuộc lòng như vẹt nhưng không được thực hiện trong đời sống thực. Xây dựng thành tích theo kiểu đó là một trong những nguyên nhân hủy hoại nhân cách, tàn phá năng lực trí tuệ, bởi vì, nó tập cho học sinh quen với sự giả dối, biến giả dối thành một tính cách tập thể. Và đó chính là nền tảng dẫn tới mọi thói hư tật xấu khác: vô cảm, vô nhân đạo, độc ác… Sự băng hoại đạo đức của xã hội là tất yếu khi mà nền giáo dục tạo ra những con người như vậy.

Giáo dục Việt Nam cần có những nhà lãnh đạo hiểu rằng, chỉ có thành tích khi thực sự đào tạo được những con người phát triển về trí tuệ, có nhân phẩm và đạo đức, mạnh mẽ trong tính cách, tự lập, tự chủ, có khả năng và kỹ năng thực hiện những công việc lao động phù hợp với năng lực của mình để tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội, có khả năng xây dựng một xã hội phát triển, trong đó mình có thể sống hạnh phúc cùng với những người khác trong sự bao dung, lòng trắc ẩn, vị tha và với ý thức hướng thiện, hướng tới cái đẹp. Thành tích của giáo dục biểu hiện ở chỗ nó đào tạo được những con người có khả năng giải quyết các vấn đề của quốc gia, và cao hơn, của nhân loại, có khả năng phát triển nền kinh tế, có khả năng tạo ra các giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, có khả năng thiết lập một thể chế pháp luật hợp lý, bảo đảm công lý, công bằng cho tất cả mọi người, và vì thế mà đưa lại an sinh và hạnh phúc cho xã hội.

…Việc đọc sách, đối với những người lãnh đạo giáo dục các cấp, càng trở nên cần thiết hơn trong bối cảnh hiện nay, khi sự tuột dốc của giáo dục để lại những hậu họa khôn lường mà có thể chúng ta chưa nhận thức được một cách đầy đủ. Bối cảnh toàn cầu hóa khiến cho các nước không thể tự cô lập mà còn có thể giữ được sự yên ổn. Còn một khi đã tham gia vào cục diện chung, nếu nền giáo dục không đào tạo được những con người đủ năng lực đưa đất nước tới sự hội nhập, đủ phẩm chất để chinh phục và được công nhận ở đẳng cấp quốc tế, thì sự tụt hậu rất có thể kéo theo sự lệ thuộc, kéo theo sự nô lệ dưới nhiều hình thức: nô lệ về văn hóa, về kinh tế, về chính trị… Rõ ràng, ở tình thế hiện tại, muốn cải cách giáo dục hay muốn tạo bước đột phá cho giáo dục, thì không còn có thể lãnh đạo theo quán tính, theo định kiến, theo những kinh nghiệm và thói quen đã trở nên lỗi thời hay thậm chí mang tính chất kìm hãm. Cần phải có những phương pháp khoa học và hiệu quả trong quản trị giáo dục. Những ai coi giáo dục là sự nghiệp (chứ không phải chỉ là một phương tiện để mở rộng túi tiền cá nhân) và hiểu được ý nghĩa sống còn của giáo dục đối với sự phát triển, đều thấy rằng cải cách trong quản lý giáo dục, thay đổi quan niệm về giáo dục, là yêu cầu cấp bách, yêu cầu số một, nếu muốn hãm đà tuột dốc của nền giáo dục và đưa nó ra khỏi cái vực thẳm suy thoái hiện nay.

Sẽ không phải là cường điệu khi nói rằng, sự sống còn của nền giáo dục này phụ thuộc vào việc các nhà quản lý giáo dục có muốn đọc sách, có chịu bỏ thời gian đọc sách hay không, có khả năng chọn sách để đọc và xử lý được thông tin trong sách hay không; và cũng phụ thuộc vào việc hàng ngũ quản lý có chấp nhận hay không những người có năng lực lãnh đạo, chịu khó đọc sách và có khả năng biến kiến thức sách vở thành hiệu quả thực tế.

HƯƠNG THẢO NGUYÊN

(lược trích)

 

 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả