Hợp tác với FAO - Điểm nhấn hội nhập quốc tế của Việt Nam

Ngày đăng: 28/05/2012 - 14:05

 

 

 

Hợp tác với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) là một điểm nhấn đáng chú ý trong hội nhập quốc tế của Việt Nam. Các chương trình hợp tác đã giúp Việt Nam giảm đói nghèo và nâng cao vị thế quốc tế. Nhân dịp tới Hà Nội dự Hội nghị FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 31 vừa qua, ông Jose Graziano da Silva, Chủ tịch FAO đánh giá, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng; đồng thời khẳng định, FAO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực quan trọng.

 

Tại Hội nghị FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 31 diễn ra ở Hà Nội từ ngày 12 đến 16-3-2012 vừa qua với chủ đề chính là an ninh lương thực và giảm đói nghèo ở nông thôn, Chủ tịch FAO - ông Jose Graziano da Silva đã đánh giá rất cao sự hợp tác của Việt Nam với FAO và các nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông khẳng định, Việt Nam là một điển hình thành công về phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực.

Khẳng định vị thế Việt Nam

Ông Jose Graziano da Silva khẳng định, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia trên thế giới có thể vừa tăng sản lượng xuất khẩu gạo mà vẫn bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Vấn đề này rất quan trọng, góp phần ổn định chính trị và hòa bình trong nước cũng như khu vực. Đây cũng được coi là bài học quý báu với các quốc gia khác trên thế giới, nhất là các nước châu Phi.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hà Nội tháng 3 vừa qua, ông Jose Graziano da Silva đã đánh giá cao những bước tiến của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam thời gian qua, cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trên những lĩnh vực này. Người đứng đầu FAO cũng đánh giá cao việc các dự án của FAO được triển khai hiệu quả tại Việt Nam thời gian qua cũng như sự hợp tác tích cực của Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 31 của FAO. Theo ông, Hội nghị vừa khẳng định vị thế của Việt Nam, vừa là cơ hội để các nước chứng kiến những thành công của nông nghiệp Việt Nam. Những đóng góp trong nông nghiệp của Việt Nam đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, làm nên thành công chung của FAO tại khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, những đánh giá tốt đẹp của FAO đối với Việt Nam không chỉ mới được đưa ra nhân dịp Hội nghị của FAO diễn ra ở Hà Nội lần này, mà từ nhiều năm trước, FAO đã đánh giá rất cao những thành tựu nông nghiệp cũng như xóa đói nghèo của Việt Nam. Báo cáo an ninh lương thực toàn cầu năm 2008 của FAO đã xác nhận Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc về giảm đói nghèo ngay từ năm 2003-2005 và đang tiếp tục phấn đấu để đạt được những mục tiêu cao hơn.

Theo Báo cáo, việc người nông dân sản xuất quy mô nhỏ tăng cao sản lượng lúa trong những năm vừa qua đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo chủ chốt trên thế giới. Trong khi đó, Báo cáo cũng bày tỏ lo ngại về khả năng đạt được những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm 50% số người đói nghèo trong giai đoạn 1990-2015.  Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do giá lương thực tăng cao. Chỉ tính trong giai đoạn 2003-2007, đã có thêm 75 triệu người lâm vào cảnh bị thiếu ăn.

Tiếp đó, tại Báo cáo “Con đường tới thành công” của FAO, công bố trước Hội nghị thượng đỉnh thế giới về an ninh lương thực năm 2009, tổ chức này cho biết, nhiều nước đã đạt được hoặc đang vững bước tiến tới mục tiêu cắt giảm một nửa số người đói nghèo vào năm 2015 - một trong 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. 31 trong 79 quốc gia mà FAO thống kê đã giảm đáng kể số người nghèo đói so với đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, trong đó 4 nước thành công nhất là Ácmênia, Braxin, Nigiêria và Việt Nam. Báo cáo chỉ ra 4 nhân tố chung nhất để giảm thành công số người nghèo đói của Việt Nam và một số nước kể trên, đó là: Tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và thịnh vượng của người dân; đầu tư vào những vùng nông thôn nghèo và vươn tới những người có nhiều rủi ro nhất; giữ vững những thành quả đã đạt được và chống lại mọi mối đe dọa; có kế hoạch phát triển bền vững.

Cùng Việt Nam vượt các thách thức

Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam, bà Yuriko Shoji, khi tiếp xúc với báo giới cũng từng dành nhiều lời khen và thiện cảm đối với Việt Nam. Bà khẳng định, FAO và Chính phủ Việt Nam cũng như nhân dân Việt Nam có mối quan hệ lâu dài và tốt đẹp trong những năm qua và đã hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực. Đánh giá về vai trò của Việt Nam trong khuôn khổ của FAO, nhất là những đóng góp của Việt Nam cho chương trình hợp tác Nam - Nam, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một quốc gia hàng đầu trên nhiều lĩnh vực mang tính khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã phát triển rất nhanh trong những năm qua, do đó, hy vọng Việt Nam có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm của mình cho các quốc gia đang phát triển khác trong vùng cũng như trên thế giới. Trên bình diện ấy, sự hợp tác Nam - Nam là hết sức quan trọng và cần thiết, khi Việt Nam có kinh nghiệm phát triển, có đội ngũ chuyên gia, có sự dồi dào về nguồn nhân lực. FAO bảo đảm sẽ tạo điều kiện để Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm ấy thông qua các chương trình hợp tác Nam - Nam trong khuôn khổ FAO.

Các quan chức của FAO khẳng định, FAO coi Việt Nam là quốc gia đối tác quan trọng trong việc hợp tác nông nghiệp. Đến nay, tổ chức này đã triển khai hơn 400 dự án tài trợ được thực hiện tại Việt Nam. Và, hợp tác FAO - Việt Nam sẽ tiếp tục rộng mở trong thời gian tới nhằm giúp Việt Nam vượt các thách thức cũng như phổ biến kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, xóa đói nghèo của nước mình tới nhiều nước khác.

Tại Hội nghị của Fao ở Hà Nội vừa qua, Chủ tịch FAO - ông Jose Graziano da Silva nhấn mạnh, Việt Nam nằm trong khu vực vựa lúa thế giới nhưng khu vực này cũng vẫn còn nhiều khả năng xảy ra bất ổn. Dù là nơi sản xuất được nhiều lương thực, nhưng châu Á - Thái Bình Dương lại là nơi có số lượng người thiếu ăn nhiều nhất, có tới 578 triệu người bị đói và suy dinh dưỡng, chiếm 62% tổng số của thế giới. Bên cạnh đó, châu Á cũng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, và các quốc gia đã bắt đầu bị tác động bởi tình trạng nước biển dâng. Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức gay gắt do biến đổi khí hậu.

Người đứng đầu FAO đã cam kết, FAO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực quan trọng như: thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực và chương trình về phát triển, xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ Việt Nam trong việc chuẩn bị đối phó với biến đổi khí hậu và nhiều nội dung liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói nghèo... Trong tương lai gần, FAO sẽ chú ý nhiều hơn tới lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa gạo và phát triển nông thôn. Ông cũng cho biết, quan điểm của FAO là vừa hỗ trợ vừa học tập kinh nghiệm từ Việt Nam để chia sẻ với các thành viên khác trong khu vực.

Một vấn đề quan trọng mà FAO muốn hợp tác với Việt Nam là kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đây là một thách thức lớn với toàn thế giới trong bối cảnh chủng vi rút cúm gia cầm hiện đã có biến đổi và cần phải tìm ra vắc xin mới càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, FAO cũng quan tâm giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Mới đây, bên lề hội nghị về nuôi trồng thủy sản khu vực châu Á tại Xrilanka, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Vũ Văn Tám đã thảo luận với các quan chức FAO về vấn đề hỗ trợ xây dựng mạng lưới phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Các đại diện của FAO cam kết sẽ bàn bạc các biện pháp hỗ trợ ngăn chặn dịch bệnh thủy sản tại Việt Nam, đặc biệt ở tôm và nghêu…

Đánh giá về hợp tác giữa FAO với Việt Nam, tháng 3 vừa qua, trong buổi tiếp ông Jose Graziano da Silva, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, FAO hiện là tổ chức cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp và nông thôn lớn nhất cho Việt Nam; thành tựu nông nghiệp của Việt Nam được thế giới biết đến, cũng nhờ sự giúp đỡ của FAO. Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng và mong muốn FAO tiếp tục ủng hộ để các chuyên gia Việt Nam mang kinh nghiệm, năng lực của mình đóng góp cho sự nghiệp chung của thế giới.


TRẦN BÍCH

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả