Đại thắng mùa xuân năm 1975 – kết tinh sức mạnh Việt Nam

Ngày đăng: 30/04/2012 - 09:04

Hình ảnh Sài Gòn trong ngày toàn thắng 30-4-1975, non sông thu về một mối.

Nhìn lại cách đây gần gần 40 năm... Miền Bắc đã thức cùng miền Nam những đêm không ngủ! Miền Nam máu chảy ruột mềm! Những người mẹ miền Bắc “ngậm ngùi nuốt lệ” tiễn những đứa con cuối cùng của mình lên đường vào Nam “chia lửa cùng nhân dân thành đồng Tổ quốc”. Những chàng trai cô gái đang ở độ tuổi thanh xuân đã để lại sau lưng mình tất cả những gì tốt đẹp nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa, lên đường “Nam tiến”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Ở lại hậu phương, nhân dân miền Bắc luôn nêu cao khẩu hiệu: tiền tuyến kêu gọi, hậu phương sẵn sàng đáp ứng, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, vì miền Nam ruột thịt miền Bắc làm việc bằng hai... Miền Nam thành đồng Tổ quốc đã chiến đấu anh dũng, quật cường hơn để ngày 30-4-1975, "toàn thắng về ta" ...

Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết nhưng nhân dân Việt Nam sống ở hai bờ sông Bến Hải không lưu tâm lắm đến việc mình sống trên vĩ tuyến nào. Họ chỉ biết đến Tổ quốc Việt Nam từ ngàn đời luôn chung một nền văn hiến. Họ chỉ biết đến một hiệp định quốc tế sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, thực dân Pháp phải rút khỏi Việt Nam để rồi hai năm sau sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Vậy mà, trong khi nhân dân bờ Bắc sông Bến Hải được hưởng không khí hoà bình, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì bờ Nam “Thành đồng Tổ quốc” nhanh chóng trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Mỹ dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, từ chối hiệp thương giữa hai miền, cự tuyệt tổng tuyển cử, thống nhất đất nước theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Chính quyền Mỹ - Diệm ráo riết khủng bố, đàn áp đồng bào ta, tàn sát những người kháng chiến cũ bằng các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” và Luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam giết hại những người vô tội. Hành động của chúng đã ngang nhiên phá hoại hoà bình, gây ra cuộc chiến tranh “một phía” và đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam!

Trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, Đảng và Bác Hồ đã khẳng định: “Dân tộc Việt Nam về mặt lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hoá là một khối duy nhất, không thể phân chia. Lãnh thổ Việt Nam là một dải đất thống nhất, không thể chia cắt được"(1). “Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”(2). Đảng và Bác Hồ còn chỉ ra con đường đấu tranh, hoàn thành mục tiêu cách mạng và hoài bão thiêng liêng của dân tộc ta là hoà bình, độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (khóa II) ra đời đã đáp ứng yêu cầu bức thiết của lịch sử lúc đó, giải quyết đúng đắn, kịp thời đòi hỏi của cách mạng miền Nam và nguyện vọng tha thiết của toàn dân tộc, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công liên tục, mạnh mẽ.

Từ thắng lợi bước đầu của cách mạng hai miền Bắc - Nam, tháng 9-1960, Đại hội lần thứ III của Đảng được triệu tập tại Thủ đô Hà Nội với đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ: tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng trên hai miền Nam - Bắc nhằm mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội… đã khơi dậy, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và sức mạnh thời đại cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ý Đảng lòng dân thống nhất trong ý chí và hành động: “Dân tộc ta là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định sẽ vượt tất cả mọi khó khăn và thực hiện kỳ được thống nhất đất nước, Nam, Bắc một nhà"(3) "nhân dân hai miền Bắc - Nam xung trận “kiên quyết đánh thắng đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng hàng đầu của cả dân tộc”(4).

Miền Bắc không chỉ ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà còn thực hiện nghĩa vụ hậu phương lớn chi viện cho chiến trường miền Nam. Miền Bắc đã thức cùng miền Nam những đêm không ngủ! Miền Nam máu chảy ruột mềm! Những người mẹ miền Bắc “ngậm ngùi nuốt lệ” tiễn những đứa con cuối cùng của mình lên đường vào Nam “chia lửa cùng nhân dân thành đồng Tổ quốc”. Những chàng trai cô gái đang ở độ tuổi thanh xuân đã để lại sau lưng mình tất cả những gì tốt đẹp nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa, lên đường “Nam tiến”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Ở lại hậu phương, nhân dân miền Bắc luôn nêu cao khẩu hiệu: tiền tuyến kêu gọi, hậu phương sẵn sàng đáp ứng, thóc không thiếu một cân, quân khong thiếu một người, vì miền Nam ruột thịt miền Bắc làm việc bằng hai. Miền Bắc còn là nơi trung chuyển, cầu nối miền Nam với bạn bè quốc tế. Từ hậu phương miền Bắc, vật chất cũng như tinh thần ủng hộ của bè bạn năm châu đến với nhân dân miền Nam đã trở thành nguồn động viên, khích lệ mạnh mẽ nhân dân miền Nam quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai. Sức mạnh của hậu phương miền Bắc, lòng yêu nước và ý chí quyết chiến quyết thắng của nhân dân miền Nam đã từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh kiểu mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.

Mỗi chiến công của đồng bào miền Nam đều có sự chi viện về “tinh thần và lực lượng” của đồng bào miền Bắc và mỗi thành tích trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu của đồng bào miền Bắc đều có phần đóng góp của đồng bào miền Nam… Đây chính là minh chứng hùng hồn về sự đúng đắn, sáng tạo của đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng hai miền (chưa có tiền lệ trong lịch sử nhân loại, Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng chưa chỉ ra phải tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở một đất nước bị chia cắt làm hai miền như ở Việt Nam). Đường lối này là sự kết hợp chặt chẽ giữa độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở tầm cao mới, đồng thời thể hiện đậm nét bản lĩnh, trí tuệ và tư tưởng tiến công chiến lược của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhận xét về đường lối này, nhà sử học Mỹ Gabriel Kolko đã viết: “Đường lối quần chúng và sự động viên của Việt Nam dân chủ cộng hòa tỏ ra là một phương pháp rất có hiệu quả và nếu không làm được như vậy thì sự sống còn của Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ bị nguy hại hay ít ra sẽ không đủ khả năng để duy trì cuộc chiến tranh ở miền Nam”(5).

Lịch sử đã chứng minh, từ trong gian nan, thử thách, tinh thần và ý chí toàn dân tộc Việt Nam về xây dựng, bảo vệ một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất càng mãnh liệt, không áp lực nào ngăn cản được. Vì vậy, càng mở rộng chiến tranh, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai càng lún sâu vào “đường hầm không lối thoát”, gặp phải lực cản mạnh mẽ của lòng yêu nước, chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng - chiến đấu quên mình vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó là ý chí, nguyện vọng và niềm tin tất thắng của toàn dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là chân lý của thời đại. Ý chí và niềm tin tất thắng của toàn dân tộc không chỉ thể hiện sâu sắc trong “Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước” ngày 17-7-1966 của Bác Hồ: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa... song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”(6) và sự khẳng định của Người trong bài thơ “Xuân năm 1969”: “Vì độc lập, vì Tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!” mà còn được thể hiện bằng những chiến công hiển hách, liên tiếp của quân và dân ta ở hai miền đất nước.

Trước khi đi xa, trong “Di chúc” thiêng liêng để lại cho dân tộc Việt Nam, Bác căn dặn: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ”(7). Cả dân tộc đã nén đau thương, trước anh linh của Người, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước.

Đến giữa năm 1972, cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam đã giành thắng lợi to lớn, ta tiêu diệt một bộ phận lớn ngụy quân, nguỵ quyền, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn ở miền Nam. Thắng lợi này đã làm cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Ních-xơn thất bại nghiêm trọng. Cùng với thắng lợi to lớn của nhân dân miền Nam, miền Bắc đã làm nên kỳ tích quyết định trong trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972 của quân dân Hà Nội, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Dân tộc ta đã “đánh cho Mỹ cút” - điều kiện thuận lợi để Đảng và dân tộc ta tiếp tục tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ “đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đầu tháng 4-1975 - thời điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Dân tộc ta đang sống trong giờ phút sôi động và hào hùng nhất, cả dân tộc ra quân trong mùa xuân lịch sử với tinh thần “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng” với khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, và chắc thắng”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo“thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”(8).

Chiều ngày 26-4, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng bắt đầu! 5 cánh quân của ta đồng loạt tiến vào mục tiêu cuối cùng là Sài Gòn - Gia Định. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ đỏ sao vàng, lá cờ chiến thắng của ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn thắng lợi.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) của nhân dân Việt Nam với đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân 1975 “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và mang tính thời đại sâu sắc”(9). Tầm quan trọng, tính thời đại, bài học lịch sử của đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. dẫn dắt dân tộc Việt Nam hiên ngang bước vào thế kỷ XXI. Ngày nay, đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, dân tộc Việt Nam tiếp tục kế thừa truyền thống và nâng sức mạnh Việt Nam lên tầm cao mới, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.


Theo Tạp chí Xây dựng Đảng


--------------------
(1): Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II).
(2): Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2000, tập 7, tr.322.
(3): Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, NXBCTQG, H.1993, tập 10,  tr.199.
(4): Văn kiện Đảng toàn tập, NXBCTQG, H. 2002, tập 27.
(5): Gabriel Kolko - Giải phẫu một cuộc chiến tranh, NXBQĐND, H.2003, tr.313.
(6): Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2000, tập 12, tr.108. 
(7): Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXBCTQG, H.2010, tr.37.
(8): Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, NXBQĐND, H.2005, tr.952.
(9): Văn kiện Đảng toàn tập, NXBCTQG, H. 2004, tập 37, tr.471.

 

 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả