Kích cầu văn hóa đọc, một ngày hội chưa đủ

Ngày đăng: 26/05/2011 - 15:05

Ngày 23-4-2011, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ngày hội đọc sách với chủ đề "Đọc sách cho ngày mai" lần đầu tiên được tổ chức ở quy mô quốc gia. Dù ngày hội đọc sách đã có được những hiệu ứng tốt đến văn hóa đọc, tuy nhiên, theo bà Phan Thị Kim Dung, Giám đốc Thư viện Quốc gia, đơn vị khởi xướng ngày hội) để kích cầu văn hóa đọc, một ngày hội thôi chưa đủ…

- Thư viện Quốc gia từng tổ chức nhiều Ngày hội đọc, hiệu quả rõ rệt nhất mà bà nhận thấy sau những lần tổ chức ấy là gì?


Sau mỗi Ngày hội đọc sách bạn đọc đến với thư viện tăng lên, các bạn trẻ yêu sách hơn. Cùng với đó, ngày hội cũng mang ý nghĩa xã hội to lớn hơn đó là giúp đỡ các thư viện khó khăn. Ở những nơi đó, một cuốn sách mới đối với họ vô cùng quý, nếu như sách ở các thư viện phong phú và hấp dẫn cũng sẽ là cách để nâng cao văn hóa đọc cho người dân. Năm 2010, từ ngày hội này, Thư viện Quốc gia quyên góp được 65 ngàn bản sách để tặng các thư viện còn khó khăn trên toàn quốc.


- Hiện nay, theo bà văn hóa đọc của chúng ta đang diễn tiến như thế nào?


Tôi đã làm việc tại Thư viện Quốc gia 28 năm, trong đó hơn 20 năm làm thủ thư, từng có những năm tháng độc giả chen lấn để vào được thư viện đọc sách. Hiện nay, lượng bạn đọc tuy vẫn có nhưng không phải là cao. Có lẽ bây giờ có nhiều phương tiện đọc, đặc biệt là mạng Internet, nên các bạn trẻ cũng ít quan tâm đến sách hơn. Tôi thấy đấy là một điều nguy hiểm.

- Nghĩa là bà phê phán việc đọc qua mạng?

Tôi không phê phán vì chính thư viện chúng tôi cũng có những kho lưu trữ tra cứu qua mạng. Nhưng, thực tế khi bạn đọc qua mạng, những câu văn lướt qua nhanh lắm, bạn sẽ chẳng nhớ được nhiều. Trong khi đọc quyển sách, nhìn trang sách với những câu văn hay bạn sẽ thấy ấn tượng ngay và nhiều khi thuộc làu làu ngay câu nào đó. Đấy là cách gần nhất và nhanh nhất để tiếp cận tri thức. Sách dù ở lĩnh vực nào thì cái cốt lõi cuối cùng đều là làm cho người ta sống tốt hơn, nâng tầm hiểu biết, làm giàu tri thức…, bởi vậy cần khơi gợi thói quen đọc sách ở tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ. Thư viện Quốc gia cũng có định hướng sẽ biến thư viện thành nơi gắn bó trọn đời với mỗi người đọc, chúng tôi cũng đang có ý định xây dựng một phòng đọc như thế giới cổ tích để thu hút các em nhỏ.

- Vậy theo bà, ngoài việc tổ chức ngày hội đọc sách thì để nâng cao văn hóa đọc, kích thích mọi người yêu sách hơn phải làm những gì nữa?

Tôi nghĩ là cần sự cố gắng, nỗ lực của nhiều ban ngành, các thư viện và cá nhân. Thư viện Quốc gia đã làm mọi cách để thu hút độc giả đến với mình, cổ vũ tinh thần yêu sách như liên tục tổ chức những chương trình quảng bá sách tại các trường ĐH. Cứ vào dịp hè, thanh niên Thư viện Quốc gia tới tận các trường đại học phát tờ rơi, nói về sự tốt đẹp của đọc sách và thế giới tri thức mà sách mang lại… Cách này cũng lôi kéo khá nhiều các em học sinh, sinh viên tới với thư viện ngay sau đó. Tới đây, tôi còn ấp ủ một dự định là sẽ mời một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, nói chuyện với các bạn trẻ nghe về kỷ niệm với một cuốn sách, về những năm tháng đã vất vả như thế nào mới có một cuốn sách và đã nâng niu, trân trọng sách như thế nào. Đây sẽ là cách tốt để các em trẻ yêu sách hơn, ham đọc hơn. Nhiều cách làm, nhiều sự phối hợp mới mong tiến tới cách đích là làm cho mọi người yêu sách hơn, gắn bó với sách, coi sách là người bạn suốt đời. Ngày hội đọc chỉ là một bước khởi đầu, không phải là tất cả.
 
                                                            Theo Kinh tế & Đô thị
 
Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả