Lễ hội chữ tôn vinh tri thức

Ngày đăng: 19/01/2012 - 10:01

Là người từng nhiều năm học tiếng Nga và sống ở nước Nga, nhưng tôi không biết ai nghĩ ra chữ hệ Slave. Mới đây, tình cờ tôi phát hiện ra một điều thú vị, đó là: bảng chữ cái Slave người Nga đang dùng lại do người Bungary khai sinh. Tôi thật sự bất ngờ bởi nước Nga với kho tàng văn hóa đồ sộ nổi tiếng thế giới, lại dùng chữ xuất xứ từ đất nước hoa hồng bé nhỏ.

Ngày hội chữ ở Bungary

Một trong những nơi tôi hay đến khi ở Bulgaria là Thư viện quốc gia từ lâu đã mang tên hai công dân vĩ đại Kirin và Metodi của nước Bungary. Hai cái tên này hầu như không để lại trong tôi ấn tượng gì, cho tới một hôm, tại thư viện này, tôi có may mắn được anh bạn sinh viên Đại học Bungary, tên là Valio Ska kể cho nghe về những người sáng lập chữ quốc ngữ của họ và lịch sử Ngày hội chữ ở Bungary.

le-hoi-ton-vinh

Học sinh tiểu học Bungary và Đại sứ quán Việt Nam

Anh cho biết, năm 681 Bungary được thành lập; năm 861 hai giáo sĩ Kirin và Metodi từ Hy Lạp truyền đạo lên phía bắc, ở đây gặp dân tộc Slave. Để tiện lợi cho việc truyền giáo hai ông đã sáng tạo ra chữ Slave tức là chữ Nga, chữ Bungary ngày nay. Cũng trong thời gian này ông tiếp tục truyền đạo và vận động phổ biến chữ này ở Slovakia, Ba Lan hiện nay. Ở đây ông bị người Germani cản trở truyền bá chữ Slave, hai ông không nghe nên bị họ giết hại và cấm không cho lưu hành loại chữ này.

Trong khi đó, dân tộc Bungary là người từ phương bắc tràn xuống và nói tiếng hệ Slave. Hoàng đế  Bungary nhận thấy loại chữ mà hai giáo sĩ Kirin và Metodi sáng tạo rất có lợi cho dân tộc mình, nên ra lệnh gìn giữ và phát triển nó trên đất nước ông. Nhờ vậy, ngày nay các dân tộc có gốc là người Slave như Nga, Bungary, các nước thuộc Nam Tư trước đây và các nước trong khối Liên Xô cũ đều dùng hệ chữ này. Nước Bungary rất tự hào về sự kiện này nên đã lấy ngày 24 tháng 5 hằng năm là ngày lễ hội chữ, coi đây là ngày đại lễ về văn hoá của dân tộc, tôn hai giáo sĩ Kirin và Metodi người Hy Lạp là những vị thánh có công với đất nước họ.

Valio Ska nói với tôi rằng: “Dân tộc Bungary tự hào về hai người con được phong thánh đã trở thành ông tổ khai sinh ra chữ viết hệ Slave là Kirin và Metodi. Khi nào loài người còn sử dụng tới chữ viết hệ Slave, nhân loại không bao giờ quên công lao vĩ đại của hai ông. Bởi, chúng ta khó có thể đánh giá hết được những giá trị khổng lồ của những văn bản, công trình được viết bằng hệ chữ Slave đã đóng góp vào tri thức văn hóa của nhân loại”.

Nhớ về những người khai sinh ra chữ Bungary

Ghi nhớ công lao và tự hào về loại chữ viết nổi tiếng của mình, ngày nay, hằng năm, người dân Bungary vẫn tổ chức Ngày Quốc lễ “Văn hoá và chữ viết”, dưới chân bức tượng của Kirin và Metodi, đặt tại thủ đô Sofia vào ngày 24 tháng 5. Ngày hội này luôn thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân và  có sự góp mặt đông đủ các nhà lãnh đạo cao cấp. Trên cả nước Bungary, chính quyền cùng mọi tầng lớp nhân dân tổ chức những hoạt động tri ân hai ông tổ của hệ chữ Slave và tôn vinh những giá trị của tri thức. Có thể nói, ở Bungary ít có ngày lễ nào lại thu hút được nhiều giới chức và thanh niên học sinh cùng “nhất tâm” tham gia hưởng ứng kỷ niệm như ngày “Văn hóa và chữ viết ”.

Ngay ở thời điểm nền chính trị Bungary liên tục nóng lên vì sự đấu tranh giữa các đảng phái chính trị. Nhưng, cho dù các đảng phái đấu tranh gay gắt với nhau đến đâu, tất cả vẫn cùng hòa đồng trong ngày Quốc lễ 24 tháng 5, bởi họ đều hiểu rõ và tôn vinh sức mạnh của tri thức.

Từ sự kiện Ngày hội chữ của dân tộc Bungary, tôi thiết nghĩ Việt Nam ta cũng cần có một ngày lễ tôn vinh chữ Quốc ngữ và những tiền nhân có công khai sinh, phát triển và truyền bá nó. Bất kể người sáng lập chữ Quốc ngữ là ai, ngoại quốc hay là Việt Nam, lương hay là giáo, họ cũng cần phải được tôn vinh cùng chữ Quốc ngữ trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Lễ hội chữ Quốc ngữ nếu được khai sinh sẽ là một sự ứng xử đúng đạo lý nhất của người Việt ta là “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Và lễ hội chữ Quốc ngữ cũng sẽ là một điểm nhấn quan trọng góp phần tôn vinh văn hóa Việt Nam.

Hoàng Nam

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả