Người đồng chí chân tình

Ngày đăng: 13/10/2011 - 14:10

Mười Hương*

Trong đời hoạt động cách mạng của mình, tôi có nhiều kỷ niệm sâu đậm với anh Sáu Thọ. Tôi chỉ kể ở đây vài sự kiện có ấn tượng mạnh nhất đối với bản thân và cả những người thân trong gia đình tôi cho tới ngày nay.

LeDucThosach-4

Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng với các gia đình cán bộ

tại chiến khu Việt Bắc (đồng chí Lê Đức Thọ hàng cuối, thứ hai từ phải sang)

Trước năm 1945, tôi công tác ở An toàn khu của Trung ương. Lúc ấy Bác Hồ vẫn ở Việt Bắc, còn Thường vụ Trung ương Đảng vẫn ở xung quanh Hà Nội vì ta chủ trương sẽ khởi nghĩa đầu tiên ở Hà Nội. Bác Hồ bảo Trung ương phải ở gần đầu não địch (Hà Nội) thì mới nắm vững những biến động của địch để chỉ đạo phong trào sát và kịp thời. Theo gợi ý của Bác, An toàn khu của Trung ương Đảng được bố trí ở hai bên bờ sông Hồng thuộc vùng Đông Anh, Hoài Đức, Phúc Yên và được đặt ở nơi giáp ranh các tỉnh, vì ở đó chính quyền địch thường kiểm soát lỏng lẻo và khi có động, ta cũng dễ chuyển sang địa bàn bên cạnh. Tuy ở xa nhưng Thường vụ Trung ương vẫn liên lạc được với các địa phương Bắc, Trung, Nam thuận tiện và luôn giữ liên lạc chặt chẽ với Bác Hồ theo một đường dây riêng, đặc biệt. Thường thì Thường vụ ít đón các đồng chí ở tù ra đến thẳng An toàn khu. Nhưng năm 1944, tôi được chỉ thị đón một cán bộ đến An toàn khu. Tôi đoán là cán bộ quan trọng của Trung ương nên mới có ngoại lệ đó. Sau này tôi mới biết đó là anh Lê Đức Thọ. Tôi đón anh Thọ ở gốc cây gạo bến đò Xù (Phú Xá). Tôi cho một cháu thiếu niên ra quan sát trước. Cháu về thuật lại là có một ông da trắng lắm, mặc áo dài, khăn đóng, đeo kính râm. Nhận đúng dáng người, tôi tới trao đổi ám hiệu và đưa anh Thọ sang sông về nghỉ trong một nhà cơ sở của Đảng. Đó là gia đình bà Thìn ở Đông Anh.

Anh Trường Chinh đến gặp anh Lê Đức Thọ và một tuần sau, anh Trường Chinh họp Ban cán sự An toàn khu, cử anh Thọ phụ trách công tác của Đội. Công tác Đội của Trung ương gồm anh Trần Độ, Trần Cư và tôi. Thường vụ Trung ương giao cho công tác Đội những nhiệm vụ đặc biệt trong đó có công tác bảo đảm bí mật, an toàn cho An toàn khu. Anh Độ, anh Cư đã biết anh Thọ thời còn ở Nhà tù Sơn La. Anh Cư kể anh Thọ chính là Phan Đình Khải ở trong Xứ uỷ cùng hoạt động thời Mặt trận bình dân với anh Đặng Việt Châu ở Nam Định.

Ở An toàn khu lúc bấy giờ rất khó khăn, trời rét nhưng không có chăn, cả bốn anh em chúng tôi thường nằm úp thìa và đắp chung một chiếc chiếu. Anh Thọ người cao, nằm thẳng thì lạnh không ngủ được. Thấy vậy gia đình bà Thìn rất nghèo có độc một chiếc chăn chiên nhường cho anh Thọ, nhưng anh từ chối. Mỗi tháng Đảng cấp sinh hoạt phí cho mỗi người một đồng bạc Đông Dương, nên hằng ngày anh em chúng tôi ăn cháo, ăn khoai là chủ yếu, song rất vui và hết mực thương yêu, chăm sóc lẫn nhau.

Anh Thọ thường phải đi họp luôn, có lần họp Thường vụ tại Đình Bảng (Bắc Ninh) để bàn tình hình, chủ trương, hành động của ta trong bối cảnh Nhật - Pháp đánh nhau. Anh có hỏi tôi đóng vai nào cho hợp để đi lại công khai vì tôi thông thạo Hà Nội. Tôi bảo anh cứ cải trang thầy cúng là hợp nhất vì anh Thọ trắng trẻo. Anh Thọ mặc áo dài, khăn tay đỏ, mang theo Kinh, mõ rất giống một ông thầy cúng.

Tôi nhớ một lần anh Thọ giao cho tôi chọn địa điểm và tổ chức lớp học ngắn ngày để quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 về chuyển biến tình hình và chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Tôi chọn một địa điểm ở Hoài Đức. Tính anh Thọ rất cẩn thận, chặt chẽ, cặn kẽ và chu đáo, nên khi giao việc anh luôn dặn dò chi tiết và sau đó lại trực tiếp kiểm tra xem cấp dưới có thực hiện đúng các nguyên tắc về an toàn, bảo mật không. Sau khi tổ chức lớp học thành công, anh Thọ rất phấn khởi vỗ vai tôi nói: "Cậu làm được đấy, cậu rất cẩn thận". Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, các đồng chí lãnh đạo ở Nam Bộ xin tôi vào công tác trong đó vì tôi có kinh nghiệm hoạt động nội thành, xây dựng An toàn khu và công tác bảo vệ lãnh đạo Trung ương. Các anh Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt bàn với anh Thọ để cử tôi vào Nam Bộ. Bác Hồ cũng đồng ý. Nhưng một anh bạn thân của tôi đã từng có dịp vào công tác ở Nam Bộ lại khuyên tôi hãy cân nhắc cho kỹ, xem làm được thì hãy nhận không thì sẽ mang tiếng cán bộ từ Trung ương vào. Lý do cơ bản mà anh bạn tôi nêu ra là ở Nam Bộ anh em làm việc theo phong cách khác với ngoài này, địa bàn hoạt động lại cũng khác, đối tượng cũng khác trước rất nhiều, nhìn chung công tác rất phức tạp và khó khăn, khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Trong lúc tôi đang băn khoăn thì anh Thọ trao đổi với tôi thật chân tình: "tao sống với mày, tao biết mày rất cần cù, không đòi hỏi gì cả, khi phải đắn đo thì mày luôn nhận phần thiệt về mình. Có thể ban đầu có người chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu và giúp đỡ thôi. Mày cứ đi đi". Rồi anh động viên tôi: "Mày ít nói, kiên trì làm việc, trong đó lại đang cần người có kinh nghiệm công tác đô thị, công tác bảo vệ cơ quan lãnh đạo, xây dựng An toàn khu, tao tin anh em sẽ hiểu và ủng hộ mày".

Trung ương nói tôi đi 6 tháng rồi sẽ trở ra Hà Nội, nhưng khi vào trong đó anh Ba Duẩn và các anh ở Trung ương Cục tín nhiệm giữ tôi ở lại luôn và tôi cũng không đi tập kết vào thời điểm tháng 9-1954. Tôi hoạt động trong Nam đến giữa năm 1958 thì bị địch bắt. Bọn công tác đặc biệt của Ngô Đình Cẩn bắt được một người khai tôi là cán bộ tình báo. Chúng bắt tôi ở Sài Gòn, nhưng đưa ngay ra Huế giam để khai thác và cũng là để cách ly khỏi cơ sở cũ. Anh Thọ luôn luôn quan tâm theo dõi công tác của tôi. Anh là người biết đầy đủ tin tức về tôi. Sau này tôi được biết chính anh Thọ đã trực tiếp ba lần đến nhà báo tin cho thím tôi và vợ tôi biết: lần đầu báo tin tôi bị địch bắt đưa đi mất tích, lần thứ hai báo có khả năng đã bị đầu độc ở trại Phú Lợi và lần thứ ba đến báo tin vui: "Mười Hương còn sống, anh em sẽ tìm mọi cách "chạy" để giải thoát nhân cơ hội Diệm - Nhu bị lật đổ và sẽ chỉ thị bố trí để Mười Hương ra ngoài này". Đến nay đã mấy chục năm trôi qua mà thím tôi và vợ con tôi vẫn còn bồi hồi nhớ những lần anh Thọ đến thăm gia đình tôi, động viên mọi người tin tưởng. Thím tôi nhắc lại câu chuyện anh Thọ đến lần thứ hai: vì đã nhiều năm không có tin tức gì về tôi, tưởng tôi đã bị địch đầu độc giết hại, nên khéo gợi ý thím tôi khuyên vợ tôi có định hướng cho tương lai vì vợ tôi còn trẻ, tương lai còn dài".

Sau khi tôi được giải thoát, tôi được lệnh ra Bắc ngay theo đường Phnôm Pênh. Tôi phải nằm chờ năm tháng để làm giấy tờ hợp lệ coi như Việt kiều về thăm quê hương để phòng trường hợp trở về Nam sẽ có giấy tờ hợp pháp. Trong thời gian 5 tháng ở Phnôm Pênh, tôi lại bị mất liên lạc với miền Bắc, các anh lại tưởng tôi bị bắt lại. Khi tôi đi máy bay đến Quảng Châu, anh Mẫn là Tổng lãnh sự không biết tôi là ai, lại không có điện báo của trong nước, nên lại sợ tôi là biệt kích. Thật may, tôi lại gặp được anh Lê Văn Lương lúc này đang thăm Quảng Châu. Anh Lương giới thiệu tôi với anh Mẫn, nên anh hết lo ngại. Tôi về Hà Nội cùng chuyến bay của anh Lê Văn Lương và anh Ung Văn Khiêm.

Vì tôi hoạt động bí mật ở miền Nam, nên chỉ có anh Thọ theo dõi và nắm vững hoạt động của tôi. Biết tôi đã về tới Hà Nội, anh xin phép được vắng cuộc họp của Bộ Chính trị hôm đó để tới K.5 thăm tôi ngay. Cuộc hội ngộ hết sức xúc động. Anh Thọ nói với tôi: "Tao lại mắc sai lầm với mày là vừa giải quyết cho Trang (tên vợ tôi) đi học y ở Tiệp Khắc. Đáng ra đã chỉ thị cho mày ra, thì phải để vợ mày ở lại; nhưng cũng vì 5 tháng nay không có tin tức gì của mày, tưởng mày lại bị bắt lại. Hơn nữa vợ mày còn trẻ, cơ sở đề nghị cho đi đào tạo ở nước ngoài". Anh Thọ còn đưa cho tôi cuốn sách Hoa sữa viết về vợ tôi ở Bệnh viện Nhi đồng để tôi biết về công tác của vợ tôi ở miền Bắc và nói: "Mày xem cuốn sách này sẽ thấy nó làm việc tốt lắm và viết về mày rất đúng tính cách của mày". Anh bảo tôi về nhà anh ở để đón con tôi đến gặp. Anh còn nói: "Bác Hồ vẫn hỏi thăm Mười Hương" và sau đó đã bố trí cho tôi gặp Bác Hồ. Được gặp Bác Hồ là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao đối với tôi sau những năm tháng hoạt động bí mật xa Trung ương.

Anh Thọ là người rất tâm lý và chu đáo. Anh nói với tôi: "Mày xứng đáng được nghỉ ngơi để lấy lại sức, sẽ thu xếp cho mày đi Đức hoặc đi Liên Xô nghỉ theo lời mời hằng năm của bạn dành cho cán bộ của ta đi nghỉ và tham quan. Đi Đức nghỉ thì tốt vì Bùi Lâm, bạn thân của mày, đang là đại sứ. Vừa dịp có lời mời của Liên Xô, đoàn anh Nguyễn Đức Thuận sẽ đi Liên Xô. Anh Thọ bố trí cho tôi đi cùng đoàn với anh Thuận và anh cũng điện cho Sứ quán ta ở Tiệp Khắc giúp cho vợ tôi sang Liên Xô. Sau nhiều năm tháng xa cách, hai vợ chồng tôi mới lại được gặp nhau. Tôi luôn nhớ sự chăm sóc tận tình của anh Thọ đối với chúng tôi.

Sau năm 1975, tôi được phân công phụ trách công tác nội chính của Đảng và tôi lại có nhiều dịp được làm việc trực tiếp với anh Thọ. Một trong những trọng tâm của công tác nội chính thời kỳ này là giải quyết vấn đề di tản, đoàn tụ gia đình và vấn đề con lai. Kẻ địch lợi dụng chuyện này để xuyên tạc, làm rùm beng và gây rối tình hình ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi xin gặp anh Thọ để trình bày phương hướng giải quyết và xin ý kiến chỉ đạo, anh Thọ nhất trí và xin ý kiến Bộ Chính trị giao cho bên Ngoại giao và Công an thực hiện chủ trương cho đoàn tụ gia đình với số người đã đi di tản từ trước và sau ngày 30-4-1975. Do phía Mỹ và một số nước khác làm thủ tục nhiêu khê và kéo dài chậm chạp nên việc giải quyết bị ách tắc. Những gia đình thuộc diện đoàn tụ không biết lý do này đã kêu ca, oán trách phía Việt Nam. Tôi lại đề xuất ý kiến với anh Thọ và được anh nhất trí với phương án: công khai công bố chủ trương và cả danh sách người đủ tiêu chuẩn đoàn tụ gia đình để họ yên tâm tin tưởng Chính phủ Việt Nam thực tâm và nghiêm chỉnh thi hành hiệp định đã ký, không gây cản trở gì; còn thời gian giải quyết nhanh hay chậm là tuỳ thuộc hoàn toàn vào phía Mỹ và các đối tác khác. Kết quả là tình hình nhanh chóng ổn định.

Việc giải quyết vấn đề con lai cũng vậy. Anh Thọ nghe báo cáo cụ thể và đồng ý với chủ trương cho đoàn tụ gia đình. Anh còn gợi ý nên tổ chức họp báo với phóng viên báo chí nước ngoài để nói rõ chủ trương của ta, tranh thủ dư luận, đồng thời gạt bỏ được những ý đồ của đối phương muốn lợi dụng những vấn đề nhân đạo để gây rối tình hình. Anh Thọ khen tôi có cách nhìn, cách làm đúng đắn, minh bạch, hợp tình, hợp lý. Tôi nghĩ sự chỉ đạo của Bộ Chính trị trong đó có anh Thọ là sáng suốt và kịp thời giúp cho các ngành chức năng giải quyết được nhanh gọn những vấn đề tuy không lớn, nhưng rất nhạy cảm đó.

Năm 1976, Bộ Chính trị dự kiến sẽ đưa tôi vào danh sách bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên yêu cầu phải có hồ sơ về thời kỳ tôi ở tù. Anh Cao Đăng Chiếm đi tìm mãi không ra hồ sơ, vì tôi không hề khai báo nên không có tài liệu gì. Anh Cao Đăng Chiếm hỏi anh Năm Xuân (anh Mai Chí Thọ). Anh Năm Xuân trao đổi với anh Nguyễn Văn Linh, anh Linh nói: "Cứ hỏi thẳng Mười Hương, việc gì phải ngần ngại sợ Mười Hương tự ái". Anh Linh và anh Chiếm đã trực tiếp hỏi tôi về chuyện hồ sơ, tôi nói là thật ra khi tôi bị bắt, tôi mang theo giấy tờ giả tên là Trần Ngọc Trí (Trí là tên anh tôi). Anh Chiếm tìm ra hồ sơ ngay, tôi không hề khai báo điều gì, tuyệt đối trung thành với Đảng.

Trung ương gọi tôi ra Hà Nội, anh Thọ gặp tôi vui mừng lắm, vì đã tìm được hồ sơ xác minh tôi kiên trung, bất khuất, nên mới có thể giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương được. Anh nói: "Tìm được hồ sơ của mày, tao mừng "húm"!". Tôi hỏi anh Thọ: "Nếu không tìm được hồ sơ, các anh có tin dùng tôi không?". Anh Thọ cười và nói: "Vẫn tin dùng, song chưa thể giới thiệu để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương được. Nhưng phải tìm cho được hồ sơ nếu không ra Đại hội hỏi, Trung ương làm sao giải thích được, mày phải đứng vào vị trí tao mới hiểu được". Tôi nghĩ anh xử sự như vậy vừa thấu tình, vừa bảo đảm nguyên tắc tổ chức của Đảng.

Nhớ lại những ngày anh đang lâm bệnh nặng và sắp ra đi, bà Thìn, cơ sở nuôi anh Thọ và chúng tôi, đến thăm anh. Trước hết bà muốn thăm sức khỏe của anh và sau nữa tuy không thể nào tin được, song bà vẫn băn khoăn muốn hỏi thẳng anh về một dư luận: "Ông Thọ giàu lắm, bây giờ có cả tài khoản gửi ngân hàng nước ngoài!". Khi nắm bàn tay người mà lâu nay bà hằng tôn kính, đang trước giờ chuẩn bị đi xa, bà cầm lòng, đắn đo không hỏi gì. Tuy rất mệt, nhưng anh Thọ vẫn nhạy cảm, nhìn bà, anh biết bà có điều gì đó băn khoăn chưa muốn nói. Anh hỏi:

- Tôi ốm lắm, chị có điều gì thắc mắc thì cứ nói ra, tôi sẽ nhờ anh em giúp chị.

Bà Thìn vội trả lời:

- Tôi không có điều gì thắc mắc đâu.

Anh Thọ một lần nữa ân cần hỏi bà:

- Nhìn chị, tôi biết chị đang có điều gì muốn nói, chị cứ nói đi.

Đến lúc này bà Thìn vừa khóc, vừa kể lại dư luận mà bà nghe được. Anh Thọ nghe xong, cười ra tiếng và nói:

- Ôi tưởng gì, có thế thôi à! Thế thì tôi hỏi lại chị: chị có tin không?

Bà Thìn trả lời:

- Tôi không tin, không bao giờ tin. Tôi mà tin thì tôi đã không đến đây thăm anh.

Anh Thọ nói:

- Thế thì tốt, nếu chị tin tôi thì tôi không phải giải thích với chị nữa.

Một thời gian ngắn sau đó, anh Thọ ra đi.

Sau ngày anh mất, lại có thêm những chuyện đồn thổi này khác về anh. Lúc đầu do chưa nắm được đầy đủ thông tin, tôi cũng có băn khoăn đôi chút. Nhưng sau khi đã tìm hiểu rõ sự việc và hồi tưởng lại toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của anh mới thấy hết "tấm gương về lòng trung thành, tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần cách mạng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, đức tính cần kiệm liêm chính và tình thương đối với cán bộ"[1] của anh Lê Đức Thọ. Những chuyện đồn thổi về anh thực ra chỉ là những câu chuyện dựng đứng, vu oan, xuất phát từ những động cơ cá nhân không trong sáng. Nhớ lại những lúc tôi gặp trắc trở, anh vẫn thường nói với tôi:

- Mày yên tâm! Cây ngay không sợ chết đứng.

Anh Sáu ơi, tôi cũng muốn nói với anh: Anh hoàn toàn thanh thản mà yên nghỉ, cây ngay không sợ chết đứng mà anh.

Đã tròn 10 năm[2] ngày anh Thọ đi xa. Hồi tưởng lại những năm tháng được sống với anh, được làm việc liền lưng hay không liền lưng với anh, tôi vẫn luôn thấy hình ảnh của anh SÁU THỌ động viên chỉ bảo, chăm sóc tận tình lớp cán bộ chúng tôi. Trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đúng như trong Tiểu sử đã viết, anh Lê Đức Thọ "đã đem hết tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của nhân dân ta... Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Lê Đức Thọ - anh Sáu Thọ kính mến, gắn liền với những thành quả cách mạng vĩ đại của Đảng và nhân dân ta"[3].



* Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

[1]. Báo Nhân Dân, ngày 18-10-1990.

[2]. Năm 2000 (B.T).

[3]. Báo Nhân Dân, ngày 15-10-1990.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả