Nhớ anh Sáu Thọ

Ngày đăng: 12/10/2011 - 15:10

Hồng Hà*

Thị xã Nam Định có Trường Thành Chung được thành lập từ năm 1920. Vào năm học 1937 - 1938, trường sở mới được xây cất ở đầu đường Cổng Hậu rất khang trang và bắt đầu nhận học sinh nữ. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, phong trào cách mạng trong công nhân, học sinh, trí thức của Nam Định lan rộng. Tôi đang học năm thứ nhất Trường Thành Chung, trong lúc anh ruột tôi là Hà Văn Lộc[1] học năm thứ tư. Bỗng một buổi chiều, mật thám Pháp ập vào trường bắt đi một số anh năm thứ tư: Phan Đình Đống[2], Phạm Văn Cương[3], Nguyễn Bá Huấn[4], Vũ Quốc Uy và Hà Văn Lộc. Tôi chạy về nhà báo tin đã thấy gần chục tên mật thám Pháp, Việt đang lục soát gia đình tôi, dỡ lung tung các hòm tủ, ngăn kéo, các chồng sách vở để tìm tài liệu, truyền đơn cách mạng.

LeDucThosach-2

Bác Hồ cùng các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp

tại chiến khu Việt  Bắc năm 1947

Tên ác ôn Pháp Phơlơtô đưa các học sinh bị bắt về giam ở Ty an ninh Nam Định mà dân quen gọi là Ty mật thám, đóng ở một phố vắng nhất và ghê rợn nhất của Nam Định. Hằng ngày tôi xách cặp lồng cơm đến Ty an ninh để nhờ chuyển vào phòng giam anh tôi. Một buổi sáng, trong lúc chờ lấy lại chiếc cặp lồng, tôi thấy bọn mật thám xốc nách một người tù trạc ba mươi tuổi, mặc áo cánh ngắn màu trắng dẫn đi về phía cổng. Chiếc áo người tù chỉ còn một cúc cài, để lộ một phần ngực có nhiều vết tím đỏ. Dáng cao cao, cái đầu ngẩng lên hiên ngang, cặp mắt như có lửa nhìn thẳng vào bọn mật thám, người tù ấy bước lên chiếc xe hòm chờ sẵn ngoài cổng để đến một nhà tù khác.

Tôi hỏi người "loong toong" đi qua:

- Ông ấy là ai vậy?

Người đó trả lời:

- Đấy là một cộng sản gan lì lắm. Bị đánh bao nhiêu trận, vẹo cả ngực, mà vẫn không chịu khai. Tên ông ta là Phan Đình Khải.

Chiến sĩ cộng sản Phan Đình Khải ở Nam Định ngày ấy đọng mãi trong tôi hàng chục năm sau này như là hình ảnh một nhà cách mạng kiên cường chống đế quốc.

Gần 30 năm sau, tôi vinh dự được đi theo anh Phan Đình Khải, tức anh Lê Đức Thọ, đáp máy bay rời Hà Nội đi Pari tham gia công tác trong Đoàn đại biểu Chính phủ ta đàm phán với đoàn đại biểu Chính phủ Mỹ. Anh Sáu Thọ, chúng tôi quen gọi anh Lê Đức Thọ như thế, được Bác Hồ và Bộ Chính trị cử làm Cố vấn đặc biệt của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cuộc Hội đàm Pari do Bộ trưởng Xuân Thủy, làm trưởng đoàn. Nhưng trong nội bộ, anh Sáu Thọ là người lãnh đạo chính của đoàn, phụ trách tổ chức các cuộc tiếp xúc bí mật với đoàn Mỹ, song song với các cuộc họp Việt - Mỹ diễn ra công khai ở Trung tâm hội nghị quốc tế phố Clêbe, Pari.

Anh Sáu Thọ và những người cùng đi lên đường với khí thế phấn chấn sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Khác với Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương năm 1954, Hội nghị Pari về Việt Nam năm 1968 là cuộc đàm phán trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ, không có nước thứ ba can dự. Ta hoàn toàn độc lập tự chủ về đường lối, chiến lược và đối sách đàm phán. Ta tự quyết định công việc của ta, đồng thời tích cực tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa khác và bầu bạn năm châu. Trong hoàn cảnh nội bộ phe xã hội chủ nghĩa nảy sinh nhiều mâu thuẫn lớn, cuộc đàm phán của ta với Mỹ khi bắt đầu chưa có ngay sự hiểu biết thấu đáo ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa.

Anh Sáu Thọ ghé lại Bắc Kinh, Mátxcơva rồi tới sân bay Brêtinhi, Pari, chiều ngày 3-6-1968, xuất hiện trước rất đông nhà báo quốc tế. Phía Mỹ đánh giá cao việc Uỷ viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ đến Pari, báo hiệu cuộc đàm phán Việt - Mỹ sẽ tiến triển có thực chất. Anh Sáu Thọ thường xuyên đi đi về về giữa Pari và Hà Nội để xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Tháng 2-1970, anh từ Hà Nội đến Pari để dự Đại hội Đảng Cộng sản Pháp. Anh ăn nghỉ tại nhà khách của Tòa thị chính Ivry, ngoại ô Pari, do một đảng viên cộng sản Pháp làm thị trưởng. Anh gọi tôi, lúc đó đang làm việc ở đoàn đàm phán ta, đến giúp về thông tin hoạt động của anh ở Đại hội Đảng Cộng sản Pháp.

Chúng tôi ở tầng hai của nhà khách Ivry. Điều bất tiện là cầu thang và sàn gác đều lát gỗ, khi đi lại gây ra những tiếng cót két. Anh Sáu Thọ thường hay mất ngủ nếu có tiếng động. Chúng tôi bảo nhau không đi lại trên gác trước buồng ngủ của anh vào lúc tối đêm. Sau các buổi họp ở Đại hội Đảng Cộng sản Pháp, anh Sáu Thọ trở về nhà khách làm việc, chuẩn bị cho cuộc gặp ở Pari với tiến sĩ H. Kítxinhgiơ, Cố vấn đặc biệt về an ninh quốc gia của Nhà Trắng Mỹ, theo đề nghị của Kítxinhgiơ. Cuộc gặp lần đầu tiên giữa Lê Đức Thọ và Kítxinhgiơ diễn ra bí mật tại nhà số 11 phố Đáctê, thị xã Choisy Le Roi, một phố nhỏ, yên tĩnh ở gần trụ sở đoàn đàm phán ta.

Hai con người ấy, với những lý tưởng, mục tiêu rất khác nhau, đã gặp nhau, tranh cãi với nhau rất quyết liệt suốt ba năm trời để tìm một giải pháp cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

H. Kítxinhgiơ viết trong hồi ký: "Tóc hoa râm, đường bệ, Lê Đức Thọ bao giờ cũng mặc bộ đại cán màu xám hoặc marông, đôi mắt to và sáng, ít khi để lộ sự cuồng tín đã thúc đẩy ông hồi mười sáu tuổi đi theo phong trào du kích cộng sản chống Pháp. Ông lúc nào cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được, trừ một hai lần. Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tụy và khéo léo".

Tại trụ sở đoàn đàm phán ta ở số 8 đường Nguyên soái Lơcléc, thị xã Choisy Le Roi, mỗi khi thấy anh Sáu Thọ đi đi lại lại trên sân đất nện, chúng tôi hiểu anh đang suy nghĩ về bước đấu tranh sắp tới với Mỹ. Một lần thấy tôi đi qua sân, anh gọi lại nói chuyện. Lững thững đi dọc ngôi nhà hai tầng nơi anh ở, nguyên là nhà của cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Môrítxơ Tôrê, anh Sáu Thọ hỏi công việc chính của tôi ở Pari là gì? Tôi báo cáo rằng chủ yếu tôi viết bài cho báo Nhân Dân và đã gửi fax về Hà Nội một số bài. Tôi đưa anh xem thẻ ngoại giao số 4114 và thẻ nhà báo của tôi đều do Bộ Ngoại giao Pháp cấp. Tôi hứng thú kể thêm với anh: có thẻ ngoại giao được hưởng nhiều ưu đãi như được ra vào tự do Trung tâm hội nghị quốc tế, được miễn phí khi ra các sân bay ở Pari để tiễn hoặc đón ai và khi đi thăm các bảo tàng, triển lãm, hội chợ, cung văn hóa,...; nếu phải trả tiền thì giá khá đắt.

Anh Sáu Thọ nghe xong bảo tôi:

- Nhiệm vụ chính của cậu ở Pari là tiếp xúc các nhà báo quốc tế, thu thập tin tức, tình hình; còn viết bài cho báo Nhân Dân là thứ yếu.

Tôi hiểu ra và coi đấy là chỉ thị của Đoàn đàm phán. Ngay hôm sau, anh Sáu Thọ dặn đồng chí tài vụ của đoàn thường xuyên cấp cho tôi một khoản tiền phrăng Pháp để dùng vào việc giao tiếp với các nhà báo nước ngoài, kể cả nhà báo Mỹ, đang theo dõi Hội nghị Pari về Việt Nam.

Chiến tranh Việt Nam là đề tài lớn hằng ngày của các đài, báo nhiều nước trên thế giới. Các nhà báo viết về Việt Nam hoạt động ở Pari rất sôi nổi, đa dạng và phong phú. Nhiều nhà báo đi đi lại lại thường xuyên giữa Pari và Sài Gòn, giữa Pari và Oasinhtơn. Hằng ngày gặp nhau ở các quán cà phê và hiệu ăn Pari, các nhà báo kể cho nhau nghe biết bao nhiêu tin tức sốt dẻo và những câu chuyện lý thú ở cả hai phía Việt Nam và Mỹ. Mỗi lần chúng tôi mời các nhà báo nước ngoài đi ăn hiệu, đợi khách về, chúng tôi nán lại để lấy tờ hóa đơn của hiệu ăn đem về nộp cho anh Châu, tài vụ của đoàn, để làm các thủ tục thanh toán.

Có nhà báo nước ngoài từ Sài Gòn trở lại Pari đã gửi cho chúng tôi những tấm ảnh quý giá về các căn cứ Mỹ. Các nhà báo Mỹ từ Oasinhtơn, Niu Oóc trở lại Pháp giúp chúng tôi hiểu rõ hơn tính chất, quy mô và ảnh hưởng của các cuộc biểu tình lớn ở Mỹ chống chiến tranh Việt Nam và của việc Níchxơn đưa ra chủ trương "rút quân nhỏ giọt" khỏi miền Nam Việt Nam.

Tôi đến dự các cuộc họp báo của sứ quán Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn ở Pari, ra sân bay Óocly (Orly) quan sát, lấy tin khi Níchxơn, Nguyễn Cao Kỳ tới Pari và nghe trực tiếp những phát biểu của họ.

Anh Sáu Thọ đã sớm thấy sự lợi hại của làng báo Pari và đã chỉ cho tôi cách làm báo không theo khuôn mẫu cũ ở một hội nghị quốc tế như Hội nghị Pari về Việt Nam.

*

*       *

Ta và Mỹ ngồi vào bàn đàm phán với những chiến lược và mục tiêu hoàn toàn khác nhau. Đối với ta, vấn đề cơ bản nhất là Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam, còn quân ta ở đâu cứ ở đấy. Đối với Mỹ, vấn đề cơ bản nhất là rút hết quân Mỹ mà vẫn giữ được ngụy quyền, ngụy quân ngày càng mạnh lên ở miền Nam Việt Nam hòng chia cắt lâu dài nước ta. Do đó cuộc đàm phán Việt - Mỹ hết sức gay go, căng thẳng và phức tạp. Mỗi bên chỉ giành được trên bàn đàm phán những gì mà mình đã giành được trên chiến trường. Để ép ta đi vào giải pháp có lợi cho Mỹ, phía Mỹ tìm mọi cách tranh thủ bè bạn ta hòng giảm sự giúp đỡ cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Năm 1971, anh Lê Đức Thọ đã thẳng thắn cảnh cáo Henri Kítxinhgiơ như sau:

- Trong mấy năm nay, các ông đã chạy vạy chỗ này, chỗ khác để tìm ra lối thoát, nhưng không biết các ông có rút được kinh nghiệm hay không? Thực ra các ông uổng công vô ích, làm phức tạp thêm vấn đề cho các ông. Không có cách thần kỳ nào để giải quyết vấn đề Việt Nam ngoài cách đàm phán nghiêm chỉnh với chúng tôi ở Hội nghị Pari trên cơ sở những đề nghị của chúng tôi và những đề nghị của các ông. Trong một ván cờ, quyết định thắng bại phải là người trong cuộc, không có cách nào khác. Chúng tôi độc lập giải quyết vấn đề của chúng tôi.

Đầu năm 1972, tôi trở về Hà Nội. Một buổi sáng, anh Sáu Thọ gọi dây nói mời tôi đến ngay nhà anh ở phố Nguyễn Cảnh Chân. Tôi tới nơi, anh liền nói đến việc hôm trước, Tổng thống Níchxơn đã đến thủ đô một nước bạn. Vẻ tức giận, anh phân tích tính xảo quyệt và sự thâm độc của Níchxơn. Bỗng anh hỏi tôi:

- Ở Hà Nội hiện có cuộc triển lãm nào về lịch sử hay văn hóa dân tộc không?

Tôi trả lời đang có triển lãm điêu khắc dân gian Việt Nam tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Anh Sáu Thọ bảo tôi trong vòng một giờ thu xếp để anh đến thăm triển lãm nói trên. Tôi vội liên lạc ngay bằng dây nói với họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, và anh Nguyễn Văn Y, Giám đốc Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Cả hai anh đến ngay Viện Bảo tàng để đón và hướng dẫn anh Lê Đức Thọ đi thăm.

Chăm chú xem các phòng trưng bày điêu khắc gỗ các thế kỷ XVI, XVII, XVIII, các phiến đoạn chạm khắc cổ phản ánh tinh thần bất khuất, lạc quan yêu đời của nhân dân ta, anh Sáu Thọ căn dặn Viện Bảo tàng giữ gìn tốt các di sản văn hóa dân tộc. Rồi anh nói dõng dạc trước các cán bộ mỹ thuật và nhân viên bảo tàng:

- Những tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian trưng bày ở đây thể hiện phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta mà ngày nay chúng ta đang kế thừa và phát huy đến mức độ cao: trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phải chiến đấu quyết liệt với một tên đế quốc xâm lược hung bạo nhất là đế quốc Mỹ, nhân dân ta luôn giữ vững một phong thái bình tĩnh, lạc quan, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng.

Anh Sáu Thọ dặn tôi chép nguyên văn đoạn phát biểu nói trên gửi ngay cho Thông tấn xã Việt Nam để đăng trên các báo. Đấy là cách Lê Đức Thọ trả lời cho Níchxơn biết thái độ của Việt Nam.



* Nguyên:  - Bí thư Trung ương Đảng,

- Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

[1]. Tức Thép Mới.

[2]. Tức Mai Chí Thọ.

[3]. Tức Nguyễn Cơ Thạch.

[4]. Tức Hoàng Nguyên.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả