Nhiều tư liệu, hiện vật khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Ngày đăng: 07/08/2012 - 09:08

 

TS. Mai Ngọc Hồng trao tấm bản đồ Trung Quốc cổ cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Sự kiện Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận nhiều hiện vật quí về chủ quyền biển đảo Việt Nam, trong đó có tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”  (triều đình nhà Thanh- Trung Quốc ấn hành năm 1904) do Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện - Viện Hán Nôm, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Phả học Việt Nam trao tặng đã thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Nhiều đơn vị, cá nhân cũng đã cung cấp các tư liệu, hiện vật quí giá ở trong nước và quốc tế khẳng định chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Bản đồ cổ 100 năm tuổi của Trung Quốc: cực Nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam

Tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng hiến tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia sau hơn 30 năm lưu giữ là tấm bản đồ gốc, cung cấp một số thông tin quan trọng, là minh chứng xác đáng bác bỏ những tuyên bố sai trái của Trung Quốc đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Tấm bản đồ này được NXB Thượng Hải in năm 1904 bằng chất liệu giấy, in màu, có bìa cứng ở ngoài, có thể gấp gọn lại như một cuốn sách.

TS. Mai Ngọc Hồng Hồng giới thiệu bản đồ Trung Quốc cổ 1904
cho khách tham quan

 

Sau khi dịch và nghiên cứu kỹ những thông tin trên tấm bản đồ này, TS Mai Ngọc Hồng nhấn mạnh, Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ là một công trình kéo dài gần 196 năm (từ năm 1708 đến năm 1904), tập trung lực lượng Phương Tây và Trung Hoa. Đây là một công trình khoa học, đồ sộ, chính thức vì do nhà vua trực tiếp chỉ đạo. Trong bản đồ này, họ vẽ Việt Nam là Đông Kinh, Vịnh Bắc Bộ là Vịnh Đông Kinh. Tấm bản đồ vẽ cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. "Tôi cho rằng đây là bản đồ hiện đại nhất từ cổ chí kim của Trung Quốc. Kỹ thuật vẽ bản đồ đã xác định toạ độ theo kỹ thuật của phương Tây nên càng có dữ liệu chắc chắn"- TS Mai Ngọc Hồng nói.

Đây là tấm bản đồ có giá trị và ý nghĩa lịch sử lớn, góp phần quan trọng để du khách, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước, quốc tế, có thêm tư liệu, bằng chứng khách quan, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Theo sự phân tích của Nhà sử học Dương Trung Quốc- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tấm bản đồ có tuổi đời hơn 100 năm này đã bổ sung thêm một bằng chứng xác thực góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.


Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”  (triều đình
nhà Thanh - Trung Quốc ấn hành năm 1904)


Giá trị nhất trong nội dung bản đồ là xác định cực phương Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Điều này liên quan đến câu chuyện mà chúng ta đang đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của biển Đông để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Thì một trong những chứng lý thể hiện chủ quyền, đó là chứng lý về lịch sử. Chúng ta biết rằng trong thư tịch của chúng ta nói đến việc chúa Nguyễn cử các đoàn Bắc Hải, hoặc đoàn Hoàng Sa đến các hòn đảo ấy từ rất xa xưa. Năm 1834, dưới triều Minh Mạng chúng ta có bản đồ vẽ ở đó có biểu thị của dải Vạn lý Trường Sa ở ngoài biển Đông. Như thế có thể thấy là trong khi thư tịch và bản đồ của Việt Nam đã thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ và trong những hoạt động mang tính chất quản lý chủ quyền thì trên bản đồ Trung Quốc chưa hề đề cập tới. Đây chính là một yếu tố rất quan trọng khi xác lập chủ quyền về mặt lịch sử - Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

TS Vũ Quốc Hiền- Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia đánh giá cao những đóng góp của TS Mai Ngọc Hồng và cho rằng việc làm này thể hiện lòng yêu nước và cái tâm của nhà khoa học. Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ có kế hoạch gìn giữ và bảo vệ tốt tấm bản đồ này và sẽ phát huy bằng nhiều cách như: trưng bày, giới thiệu qua các phương tiện truyền thông. Nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng, từ tháng 8 đến tháng 11 năm nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu tấm bản đồ cổ của Trung Quốc “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” tại phòng trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa biển Việt Nam”. Thông qua đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Còn nhiều những chứng cứ xác thực

Hiện có nhiều tư liệu, hiện vật được các nhà nghiên cứu lịch sử, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và nước ngoài cung cấp cũng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Nhà nghiên cứu cổ sử Trung Quốc Phạm Hoàng Quân, người đã từng tiếp cận với các bản đồ khác của Trung Quốc như: "Hoàng triều dư địa toàn đồ" (1728-1729), "Hoàng triều nhất thống dư địa toàn đồ" (in năm 1894), “Đại Thanh Bưu chính công thự bị dụng dư đồ” (in 1903), “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” (được in năm 1905)... nhận định rằng, những nội dung trong các tấm bản đồ đó đều phù hợp với toàn bộ hệ thống ghi chép trong chính sử Trung Quốc và lời tuyên bố của hoàng đế Trung Hoa.

Thêm vào đó, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đang có trong tay những bộ chính sử gốc của Trung Quốc, trong đó có thể chứng thực Trung Quốc đang lộng ngôn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, hiện nay đã giải mã xong các bộ chính sử này. Các nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân và Hồ Bạch Thảo cũng đã chỉ rõ trong chính sử, phương chí và địa đồ Trung Hoa từ đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh ai ai cũng rõ Hải Nam là biên giới cực nam của Trung Quốc. Và điều này phù hợp với những điều ghi trong quyển Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư được biên soạn năm 1905, xuất bản năm 1906. Tại trang 241 ghi rõ “Phía nam Trung Quốc từ vĩ độ Bắc 18độ13’, tận cùng là bờ biển Nhai Châu, đảo Hải Nam, phía bắc đến vĩ độ 53độ50’, tận cùng là chỗ gặp nhau giữa sông Hắc Long Giang và sông U-xu-ri; phía tây đến kinh tuyến 42độ11’ tận cùng là núi Tùng Lĩnh. Nam Bắc gồm hơn 36 vĩ độ, rộng hơn 7.100 dặm. Đông Tây gồm hơn 61 độ, dài hơn 8.800 dặm. Diện tích 32.605.156 dặm vuông, chiếm 1/4 châu Á, 1/10 lục địa thế giới, lớn hơn cả châu Âu”. Như vậy, ngay cả sách giáo khoa địa lý của Trung Quốc cũng không hề đề cập đến quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu- người có bộ sưu tập bản đồ cổ khá đầy đủ và chi tiết về chủ quyền VN ở biển Đông cũng nhấn mạnh: những bản đồ Trung Quốc do người bản xứ và giáo sĩ nước ngoài vẽ và ghi chú mà ông có như "Đại Nam thống nhất toàn đồ" (Quốc sử quán triều Nguyễn) hay “Bản đồ bán đảo Đông Dương” của Công ty Đông Ấn (Hà Lan) đều thể hiện rất rõ Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Nhà sử học, Tiến sĩ Nguyễn Nhã (ở TPHCM)- người dành gần trọn cuộc đời của mình để nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật, những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa; tác giả của Luận án Tiến sĩ về đề tài "Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Trong luận án của ông có tới hơn 100 trang phụ lục, trong đó có những văn bản, tài liệu, bản đồ của Việt Nam, Trung Quốc và các nước Phương Tây nói về việc thực thi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. TS Nguyễn Nhã thông tin thêm: Việt Nam có nhiều bản đồ do người phương Tây vẽ xác định rất rõ Hoàng Sa thuộc xứ Đàng Trong của Vương quốc An Nam (tức Việt Nam). Đặc biệt, tấm bản đồ mang tên An Nam đại quốc họa đồ, viết bằng 3 thứ ngôn ngữ: Hán, Quốc ngữ và Latinh, do Giám mục Jean Louis Taberd vẽ năm 1838, vẽ Hoàng Sa, Trường Sa ở tọa độ địa lý hiện nay và khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong vùng biển của Việt Nam.

An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Taberd vẽ năm 1838.
An Nam đại quốc họa đồ (viết bằng 3 thứ ngôn ngữ: Hán, Quốc ngữ và Latin) do Giám mục Jean Louis Taberd vẽ năm 1838, có ghi hàng chữ Paracel seu Cát Vàng (nghĩa là Paracel hoặc là Cát Vàng) khẳng định chủ quyền Việt Nam.


Cũng chính Giám mục Taberd trong bài viết in trên tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal vào năm 1837 cũng khẳng định: Paracels, hay Pracel, tức là Hoàng Sa - Cồn Vàng, thuộc về Cochinchina (Giao Chỉ gần Chi na, chỉ tên nước ta), TS. Nhã phân tích.

Tiến sĩ lịch sử Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng- chủ nhiệm đề tài nghiên cứu Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng cho biết: với 56 tấm bản đồ đã sưu tầm được, nhóm nghiên cứu kết luận, từ thế kỷ 16, người phương Tây đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Các bản đồ này được vẽ rất sớm, như: Bản đồ do Livro da Marinharia FM Pinnto vẽ năm 1560, bản đồ do Gerard Mercator (1512 - 1594) vẽ có niên đại vào nửa sau thế kỷ XVI... cho đến những bản đồ được vẽ vào cuối thế kỷ XIX như: Bản đồ do Stielers Handatla vẽ năm 1891... Tất cả đều thể hiện bằng hình vẽ hoặc bằng chữ viết vị trí của quần đảo Hoàng Sa (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam dưới các tên gọi như Cauchi, Cochi, Cochinchina, Cochinchine... (tùy theo ngôn ngữ của từng nước phương Tây).

Trên một số bản đồ, địa danh Hoàng Sa còn được thể hiện hoặc ghi chú rất đặc biệt. Chẳng hạn, bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613 thể hiện quần đảo Frael (Hoàng Sa), bao gồm tất cả các đảo của Việt Nam từ nam vịnh Bắc Bộ cho đến hết vùng biển phía nam của Việt Nam, trừ Pulo Condor (Côn Đảo) và Pulo Cici (đảo Phú Quốc) được vẽ riêng. Trong bản đồ do W. Blaeu vẽ năm 1645, quần đảo Frael (Hoàng Sa) được vẽ nối liền với các đảo: Pulo Secca de Mare (Cù Lao Thu, tức đảo Phú Quý), Pulo Cambir (Cù Lao Xanh), Pullo Canton (Cù Lao Ré, tức đảo Lý Sơn), thành một chuỗi đảo liên hoàn thuộc lãnh thổ Cochinchina (Đàng Trong)....

 

 


Bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613 thể hiện quần đảo Frael (Hoàng Sa), bao gồm tất cả các đảo của Việt Nam từ nam vịnh Bắc Bộ cho đến hết vùng biển phía nam của Việt Nam

TS Hoàng Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc và bản đồ VN (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho biết, năm 2009, Ủy ban Địa danh Úc- Chủ tịch nhóm chuyên gia về địa danh khu vực Đông Nam Châu Á, Tây Nam Thái Bình Dương đã hoàn thành bản đồ địa danh được sửa đổi so với bản đồ trước đó và từ điển địa danh khu vực Đông Nam châu Á, Tây Nam Thái Bình Dương. Trong các tài liệu này, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đều ghi bằng tiếng Việt và thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Bản đồ được cung cấp tại website của Ủy ban địa danh Úc

Ngoài bản đồ, trước đó, nhiều cá nhân đã công bố các tài liệu khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam như: ông Nguyễn Văn Mạnh ở thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho biết đang giữ cuốn sách giáo khoa bằng chữ Hán xuất bản từ thời Nguyễn có in bản đồ Việt Nam trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa. Hay ông Trần Văn Quyến (Giảng viên khoa Xã hội và Nhân văn đại học Phú Xuân Huế) công bố cuốn sách in từ thời Tự Đức (1853) có vẽ bản đồ Việt Nam với tên gọi. là “Bản quốc địa đồ”, trong đó miêu tả chi tiết về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Nguyễn Văn Anh, Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật môi trường Đà Nẵng – một người chuyên sưu tầm tem vừa đưa ra bộ tem thời Trung Hoa dân quốc với hình bản đồ Trung Quốc không hề có Trường Sa - Hoàng Sa. Tính từ năm 1878-2012, tem Trung Quốc đã có 134 năm lịch sử. Trong đó riêng thời Trung Hoa dân quốc (1912-1949) đã phát hành hơn 1.300 loại tem. Trong đó bộ tem của nhà sưu tầm tem Việt Nam Nguyễn Văn Anh có được gồm 6 con, thuộc bộ tem Tưởng Giới Thạch - Quang Phục đại lục, được phát hành năm 1957 tại Đài Loan (Trung Quốc). Trên tem có dòng chữ Tem quốc dân hoa trung trên hoa văn bên dưới con tem và dòng chữ Quang phục đại lục trên hình bản đồ toàn Trung Quốc. Điều đáng nói là hình bản đồ toàn Trung Quốc trên 6 con tem này không hề có sự xuất hiện của Trường Sa, Hoàng Sa. Và chúng vẫn được sử dụng bình thường như một sự thừa nhận của chính quyền Đài Loan ngay từ năm 1957.


Tem Trung Quốc


Như vậy là chúng ta có rất nhiều tài liệu quí khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Theo TS Nguyễn Nhã, chúng ta nên tập hợp các tư liệu này lại, làm một tập hồ sơ tư liệu mang tính pháp lý quốc tế với đầy đủ các tài liệu đó, trong đó có bản đồ. Những tập hồ sơ ấy cần được phổ biến rộng rãi ở trong nước và quốc tế. Riêng TS Nguyễn Nhã đã tập hợp được 500 trang tư liệu và đang tiến hành dịch ra tiếng Anh. Theo TS Nguyễn Nhã, những tài liệu này khi được tập hợp đầy đủ sẽ giúp ích rất nhiều trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo Tạp chí Tuyên giáo

 

 

 

 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả