Đồng chí Tôn Đức Thắng - những cống hiến đối với cách mạng Việt Nam và thế giới (trích)

Ngày đăng: 17/08/2012 - 10:08

Nhân dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng  (20-8-1888 - 20-8-2012), Trang tin Điện tử Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xin giới thiệu với bạn đọc bài viết Đồng chí Tôn Đức Thắng - Những cống hiến đối với cách mạng Việt Nam và thế giới lược trích từ chương VIII Những cống hiến đối với cách mạng Việt Nam và thế giới trong cuốn sách Tôn Đức Thắng - Tiểu sử do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật ấn hành năm 2007.

1. Tôn Đức Thắng sớm có lòng yêu nước, thương dân và tinh thần đấu tranh cách mạng

Được sinh ra và lớn lên trong truyền thống yêu nước và nhân ái của quê hương, gia đình và dân tộc, Tôn Đức Thắng đã sớm có chí hướng đi về phía nhân dân lao động, chọn hướng lao động kỹ thuật, làm thợ, hoà mình vào đời sống của giai cấp công nhân. Đó là một "Phương hướng tốt, hợp thời đại". Tinh thần yêu nước và căm thù đế quốc đã tạo cho Tôn Đức Thắng sớm bộc lộ năng lực tổ chức thực tiễn. Khi chưa có ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường, đứng trên lập trường của một người yêu nước, nhưng Tôn Đức Thắng đã sớm tham gia các cuộc bãi công, bãi khoá của công nhân xưởng Ba Son và học sinh trường Bá Nghệ. Hàng ngày, trước cuộc sống bất công ngang trái, Tôn Đức Thắng luôn đứng mũi, chịu sào, biết tổ chức anh em có trật tự để quản lấy mình. Chưa đến tuổi ba mươi nhưng đã sớm bộc lộ chất người Tôn Đức Thắng, để sau này với hơn hai phần ba thế kỷ hoạt động cách mạng, chất người đó đã in đậm dấu ấn trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đó là "sản phẩm hào hiệp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người"1. Chất người Tôn Đức Thắng đó, như đánh giá Giáo sư Trần Văn Giàu là: "khả năng, thiên hướng và tài ba nhiều khi xuất hiện từ tuổi trẻ"2.

2. Tôn Đức Thắng - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước

Sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra ở Quảng Châu chưa được bao lâu, thì Tôn Đức Thắng cùng nhiều thành viên tích cực của Công hội bí mật đã hăng hái gia nhập hội này ở Sài Gòn và mau chóng mở rộng hoạt động cách mạng của Hội ra các tỉnh. Đây là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời của Tôn Đức Thắng, bởi vì từ đây, Tôn Đức Thắng thật sự hoạt động dưới ánh sáng cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cũng từ đây, với trọng trách là uỷ viên Ban Chấp hành Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Kỳ bộ Nam Kỳ, Tôn Đức Thắng có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Gần mười bảy năm bị giam ở địa ngục trần gian Côn Đảo, Tôn Đức Thắng tỏ rõ bản lĩnh của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, trung kiên, bất khuất, giữ vững lập trường và khí tiết người đảng viên cộng sản, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, thương yêu đồng chí và những người cùng cảnh ngộ. Tôn Đức Thắng đã viết nên những sự tích "như những bài ca hùng tráng về khí tiết, phẩm chất sáng trong như ngọc"3. "Trong hoàn cảnh cực kỳ khốn khổ thì biểu tượng cho tình người, cho đoàn kết chiến đấu thật khó kiếm nhiều người hơn Tôn Đức Thắng"4.

Trong dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh Tôn Đức Thắng (20-8-1958), đồng chí Lê Duẩn nêu rõ: "Đế quốc Pháp đã bắt giam, đày đoạ đồng chí 17 năm trời ở nhà ngục Côn Lôn với chế độ khổ sai, khi thì nhốt vào hầm xay lúa, khi thì nhốt vào hầm tối, tay chân bị xiềng xích, cùm kẹp, khi thì cho ăn lúa sống hoặc bỏ đói bỏ khát, nhưng tinh thần cách mạng kiên cường của đồng chí trước sau vẫn không chút lay chuyển. Trong nhà tù, đồng chí luôn luôn nêu cao tấm lòng yêu nước và chí khí quật cường của người công nhân, luôn luôn tin tưởng ở tương lai tươi sáng của dân tộc và của giai cấp, luôn luôn vui vẻ và không bao giờ xao lãng công tác cách mạng"2.

Điếu văn đọc trong lễ truy điệu Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày 3-4-1980 của đồng chí Trường Chinh có đoạn: "Gần 17 năm bị tù đày ở Côn Đảo, đồng chí luôn luôn nêu cao tinh thần cách mạng kiên cường, tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội"5.

Với đầu đề Tấm gương mẫu mực sáng ngời, Xã luận báo Nhân dân, số ra ngày 3-4-1980 viết: Trên ba mươi năm đầu, là sự đối chọi với bọn mật thám ở nước ngoài cũng như ở trong nước, và bị giam cầm dưới sự khủng bố hết sức dã man. Tấm lòng trung thành và tinh thần dũng cảm không gì lay chuyển là sức mạnh phi thường của Bác.

Trong tù ngục Côn Đảo, Tôn Đức Thắng đã cùng những chiến sĩ cộng sản kiên cường khác "biến nhà tù thành trường học cộng sản". Đúng như Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua"6.

Từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Tôn Đức Thắng tuy tuổi tác đã cao, nhưng vẫn cố gắng để phụ trách nhiều nhiệm vụ quan trọng:

Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Uỷ viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chủ tịch Hội Việt - Xô hữu nghị.

Chủ tịch danh dự Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới Việt Nam.

Uỷ viên Hội đồng hoà bình thế giới.

Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà rồi Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

"Bất kỳ ở cương vị công tác nào, mặc dù tuổi cao đồng chí luôn luôn phấn đấu quên mình để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho"7. "Cuộc đời hoạt động lâu dài của Bác là một kiểu mẫu phong phú hoàn chỉnh về nhân sinh quan cách mạng, một viên ngọc trong suốt của đạo đức cách mạng... Ở những cương vị lãnh đạo quan trọng, Bác Tôn đã phấn đấu không mệt mỏi góp phần cùng với Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội và Mặt trận đưa hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Bác Tôn đã nêu cao cho mọi người chúng ta, trước hết là những người cộng sản, tính tổ chức, tính nguyên tắc; dù việc lớn việc nhỏ, nhất thiết tuân thủ quyết định của tổ chức, của tập thể, sau khi đã trình bày đủ ý kiến của mình. Bác thường dạy chúng ta rằng sức mạnh của Đảng là tổ chức, toàn Đảng chỉ có một ý chí, là sự đoàn kết nhất trí trên cơ sở đường lối chính trị và những nguyên tắc tổ chức của Đảng"8.

"Suốt 30 năm, với các cương vị Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, rồi Chủ tịch nước, Bác Tôn là hiện thân rực rỡ nhất những đức tính mà Bác Hồ đòi hỏi ở một người chiến sĩ cách mạng, mỗi đảng viên cộng sản trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, được đồng bào, đồng chí cả nước và bầu bạn khắp năm châu tin cậy, mến phục.

Trên 60 năm hoạt động cách mạng, dù trong ngục tù đế quốc hay trên cương vị đầy trọng trách của Đảng và Nhà nước, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, nêu một tấm gương sáng ngời về khí phách, phẩm chất, đạo đức của người chiến sĩ cách mạng"9.

Bạn bè trên thế giới có nhiều phát biểu quan trọng đánh giá cống hiến của Tôn Đức Thắng trên các cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.



1. Phạm Văn Đồng: "Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng", Sđd, tr. 16.

2. Trần Văn Giàu: "Bảy ngọn núi An Giang trong cuộc đời gần trăm năm của Cụ Tôn Đức Thắng", Sđd, tr. 82.

3. Võ Trần Chí: "Chủ tịch Tôn Đức Thắng - tấm gương trong sáng về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế cao cả, biểu hiện sinh động về khí phách, phẩm chất của dân tộc", trong Bác Tôn và chúng ta, Ban Khoa học Xã hội Thành uỷ Thành phố
Hồ Chí Minh, 1988, tr. 22.

4. Trần Văn Giàu: "Bảy ngọn núi An Giang trong cuộc đời gần trăm năm của Cụ Tôn Đức Thắng", Sđd, tr. 85.

5. Lê Duẩn: "Học tập gương sáng của đồng chí Tôn Đức Thắng", trong Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980), An giang, 1988,
tr. 158.

6. Trường Chinh: "Điếu văn đọc trong lễ truy điệu Chủ tịch Tôn Đức Thắng", trong Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888 - 1980), Sđd, tr. 163.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 3-4.

1. Trường Chinh: "Điếu văn đọc trong lễ truy điệu Chủ tịch Tôn Đức Thắng", trong Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888 - 1980), Sđd, tr. 164.

8. Xã luận báo Nhân dân: Tấm gương mẫu mực sáng ngời, Sđd, tr. 152-153.

9. Võ Trần Chí: "Chủ tịch Tôn Đức Thắng - tấm gương trong sáng về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế cao cả, biểu hiện sinh động về khí phách, phẩm chất của dân tộc", trong Bác Tôn và chúng ta, Sđd, tr. 22-23.

Trích trong cuốn Tôn Đức  Thắng - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2007

 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả