"Nỗi buồn chiến tranh" đoạt giải thưởng Sách hay 2011

Ngày đăng: 09/09/2011 - 13:09

Tại lễ công bố các giải thưởng về Sách năm 2011 diễn ra tại TP.HCM ngày hôm qua, cuốn sách “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh đã giành giải thưởng Sách hay 2011 ở hạng mục sách viết, với 100% số phiếu đồng thuận của hội đồng bình chọn.


alt

Nỗi buồn chiến tranh đoạt giải Sách hay 2011

"Nghệ nhân và Margarita" của Mikhail Bulgakov đoạt giải thưởng này ở mảng sách dịch (Đoàn Tử Huyến chuyển ngữ) sau khi xuất sắc vượt qua 196 đề cử khác.

Hội đủ các tiêu chí mà giải thưởng đặt ra: chứa đựng những tư tưởng văn hóa sâu sắc, tiến bộ, có giá trị thẩm mỹ cao, góp phần phản ánh và giải mã được các vấn đề mà xã hội và con người đang phải đối mặt trong thời đại hiện nay, góp phần đưa ra được những xu hướng sắp tới, "Nỗi buồn chiến tranh" hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng Sách hay 2011.

nbct-cn

Bìa cuốn Nỗi buồn chiến tranh chuyển ngữ


Những giải thưởng ở các hạng mục khác:

Ở mảng văn học thiếu nhi, đoạt giải thưởng là hai cuốn "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, và "Hoàng tử bé" của nhà văn Antoine de Saint Exupéry (bản do nhà thơ Bùi Giáng dịch, Nhà xuất bản Văn nghệ in năm 2005).

Ở mảng sách lẽ sống, cuốn "Khuyến học" (Fukuzawa Yukichi - Phạm Hữu Lợi dịch) giành giải thưởng.
 
Ở mảng sách giáo dục là hai cuốn "Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục và tâm lý" (Dương Thiệu Tống) và "Dân chủ và giáo dục" (John Dewey - Phạm Anh Tuấn dịch).
 
Ở mảng sách nghiên cứu là cuốn "Nền dân trị Mỹ" (Alexis de Tocqueville - Phạm Toàn dịch).

Ở hạng mục kinh tế là cuốn "Tư duy kinh tế Việt Nam 1975 - 1989" của tác giả Đặng Phong.
 
Hạng mục quản trị là "Công ty: vốn, quản lý & tranh chấp" (Nguyễn Ngọc Bích - Nguyễn Đình Cung) và bộ 3 cuốn sách của Michael Porter do nhóm dịch giả DT Books chuyển ngữ.

Năm 1991, tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh (in lần đầu năm 1987 tên là Thân phận của tình yêu, được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và đã được đón chào nồng nhiệt.
 
Đó là câu chuyện một người lính tên Kiên, đan xen giữa hiện tại hậu chiến với hai luồng hồi ức về chiến tranh và về mối tình đầu với cô bạn học Phương. Khác với những tác phẩm trước đó mang tính sử thi, miêu tả chiến tranh từ góc độ cộng đồng, hùng tâm tráng chí của người lính chiến đấu vì vận mệnh đất nước, Bảo Ninh đã miêu tả chiến tranh từ một góc độ khác, góc độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân. Nhà văn Nguyên Ngọc ca ngợi: "Về mặt nghệ thuật, đó là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới". Tuy nhiên, trong hơn 10 năm sau đó tác phẩm đã bị cấm, không được in lại, có lẽ do quá nhạy cảm; mặc dù vậy, với làn sóng đổi mới ở Việt Nam, cuốn sách vẫn rất được ưa thích.

Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh bởi Frank Palmos và Phan Thanh Hảo, xuất bản năm 1994 với tựa để "The Sorrow of War", được ca tụng rộng rãi, và một số nhà phê bình đánh giá là một trong những tiểu thuyết cảm động nhất về chiến tranh. Bản dịch này được photo bán rộng rãi cho du khách nước ngoài. Đây là một cuốn sách được đọc rộng rãi ở phương Tây, và là một trong số ít sách nói về chiến tranh từ quan điểm phía Việt Nam được xuất bản ở đây. Một điều đáng khâm phục là Bảo Ninh đã trình bày quan điểm này mà không hề lên án phía bên kia.

Năm 2005, tác phẩm này được tái bản với nhan đề ban đầu là Thân phận của tình yêu; năm 2006 tái bản với nhan đề đã trở thành nổi tiếng: Nỗi buồn chiến tranh.

Theo Vtc News



Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả