Quét sạch chủ nghĩa cá nhân

Ngày đăng: 28/09/2012 - 14:09

Sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo toàn dân thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đạo đức và trí tuệ, đảm đương được sứ mệnh trọng đại là xây dựng Việt Nam thành một nước giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc. Hồ Chí Minh luôn đặt công tác xây dựng Đảng lên trên hết. Trong xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý chống chủ nghĩa cá nhân. Trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Người chỉ ra 10 căn bệnh nguy hiểm đối với Đảng nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân: quan liêu, tham nhũng, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, hữu danh vô thực (làm ít, báo cáo, khoe khoang nhiều), cận thị (chỉ để ý cái vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng), tị nạnh, xu nịnh và a dua, kéo bè kéo cánh. 

dang-cho-ta

Chứa chất những căn bệnh nguy hiểm, tiềm ẩn những nguy cơ thường trực, chủ nghĩa cá nhân được Hồ Chí Minh coi là “địch nội xâm” của Đảng; bởi theo Người, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù không lộ nguyên hình, nó ẩn nấp trong tư tưởng, trong suy nghĩ của các chủ thể chứa chất nó. Đây là một trong những nguy cơ hết sức nguy hiểm, đe dọa sự tồn vong của Đảng. Người nói: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”1. Với những cách thức tinh vi, chủ nghĩa cá nhân phá hoại bên trong mỗi con người, bên trong mỗi cán bộ, đảng viên; nó là nguy cơ phá hoại tập thể, tổ chức, từ cơ sở đảng, cho đến toàn Đảng.

Do ranh giới giữa cái cá nhân và cái xã hội, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể là hết sức mong manh, cho nên khi không vững vàng, hay bị cám dỗ bởi những quyền lợi, lợi ích nào đó, đảng viên, thậm chí người lãnh đạo dễ sa ngã, chuyển hướng sang chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh ví von một cách sinh động: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”2. Một đảng cầm quyền không thường xuyên tự nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng sẽ dễ bị chủ nghĩa cá nhân thao túng.

Với mầm bệnh nguy hiểm chứa chất trong nó, chủ nghĩa cá nhân làm suy thoái trí tuệ, biến chất bản lĩnh chính trị, làm giảm sức chiến đấu của đảng cầm quyền. “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ… Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”3. Trong một số không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng hiện nay, sự hấp dẫn của quyền lợi và địa vị, chủ nghĩa cá nhân dẫn họ vào những hành vi phạm pháp như: tham ô, hối lộ, chạy chức chạy quyền, mua cả chức vụ và danh vị. Những vi phạm của họ không chỉ hủy hoại phẩm chất cán bộ, đảng viên, mà còn làm mất lòng tin của nhân vào Đảng, ảnh hưởng đến lý tưởng, mục tiêu xã hội cao đẹp của nhân dân. Từ hơn nửa thế kỷ nay, Hồ Chí Minh đã cảnh báo cán bộ, đảng viên của Đảng: “Chủ nghĩa cá nhân… bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”4.   

Những nguy cơ nêu trên không chỉ là những bài học cho Đảng ta trong quá khứ mà cho cả ngày nay, nếu Đảng không thường xuyên rèn luyện, phấn đấu để giữ vững là đảng cộng sản chân chính, vững mạnh, bản lĩnh, thực sự vì dân, vì nước. Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”5. Là mẹ đẻ ra mọi thói hư tật xấu như lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, hối lộ; là nơi chứa chất những tật bệnh hiểm nguy, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hóa Đảng, chủ nghĩa cá nhân là nguy cơ tiềm tàng đối với bản chất cách mạng, bản chất trí tuệ, bản chất đạo đức, bản chất nhân dân của Đảng; nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng. Chừng nào còn môi trường, còn những yếu tố, những điều kiện cho chủ nghĩa cá nhân sống thì chừng đó, nó còn là nguy cơ thường trực đối với một đảng cầm quyền.

Để “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, phòng ngừa và ngăn chặn những nguy cơ của nó đối với Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã thể hiện một quyết tâm lớn của Đảng: “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”6.

Trước hết, Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn để thực sự là đảng cộng sản chân chính - đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân và dân tộc; hy sinh, phấn đấu cho sứ mệnh trọng đại của cách mạng Việt Nam. Đây là vấn đề có tính nền tảng, bảo đảm một đảng vững mạnh, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân. Bởi điều đó cũng có nghĩa, Đảng thật sự trong sạch, đạo đức, trí tuệ, văn minh, nơi đoàn kết hàng triệu đảng viên giác ngộ sâu sắc lý tưởng, mục tiêu, nắm vững bản chất của chủ nghĩa cộng sản - xã hội cao đẹp nhất, ở đó cá nhân và xã hội là môi trường và các điều kiện tồn tại cho nhau, phát triển hài hòa, cá nhân phục vụ xã hội, xã hội là môi trường cho phát triển cá nhân; nơi không chấp nhận một đảng viên nào xa rời bản chất và lý tưởng của Đảng, thoái hóa, biến chất, vi phạm điều lệ và kỷ luật của Đảng; không có một ai suy nghĩ và hành động ngược lại hoặc phương hại đến lợi ích của Đảng, của giai cấp, của nhân dân và dân tộc.

Thứ hai, xây dựng Đảng mạnh về tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực, sức mạnh và hiệu quả chiến đấu của Đảng. Đây là một giải pháp có tính quyết định ngăn chặn và quét sạch chủ nghĩa cá nhân ngay trong tổ chức, vận hành, nhân sự của Đảng. Để làm được điều này, cần kiện toàn các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở; giữ vững và thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; phát huy dân chủ trong Đảng để có một nền dân chủ thực sự; thực hiện đúng và nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và đi liền với nó là nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Ngăn chặn những nguy cơ của chủ nghĩa cá nhân bằng cách ngăn ngừa và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm các nguyên tắc và Điều lệ Đảng. Tự phê bình và phê bình thực sự là giải pháp để phát hiện, chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong mỗi đảng viên và tổ chức đảng.

Thứ ba, tăng cường công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức và phẩm chất cán bộ, đảng viên về mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, của Bác Hồ, của nhân dân. Làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bản chất, tác hại và nguy cơ của chủ nghĩa cá nhân đối với sứ mệnh của Đảng cũng như đối với từng đảng viên. Đẩy mạnh học tập tư tưởng chính trị, tư tưởng cách mạng và đạo đức Hồ Chí Minh một cách thực sự; làm cho tư tưởng và đạo đức của Người thấm sâu trong toàn Đảng, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin thực sự là kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động của Đảng, của xã hội. Xây dựng hệ thống tiêu chí về tư tưởng chính trị, phẩm chất cách mạng, đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên. Liền với đó là xây dựng và đưa vào vận dụng trong thực tiễn hệ thống các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, nội dung và các yêu cầu cống hiến đối với từng vị trí, chức danh cán bộ, đảng viên. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải có kế hoạch học tập để không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn, năng lực hoạt động thực tiễn; rèn luyện bản lĩnh và các phẩm chất cần có của cán bộ trong hệ thống công quyền, ý chí chiến đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, của nhân dân.

Thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục nhằm nâng cao dân trí, ý thức và trình độ chính trị; phát huy vai trò của nhân dân và các cơ quan dân cử, của các phương tiện thông tin đại chúng để làm tốt chức năng giám sát cán bộ, công chức, đảng viên; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực sự tham gia xây dựng Đảng, có cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan đảng và nhà nước, cán bộ, đảng viên. Đây là giải pháp có tính lâu dài và cấp bách của công tác xây dựng Đảng; đồng thời cũng chính là giải pháp phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay. Phát huy vai trò của nhân dân, của báo chí, công luận trong việc phát hiện tài năng, trong việc đánh giá cống hiến, phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; qua đó góp phần đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tham ô, hối lộ, phòng, chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

Thứ năm, khẩn trương xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, nhất là cá nhân người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đảng, nhà nước. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát cần được đổi mới, bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch; các tổ chức kiểm tra, thanh tra cần độc lập, tránh lệ thuộc, hình thức. 

Thứ sáu, thực hiện nghiêm minh kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong các tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước. Thông qua kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ, kỷ luật, xử lý những đảng viên vi phạm tư cách, thoái hóa biến chất, có những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, gây mất đoàn kết, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai những cán bộ, đảng viên vi phạm, dù ở cương vị, chức trách nào. “Bao che phe cánh”, “xử lý nội bộ”, kỷ luật nhẹ hơn tội trạng... cũng là những căn bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân, cần phải giải quyết triệt để.

 

1-5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 278; t. 12, tr. 222; t. 15, tr. 547; t. 11, tr. 611; t. 15, tr. 672.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 26.

GS. TS. NGUYỄN VĂN HUYÊN

Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả