Quản lý hoạt động xuất bản: Luật chạy theo thực tiễn

Ngày đăng: 19/06/2012 - 11:06

Ban hành năm 2004, Luật Xuất bản đã qua một lần điều chỉnh vào năm 2008, cho đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi đang được trình Quốc hội thảo luận góp ý cũng cho thấy, nhiều điều khoản chưa theo kịp thực tiễn.

 

Phần lớn các ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về dự án Luật Xuất bản sửa đổi sáng nay, 18-6 tại hội trường bày tỏ lo lắng, dự thảo luật vẫn chưa có tầm nhìn xa, chưa đủ chặt chẽ và nghiêm ngặt để theo kịp thực tế phát triển.

luat xuat ban

Các đại biểu góp ý vào những điều khoản cụ thể phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động xuất bản.                 Trong ảnh: Đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP. Hồ Chí Minh). 


Xuất bản điện tử: quy định mới chỉ mang tính nguyên tắc

Một trong những nội dung quan trọng và cũng là điểm mới của dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi được đưa ra thảo luận tại kỳ họp này là những điều khoản quy định liên quan đến xuất bản điện tử. Đây là một bước tiến thay đổi của luật để theo kịp thực tiễn.

Theo số liệu tại Thư viện Quốc gia, trung bình một ngày có 6.500 lượt người truy cập sách điện tử, trong khi đó có 2.000 lượt người có nhu cầu đọc truyền thống. Mặc dù chưa hề được quy định quản lý cho phép bằng pháp luật, thì thực tế đã có xuất bản phẩm điện tử. Sách điện tử đang được coi là “tương lai của xuất bản”, lại đang phát triển nhanh chóng và “khó lường”.

Đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh), Lê Ngọc Hoàn (Nam Định) đều cho rằng, luật cần quy định rõ ràng, cụ thể về sách điện tử, xuất bản phẩm điện tử, xuất bản, xuất bản phẩm điện tử. Xuất bản phẩm điện tử, sách điện tử cũng cần quy định phải có giấy phép xuất bản như một xuất bản phẩm bình thường và phải có các biện pháp chế tài xử lý các vi phạm bản quyền đối với xuất bản phẩm điện tử.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Xuất bản sửa đổi của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, thực tế, trong thời gian qua, xuất bản điện tử đã xuất hiện và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới cũng như trong nước. Đây là một hình thái mới của hoạt động xuất bản, còn có nhiều thay đổi khó dự báo. Trong khi đó, kinh nghiệm của Việt Nam về vấn đề này còn hạn chế. Đây là lý do để Ủy ban cơ bản tán thành quan điểm của Ban soạn thảo là Luật Xuất bản sửa đổi lần này chỉ quy định mang tính nguyên tắc về loại hình xuất bản này. Đồng thời, dự thảo luật dẫn chiếu các quy định của pháp luật có liên quan, giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong việc quản lý hoạt động xuất bản điện tử trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển rất nhanh.Ngoài ra, cần quy định về quảng cáo, về bản quyền đối với xuất bản phẩm điện tử và bổ sung chế tài xử lý vi phạm về xuất bản phẩm điện tử. Trong thực tế, các nhà xuất bản thường tiến hành song song hai loại hình xuất bản in và điện tử, do vậy, việc quy định riêng một điều khoản về Nhà xuất bản điện tử như trong điều 15 của dự thảo luật là không cần thiết và không phù hợp tình hình chung của thế giới.

Ngăn chặn sách giả, sách lậu: luật chưa đủ mạnh

Phần lớn ý kiến đại biểu cho rằng, vấn đề xử lý hiện tượng sách lậu, đĩa lậu đang là điều bức xúc. Theo đánh giá của hội nghị về chống in lậu năm 2010, hơn 90% sách bày bán ở vỉa hè, lề đường là sách lậu, sách giả. Một tỷ lệ không nhỏ các xuất bản phẩm lậu đang trôi nổi theo các ngõ ngách khác của thị trường, xuất hiện cả trong những hiệu sách trong hệ thống phát hành của nhà nước.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, hành vi in ấn và phát hành sách lậu, sách giả, sách không có bản quyền không chỉ là tội phạm mà trong nhiều trường hợp còn có thể gọi là tội ác. Đại biểu Hùng đề nghị phải bổ sung những quy định chặt chẽ, những chế tài nghiêm khắc xử lý hành vi này.

Điều 10 về những hành vi bị cấm cần một khoản quy định cấm vi phạm sở hữu trí tuệ làm thiệt hại đến quyền lợi của cơ quan tổ chức, cá nhân khác. Thứ hai, cần quy định xử phạt nặng các đối tượng tham gia buôn bán xuất bản phẩm lậu, nghĩa là mức phạt của hành vi này có thể cao hơn vi phạm khác.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Xuất bản sửa đổi cho biết, có hơn 1.100 cơ sở in không bị quản lý bằng pháp luật. Theo các đại biểu Quốc hội, đó là nguyên nhân chính, và qua giám sát có cơ sở in cho rằng làm sách lậu chứ không phải in lậu, “chủ mưu” là nhà xuất bản, nhà phát hành, còn nhà in là người tiếp tay. Và trong thực tế thời gian qua, việc in ấn và phát hành liên kết giữa các nhà xuất bản và tư nhân đã cho ra thị trường nhiều sản phẩm gây phản ứng trong dư luận. Các đơn vị tư nhân thực hiện toàn bộ các khâu của quy trình xuất bản, trong khi đó NXB chỉ làm một việc đơn giản là “bán giấy phép”. Do đó, khi một xuất bản phẩm vi phạm về chất lượng và nội dung xuất hiện, thì trách nhiệm lại không được truy cứu và xử phạt một cách thấu đáo.

Như nhiều đại biểu khác, ông Hùng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của các đối tác liên kết. Đối với các cơ sở in lậu, in trái phép thì Nhà nước kiểm tra, thanh tra, xử phạt nặng. Còn nếu quy định về mức xử phạt chưa đủ sức răn đe thì tăng mức chế tài xử phạt là thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tế việc quản lý in ấn rất phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều bộ, ngành khác nhau. Vì vậy, ông kiến nghị phải tính toán và nhanh chóng khắc phục khoảng trống pháp lý bằng luật riêng để điều chỉnh hoạt động in không phải xuất bản phẩm trong dự thảo Luật xuất bản (sửa đổi) lần này.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu qua các cuộc thảo luận ở tổ và tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, Ban soạn thảo luận cần nghiên cứu kỹ và có thể tổ chức các cuộc hội nghị, lấy ý kiến của các chuyên gia để soạn thảo những điều khoản cụ thể và phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi sẽ được điều chỉnh và tiếp tục góp ý, dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp tới.

 

MINH – VÂN

Theo Nhân dân điện tử


 

Bình luận