Quốc gia và siêu quốc gia (Sách tham khảo)

Ngày đăng: 30/10/2020 - 10:10

 Nếu xem quá trình nhất thể hóa châu Âu là một dòng sông, thì những quốc gia thành viên trong EU hẳn phải là những dòng suối lớn nhỏ hợp lưu trong dòng sông đó và cùng chảy theo một hướng xuôi ra biển rộng - ở đây chính là mục tiêu thống nhất châu Âu. Dòng sông đó có thể bồi đắp những đồng bằng rộng lớn, tạo ra nền tảng cho sự sống phát triển. Nhưng không dòng sông nào chảy êm đềm mà rất nhiều thác ghềnh chờ đợi trên con đường nó chảy qua. Chênh lệch địa hình càng lớn thì dòng sông càng dữ dằn hơn. Và dòng sông không bao giờ chảy xuôi một đường thẳng ra biển lớn, mà luôn uốn khúc, quanh co. Nhất thể hóa châu Âu cũng như vậy, đó là cơ hội để các quốc gia cùng chung sức xây dựng một giá trị chung, một khối thịnh vượng chung. Có thể khẳng định rằng, những thành công của nhất thể hóa có ý nghĩa to lớn không chỉ với khu vực châu Âu mà còn với toàn thế giới. Tuy nhiên, nhất thể hóa không chỉ đơn giản là đặt ra một lộ trình với hàng loạt mục tiêu rồi thực hiện những mục tiêu đó trơn tru, mà nó phải trải qua một quá trình dài lâu, nơi các quốc gia được thử thách lòng tin qua những khó khăn, trắc trở. Thời điểm hiện tại, được coi là một khúc quanh đầy thác ghềnh đối với “dòng sông” nhất thể hóa. Những vấn đề như chênh lệch trình độ phát triển giữa các quốc gia thành viên càng ngày càng rõ nét, việc xây dựng các giá trị chung của nhất thể hóa đang làm “nhòa” đi những giá trị đặc thù và quyền chủ quyền của các quốc gia, các vấn đề kinh tế đang làm tổn thương nghiêm trọng tới quá trình nhất thể hóa, vấn đề xung đột sắc tộc và chủ nghĩa ly khai… Những vấn đề của EU đều xuất phát do những tương tác không cân đối, bắt nguồn từ quá khứ và gia tăng trong quá trình phát triển, dẫn tới những bất ổn và thực tại châu Âu đang lâm vào khủng hoảng nặng nề. Quá trình nhất thể hóa của châu Âu cũng dẫn đến những “va chạm” giữa EU và các nước lớn, đặc biệt là Nga và Mỹ. Những vấn đề mà EU đang gặp phải rất khó tháo gỡ, bởi lẽ chúng đan xen và chồng chéo. Câu hỏi đặt ra cho tiến trình nhất thể hóa châu Âu hiện nay là “Tồn tại hay không tồn tại?” Các quốc gia thành viên EU đều nhận thức rõ được hậu quả trầm trọng nếu Eurozone (nhìn rộng hơn là EU) sụp đổ. Qua đó, các bên nên gác lại những lợi ích riêng để cùng chung sức giải quyết những vấn đề nóng hổi của EU nhằm tiến tới một cái đích xa hơn: châu Âu thống nhất và ổn định.

Để cung cấp cho độc giả những hiểu biết cơ bản về các loại lý luận có tính đại diện về “nhất thể hóa”, nhận thức rõ ràng hơn về mô hình Cộng đồng châu Âu, những ưu điểm nổi trội cũng như những vấn đề bất đồng tiềm ẩn trong đó, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức dịch và xuất bản cuốn sách Quốc gia và siêu quốc gia của tác giả Trần Cương. Cuốn sách có cấu trúc gồm 9 chương: Chương 1: Giới hạn vấn đề và phương pháp nghiên cứu; Chương 2: Chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa hiện thực; Chương 3: Chính trị so sánh và nghiên cứu về nhận thức; Chương 4: Giải thích nguồn gốc của nhất thể hóa; Chương 5: Phân tích cơ chế nhất thể hóa; Chương 6: Tìm tòi sự phát triển của nhất thể hóa; Chương 7: Ảnh hưởng đối ngoại của nhất thể hóa; Chương 8: Quốc gia, siêu quốc gia và ngoài quốc gia; Chương 9: Quản trị chung khu vực của quốc gia. Nội dung cuốn sách đi sâu phân tích, giải thích, so sánh, đánh giá về Cộng đồng châu Âu. Những phân tích, giải thích, lý luận và đánh giá về Cộng đồng châu Âu trong cuốn sách đã được minh chứng phần nào trong thực tế, đặc biệt là khi Anh hoàn thành tiến trình Brexit, Mỹ quay trở về chính sách bảo hộ, khả năng Grexit ngày một rõ ràng… Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho những nhà nghiên cứu kinh tế học, chính trị học; học viên chuyên ngành nghiên cứu quốc tế, kinh tế học, chính trị học, quan hệ quốc tế và độc giả quan tâm đến vấn đề này.

Bình luận