Cuốn sách Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm gồm những bài tường thuật của nhiều nhà báo phương Tây - những người đã trực tiếp có mặt tại Việt Nam trong những ngày tháng lịch sử, được nhà báo Đức Börries Gallasch tập hợp chỉ 5 tháng sau sự kiện ngày 30/4 và xuất bản thành cuốn sách bằng tiếng Đức. Họ chứng kiến các đoàn Quân Giải phóng hành quân vào miền Nam, mang theo tinh thần kiên định “dân tộc Việt Nam là một” và niềm tin tất thắng. Họ chứng kiến những cảnh tượng hỗn loạn của cuộc di tản do Mỹ tổ chức, khi trực thăng nối đuôi nhau rời khỏi Sài Gòn, để lại một thành phố hoang tàn. Và chỉ sau một tuần, họ lại nhìn thấy một Sài Gòn khác - bình tĩnh, trật tự và tràn đầy biểu tượng của một thời đại mới.
Một trong những điểm đặc sắc của cuốn sách chính là cách những nhà báo mô tả sự thay đổi của con người và không khí trong thành phố trước và sau ngày 30/4/1975. Đó là những chiến sĩ Quân Giải phóng với bộ quân phục màu xanh lá cây cùng đôi dép cao su Hồ Chí Minh trò chuyện cởi mở với người dân. Đó là hình ảnh những học sinh trong tà áo dài trắng, những bà mẹ, những người thân ôm nhau khóc trong ngày đoàn tụ. Người dân Sài Gòn, sau những ngày đầu lo lắng, đã trở lại cuộc sống thường nhật, dẫu biết rằng trước mắt họ là một hành trình đầy thách thức để xây dựng lại đất nước.
Bên cạnh những câu chuyện của từng cá nhân, cuốn sách phản ánh một sự thật sâu sắc: Chiến thắng của Việt Nam không chỉ đơn thuần là thắng lợi của một ý thức hệ hay một lực lượng quân sự, mà đó là chiến thắng của cả một dân tộc - những con người đã chịu đựng quá nhiều mất mát, chia cắt và đau thương để giành lại độc lập, tự do.
Với góc nhìn của người ngoài cuộc, nhưng lại có cơ hội chứng kiến cận cảnh những giờ phút lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm là một tư liệu quý giá, mang đậm hơi thở của thời đại. Đây là một cuốn sách không chỉ dành cho những bạn đọc quan tâm đến lịch sử Việt Nam, mà còn cho những bạn đọc muốn hiểu sâu hơn về sự chuyển mình của một dân tộc sau chiến tranh - về nỗi đau, niềm vui và cả những hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.