Tôi luôn nhớ đến anh

Ngày đăng: 21/10/2011 - 11:10

Ung Ngọc Ky*

Tôi rất ít có cơ hội được tiếp xúc, làm việc với anh Sáu Lê Đức Thọ.

dc-Le-Ductho

Trong suốt ba mươi năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tôi chỉ hai lần được tiếp xúc với anh: một lần tại chiến khu Đồng Tháp Mười, năm 1949 trong kháng chiến chống Pháp và một lần nữa, cũng là lần cuối cùng, tại chiến khu Dương Minh Châu năm 1968 trong kháng chiến chống Mỹ. Chỉ hai lần thôi, và lần tiếp xúc thứ hai lại vô cùng ngắn ngủi, song ấn tượng tốt đẹp của tôi đối với anh Sáu, dù năm tháng đã qua lâu, vẫn không phai nhạt.

Khoảng những tháng đầu năm 1949, Trung ương cử một phái đoàn ba người gồm Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, anh Sáu Lê Đức Thọ, và Thiếu tướng Dương Quốc Chính, do Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Trưởng đoàn, vào chiến khu Đồng Tháp Mười - lúc ấy được xem như là "thủ đô" của Nam Bộ - để giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Một cuộc mít tinh trọng thể, đông hàng ngàn người, được tổ chức vào một buổi chiều tối tại một địa điểm trên bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp, cách không xa chợ Cái Bèo, để nồng nhiệt chào mừng phái đoàn. Vì đây là lần đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ (từ ngày 23-9-1945), những vị đại diện chính thức, công khai của Trung ương vào Nam Bộ, và vì đây cũng là lần đầu tiên giữa chiến khu Đồng Tháp Mười có một cuộc mít tinh long trọng đông hàng ngàn người như vậy, cho nên tên tuổi của các vị trong phái đoàn bừng sáng lên và ảnh hưởng của cuộc mít tinh được dư luận bàn tán trong nhiều ngày. Tuy Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là Trưởng đoàn và tên tuổi luôn luôn được quý trọng ở Nam Bộ nói chung, ở Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng, song dư luận trong các giới kháng chiến lúc ấy vẫn xem Lê Đức Thọ là một nhân vật trung tâm, nhân vật quan trọng nhất của phái đoàn Trung ương vì người ta hiểu chính anh là người mang vào Nam Bộ "ấn soái" của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân vật mà cho đến lúc ấy được các giới kháng chiến và nhân dân Nam Bộ vô cùng ngưỡng mộ và tuyệt đối tin tưởng, một niềm ngưỡng mộ và tin tưởng thiêng liêng như đối với các nhân vật huyền thoại trong sử sách. Do đó, tuy chưa được tiếp xúc với anh Sáu Lê Đức Thọ, từ xa, người ta vẫn có tình cảm, lòng tin tưởng và niềm kính trọng đối với anh, người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bỗng một buổi chiều, không báo trước, anh Sáu Lê Đức Thọ thân tình đến thăm cơ quan chúng tôi, do anh Huỳnh Tấn Phát, Giám đốc Sở Thông tin tuyên truyền Nam Bộ đưa đến. Đó là vào khoảng tháng 7, tháng 8-1949, chỉ một thời gian ngắn sau khi giặc Pháp nhảy dù đánh phá chiến khu Đồng Tháp Mười. Cơ quan chúng tôi, Kỳ uỷ Nam Bộ Đảng Dân chủ Việt Nam, đóng trên bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp cách ngã tư Mỹ An vài cây số.

Giản dị trong bộ đồ bà ba đen với chiếc khăn rằn quấn cổ và chân đất như chúng tôi, như tất cả mọi người kháng chiến thuở ấy, với nụ cười rộng mở vốn có của mình, qua sự giới thiệu của anh Huỳnh Tấn Phát, anh Sáu đến bắt tay và ôm từng người chúng tôi trong Ban Thường vụ Kỳ uỷ Nam Bộ Đảng Dân chủ Việt Nam - Nguyễn Việt Nam, Vương Văn Lễ và tôi - như đối với những người thân lâu ngày gặp lại, chứ hoàn toàn không với hào quang của một vị đại diện đầy uy đức của Trung ương. Rồi anh bước sang lớp huấn luyện chính trị ở bên cạnh, chào anh chị em học viên. Tất cả lớp học đồng loạt đứng phắt dậy chào anh, hết sức ngạc nhiên và rất xúc động. Vẫn với nụ cười rạng rỡ, anh đưa tay lên cao chào anh chị em học viên và nói thân tình: "Các đồng chí cứ tự nhiên. Tôi chỉ đến thăm anh em Kỳ uỷ và lớp học của các đồng chí". Một tràng pháo tay vang dội nổi lên, xen lẫn những tiếng hoan hô nồng nhiệt chào mừng anh. Ai nấy nhìn nhau vui cười, cảm thấy hạnh phúc và vinh dự được nhân vật quan trọng nhất của phái đoàn Trung ương bất ngờ đến với mình một cách rất thân tình như vậy.

Thấy chúng tôi đọc khá nhiều sách báo tiếng Pháp, nhất là sách về chủ nghĩa Mác - Lênin của Nhà xuất bản Xã hội ở Pháp (Editions Sociales) - hồi ấy sách báo chính trị tiếng Việt từ Trung ương vào còn rất hiếm - anh Sáu cười: "Các anh đọc nhiều quá..." và, vẫn tươi cười, anh nói khiêm nhường: "Tôi chỉ đọc chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử". Chúng tôi hiểu anh Sáu ngầm nhắc mình: "Hãy chú ý nhiều đến chủ nghĩa này, nền tảng quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội khoa học". Và, như hiểu được niềm tin tưởng cùng lòng tôn kính của chúng tôi đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Sáu nói: "Bác Hồ thường nói: Phương pháp cách mạng là mối quan hệ biện chứng giữa quyết tâm, tín tâm (lòng tin của nhân dân) và đồng tâm". Trong câu chuyện với chúng tôi, không dưới một lần, anh Sáu nói vui vẻ: "Không hiểu sao, đến bây giờ, các anh vẫn chưa phải là đảng viên cộng sản. Tôi nghĩ rằng các anh đã phải là đảng viên cộng sản". Khi anh Nguyễn Việt Nam, lúc ấy là Bí thư Kỳ uỷ, đáp: "Chúng tôi tham gia cách mạng muộn quá" thì anh Sáu, với nụ cười rất tươi và rất hiền, mượn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đối với các vị nhân sĩ trí thức, Bác Hồ an ủi: Làm cách mạng không tính kẻ trước người sau. Tham gia sau mà nhiệt tình công tác cách mạng thì cũng có công với nước như người tham gia lâu năm". Rồi anh tiếp: "Chắc các anh biết Chế Lan Viên, anh ấy có hai câu thơ nổi tiếng tự giải tỏa mặc cảm của mình, mà đồng thời cũng giải tỏa tâm tư mặc cảm của những vị nhân sĩ trí thức, vì lẽ này lẽ khác, chưa tham gia Đảng:

Ta đến muộn, đừng lo, Người vẫn đợi

Với Bác Hồ, Người thương nhất kẻ đi sau.

Chúng tôi cùng cười rất vui.

Câu chuyện thân tình kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, không theo một đầu đề trọng tâm nào. Rõ ràng, anh Sáu Lê Đức Thọ chỉ thân mật đến thăm Kỳ uỷ chúng tôi với thái độ và tình cảm của một người anh lớn, lâu ngày về thăm những người em của mình trong gia đình. Vì vậy, dù đây chỉ là lần đầu gặp nhau, anh em Ban Thường vụ Kỳ uỷ chúng tôi thấy dễ dàng gần gũi, cảm mến anh, tin cậy anh như những tấm lòng đến với những tấm lòng.

Điều làm cho chúng tôi càng ngạc nhiên và quý mến anh là lúc đến giờ cơm chiều, nhìn thấy anh em bên lớp học dọn cơm, anh Sáu nói rất tự nhiên: "Đến giờ cơm rồi, thôi ta cùng đi ăn!". Ba anh em trong Thường vụ Kỳ uỷ chúng tôi nhìn nhau vừa sửng sốt, vừa hết sức bối rối! Do anh Sáu đến thăm đột xuất, không một lời báo trước, chúng tôi hoàn toàn không chuẩn bị gì, càng không có một ý thức nào dám mời anh dùng cơm với chúng tôi. Một lẽ nữa, hồi ấy chúng tôi sống rất kham khổ, sau trận nhảy dù đốt phá của giặc Pháp vừa rồi thì lại càng sống kham khổ, thiếu thốn hơn. Gạo thì còn lẫn nhiều hạt thóc (do không kịp sàng sẩy), thức ăn thì chỉ với món cá khô kho với rau muống cắt ngoài đồng sau nhà. Rất may là hôm ấy vừa nhận được một hũ tương ngon của cô Hai Thanh Vân gửi tặng Kỳ uỷ lúc ban trưa. Sau trận đốt phá của giặc Pháp, chúng tôi chỉ tập trung lo kịp bàn ghế để cho lớp huấn luyện chính trị của Kỳ uỷ không bị gián đoạn, chưa kịp lo bàn ăn, cho nên anh chị em học viên và cả anh em Kỳ uỷ chúng tôi cứ dọn cơm ngay dưới đất, cùng ngồi chồm hổm mà ăn.

Hiểu được tâm trạng băn khoăn, lo lắng của chúng tôi, anh Sáu càng thân tình: "Ta cùng ngồi dưới đất ăn với anh chị em cho vui". Rồi anh chủ động kéo anh Huỳnh Tấn Phát, anh Nguyễn Việt Nam, anh Vương Văn Lễ và tôi cùng ngồi chồm hổm xung quanh mâm cơm đã dọn sẵn cho Kỳ uỷ ngay bên bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp. Riêng Nguyễn Việt Nam, chỉ còn một chân do bị thương trong trận tấn công đêm đầu tiên vào Sài Gòn sau ngày 23-9-1945, phải ngồi bệt xuống đất. Ôi! không khí bỗng nhiên sao mà vui vẻ, đầm ấm lạ thường! Gió thổi từ cánh đồng bát ngát sau nhà, gió từ kênh Nguyễn Văn Tiếp thổi lên buổi chiều hôm ấy sao mà mát mẻ, dễ chịu đến vậy! Câu chuyện càng lúc càng vui. Trong chén cơm còn lẫn nhiều hạt thóc, thức ăn chỉ có cá khô kho, tương với rau muống luộc, nhưng bữa cơm ăn sao mà ngon và đậm đà tình nghĩa vậy! Vừa gắp từng hạt thóc trong chén cơm, anh Sáu vừa kể lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất phù hợp với bữa cơm đạm bạc hôm ấy: "Ai chẳng muốn no cơm ấm áo. Nhưng sinh hoạt vật chất, hết đời người đó là hết. Còn tiếng tăm tốt hay xấu sẽ truyền đến ngàn đời sau".

Chúng tôi càng lúc càng thấm thía rằng, anh Sáu Lê Đức Thọ, tuy danh nghĩa là đến thăm thân mật đột xuất anh em chúng tôi, tuy không có một vấn đề nào được nêu ra, câu chuyện của anh tuy có vẻ tản mạn, nhưng rõ ràng trong từng lời tưởng chừng như bất chợt của anh đều đượm một ý nghĩa cao quý là dìu dắt, nâng đỡ, hướng dẫn anh em chúng tôi tiến lên theo con đường của Bác.

Năm mươi mốt năm đã qua rồi, nhưng buổi gặp gỡ vô cùng ấm áp của anh Sáu Lê Đức Thọ buổi chiều hôm ấy bên bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp giữa chiến khu Đồng Tháp Mười lộng gió năm 1949, như còn hiển hiện với bao mối cảm hoài trong tâm trí tôi.

Từ đó, 19 năm sau, tôi mới có dịp gặp lại anh. Đó là sau đợt 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Trong một buổi giao ban buổi sáng của Trung ương Cục miền Nam tại chiến khu Dương Minh Châu do anh Phạm Hùng chủ trì, anh Sáu Lê Đức Thọ từ Trung ương mới vào, đến dự.

Sau buổi giao ban, anh đến cuối bàn bắt tay tôi (lúc nãy, từ ở đầu bàn với anh Phạm Hùng, vẫn với nụ cười rộng mở và tươi tắn, như thuở nào, anh đã giơ tay và gật đầu chào tôi). Trong lúc tôi đứng dậy chào anh thì anh thân thiết ôm tôi, như 19 năm trước anh đến thăm Kỳ uỷ ở chiến khu Đồng Tháp Mười, và nhã nhặn hỏi: "Anh có thường được tin của chị và các cháu không?". Tôi rất xúc động, chưa kịp đáp thì anh hỏi tiếp, vừa đủ cho tôi nghe: "Anh có muốn ra thăm chị và các cháu không?". Tôi bỗng nhiên thấy như choáng váng, tai như ù đi, đứng lặng không biết trong mấy giây. Giữa đông người, tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh, thưa: "Anh Sáu có thu xếp cho tôi được gặp trong 5 - 10 phút được không?". Anh cười, vỗ vai tôi và đáp ngay: "Sáng mai nhé, 10 giờ". Rồi quay sang đồng chí thư ký luôn đi bên cạnh, anh dặn: "Cậu nhớ nhé".

Năm 1960, vợ và hai con trai tôi, đứa 8 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi, được đưa ra miền Bắc cùng với một số chị và các cháu. Đã tám năm rồi, tôi nhớ vợ con quặn thắt ruột gan! Cứ mỗi lần nhận được thư nhòa nước mắt của vợ tôi (thư nào cũng thế) kèm thư của hai con tôi, nhất là những dòng chữ nguệch ngoạc thơ ngây của đứa con út tôi (sau này là nhà văn Ung Ngọc Trí), tôi không sao cầm nổi được nước mắt. Tôi thầm ước mơ có một dịp nào đó, nhân một chuyến đi công tác, sẽ được ra thăm vợ con ở Hà Nội. Nay anh Sáu hỏi tôi đúng vào nguyện vọng cháy bỏng của mình!

Đêm hôm đó, một cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội chưa từng có diễn ra trong đời tôi.

Đợt 3 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 đang được chuẩn bị ráo riết. Trong hai đợt rồi, ta đã đạt được nhiều thắng lợi to lớn, vang dội, nhưng cũng đã phải hy sinh, tổn thất rất nhiều. Với đợt 3 này, địch đã hết bị bất ngờ, cuộc đấu tranh sẽ vô cùng ác liệt và những hy sinh, tổn thất phía ta sẽ không lường hết được. Tôi là một thành viên trong Ban Thường trực của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; lại cách đây ít hôm, Trung ương Cục vừa thành lập một Ban mới, Ban chỉ đạo chính quyền do anh Trần Nam Trung, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Cục làm Trưởng ban, trong đó có tôi và vài đồng chí nữa. Nhiệm vụ của Ban này là nghiên cứu giúp Trung ương Cục ráo riết chỉ đạo xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở và ở một số tỉnh, thành phố để làm nền tảng cho việc thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời sau này. Công việc mới được bắt đầu nghiên cứu, chưa được triển khai một chút nào.

Trong bối cảnh như vậy, tôi phải tạm gác mọi trách nhiệm để yên bình, ung dung đi ra Bắc sum vầy với vợ con ư? Tôi vô cùng bứt rứt, nhiều lần tự hỏi và tự trả lời trong đêm ấy một cách hết sức vất vả, khổ sở. Tôi cảm thấy hổ thẹn với biết bao đồng chí, đồng bào đã oanh liệt ngã xuống trong hai đợt tấn công vừa qua, và chắc chắn rằng sẽ còn nhiều người nữa anh dũng hy sinh trong đợt 3 này (sự thật sau này diễn ra đúng như vậy).

Ôi! Thời điểm lịch sử sao mà oái oăm, thử thách đến vậy!

Tôi tự thấy mình không xứng đáng nếu sẽ tạm ra đi trong lúc này để sum họp gia đình, dù chỉ là trong một thời gian ngắn để rồi sau đó trở lại chiến trường.

Tôi quyết định không đi! Hình ảnh vô cùng thân yêu của vợ tôi, của hai con tôi như chập chờn hiển hiện nhòa trong nước mắt tôi. Tôi khổ sở quá, đau đớn quá!

Cơn sốt rét rừng được tạm lắng vài tuần lễ nay bỗng trỗi dậy, dập tôi mê man cho đến tận buổi chiều hôm sau.

Vậy là tôi để lỡ cơ hội "ngàn năm có một"! Tôi đành phụ tấm lòng vàng ngọc của anh Sáu vậy.

Rồi ít hôm sau đó, anh Sáu Lê Đức Thọ phải vội vã trở ra Trung ương để chuẩn bị đi làm Cố vấn cho phái đoàn ta sắp đi họp ở Pari do đồng chí Xuân Thủy làm Trưởng phái đoàn.

Từ đó, tôi không còn dịp nào được gặp anh Sáu nữa! Nhưng tình cảm của anh đối với tôi thì vẫn thủy chung. Năm 1971, anh tận tình giúp đỡ vợ tôi, lúc ấy đã 48 tuổi, được vượt đường Trường Sơn về sum họp với tôi ở cơ quan Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Với một phụ nữ cỡ tuổi ấy được phép vượt đường Trường Sơn là rất hiếm. Do đó, anh Sáu đã chỉ đạo anh Dương Quốc Chính, lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Xã hội và Thương binh, cho vợ tôi được hưởng quy chế của một trưởng đoàn, có được một người mang vác và phục vụ, có chế độ ăn uống thuốc men riêng. Một trưởng đoàn với chỉ có một người! Anh chị Dương Quốc Chính cũng vốn sẵn có mối quan hệ tốt đẹp với vợ chồng tôi nên việc ấy được giải quyết thật mỹ mãn. Nhờ đó, vợ tôi mới vượt được nổi đường Trường Sơn năm ấy.

Cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc đến anh Sáu Lê Đức Thọ là vợ chồng tôi dào dạt một niềm quý mến và biết ơn anh vô hạn. Và hôm nay, ghi lại mấy dòng này, tôi bồi hồi đốt nén hương lòng hoài niệm anh, một bậc lão thành cách mạng nguyên huân có nhiều phẩm chất cao quý, xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Bác Hồ.



* Nguyên: - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Uỷ viên thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam,

- Thứ trưởng Phủ Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả