Tìm "liều thuốc" cho hoạt động liên kết xuất bản

Ngày đăng: 25/11/2014 - 08:11

Mặc cho những nỗ lực nhằm ổn định trật tự trên thị trường xuất bản của các cơ quan chức năng, nhiều sai phạm vẫn xảy ra. Mới đây nhất, việc đưa hình ảnh diễn viên hài Công Lý lên bìa minh họa cho cuốn sách Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 của NXB Lao động - Xã hội lại tạo thêm một cú sốc với dư luận. Và sai phạm vẫn tiếp tục do hoạt động liên kết xuất bản.

28e28203850733fe3ea4e516bc357038

Chấn chỉnh hoạt động liên kết xuất bản để những cuốn sách "sạch" đến được với người đọc.

Ảnh: HỮU VIỆT

Chuyện "thật như đùa"

Những ngày vừa qua, hình ảnh diễn viên Công Lý trong trang phục kiệm vải như vận động viên thể hình đứng trên quả cầu, nâng bàn cân, minh họa cho "cán cân công lý" trên bìa cuốn sách luật được "phủ sóng" khắp các trang mạng xã hội với những bình luận châm chọc. Bỗng nhiên, một cuốn sách đơn thuần về kiến thức pháp luật nghiêm ngắn lại gây hài tạo dư luận mạnh mẽ. Chuyện thật... như đùa (!). Sai phạm của NXB Lao động - Xã hội đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng: "Trong vụ việc này, NXB Lao động - Xã hội rất vô trách nhiệm khi chỉ cấp giấy phép cho cơ sở liên kết rồi bỏ mặc từ khâu thẩm định, xem xét, biên tập, đến cả lúc phát hành cũng lơ là".

Ngày 17-11-2014, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) ra văn bản, yêu cầu đình chỉ phát hành cuốn sách Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014, với lý do: "Bìa một của cuốn sách sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp với nội dung cuốn sách". Cùng lúc, một bìa sách khác cũng là sách luật của NXB Lao động - Xã hội có một bên in hình cái cân, bên kia hình tờ đôla Mỹ cũng được Cục phát hiện và đình chỉ phát hành trên toàn quốc, yêu cầu NXB có biện pháp thu hồi triệt để, quản lý và xử lý đối với toàn bộ số sách thu hồi, kết quả thực hiện gửi về Cục trước ngày 21-11-2014. Trong báo cáo gửi Vụ Báo chí - Xuất bản, Cục Xuất bản và Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, NXB Lao động - Xã hội giải trình: NXB đã ký cấp phép xuất bản cuốn Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 vào ngày 25-11-2013. Số lượng xin cấp phép là 1.000 cuốn, số lượng in thực tế 500 cuốn, trong đó nộp lưu chiểu 20 cuốn. Trong quá trình thực hiện, Nhà sách Lao động (đơn vị liên kết chi nhánh phía nam của NXB) đã tự ý bổ sung hình ảnh trang bìa không đúng như bản được duyệt. NXB đã phát hiện ra sai sót và tiến hành thu hồi sách từ tháng 7-2014, nhưng tính đến ngày 17-11-2014 mới chỉ thu hồi được 270 trong số 480 cuốn đã phát hành.

Nhiều năm qua, những sai phạm của ngành xuất bản luôn làm nóng dư luận và đau đầu các nhà quản lý. Gần đây, điển hình nhất phải nhắc đến NXB Thời Ðại với những sai phạm liên tiếp, mang tính hệ thống. Cụ thể, là sự ra đời của hàng loạt cuốn sách vi phạm bản quyền, sai phạm về nội dung như tiểu thuyết Búp sen xanh mang danh NXB Thời Ðại liên kết Công ty cổ phần Sách Nhân dân; cuốn Ðại Việt sử ký toàn thư do NXB và Công ty TNHH văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng liên kết xuất bản. Ðáng chú ý, sự việc gây xôn xao dư luận là hai cuốn sách Văn hóa tộc người Việt Nam và Văn hóa Việt Nam được liên kết xuất bản một cách cẩu thả như tự ý đổi tên sách, cắt bỏ nhiều bài viết, sai lỗi chính tả ngớ ngẩn; trong đó cuốn Văn hóa tộc người Việt Nam của học giả Nguyễn Từ Chi do NXB và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Nhà sách Thăng Long TP. Hồ Chí Minh liên kết phát hành còn được trao giải thưởng Sách hay 2014 (?).

Lời giải nào cho "bài toán" liên kết?

Có thể thấy, liên kết xuất bản là chủ trương đúng đắn, nhằm xã hội hóa công tác xuất bản, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành, tuy nhiên, sự lạm dụng, không chấp hành đúng những quy định pháp luật của nhiều NXB đã dẫn đến những kết cục đáng tiếc. Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa thừa nhận: Do kinh tế khó khăn, các NXB không tự đứng vững trên đôi chân của mình, phải làm "dịch vụ" cho tư nhân, phải liên kết để có tiền. Do đó, sự chi phối của đối tác trong hoạt động liên kết là điều tất yếu.

Một trong những lý do khiến thực trạng này tồn tại dai dẳng, bởi lâu nay, việc xử lý sai phạm trong xuất bản còn nương nhẹ, giơ cao đánh khẽ. Ðến lúc, vấn đề này phải được đặt ra như một căn bệnh trầm kha, cần những "liều thuốc" đặc trị tận gốc. Ông Chu Văn Hòa cho biết, hiện nay Cục được quyền xử phạt mức cao nhất là 200 triệu đồng; từ năm 2014, Cục đảm nhận chức năng thanh tra chuyên ngành xuất bản từ Bộ Thông tin và Truyền thông; thanh tra liên ngành cũng chuyển về thường trực tại Cục. Với NXB Lao động - Xã hội, ngoài hình thức phạt hành chính theo luật định, lần này, Cục yêu cầu NXB phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, cụ thể là lãnh đạo, người chịu trách nhiệm nội dung và người biên tập cuốn sách. Cục cũng sẽ làm việc với đối tác liên kết, xem xét mức độ vi phạm để có hướng xử lý thích hợp. Nhẹ thì phạt tiền và thu hồi, nặng thì có thể tạm đình chỉ việc tham gia liên kết theo các quy định của Luật Xuất bản.

Ðược biết, trong nội dung tham mưu cho Chính phủ về việc kiện toàn lại các NXB vừa qua của Cục Xuất bản, In và Phát hành, có chủ trương kiên quyết cho ngừng hoạt động với các đơn vị thành lập NXB chỉ nhằm liên kết bán giấy phép. Luật Xuất bản mới cũng quy định khi xử lý sai phạm của NXB sẽ đồng thời xử phạt cả đối tác liên kết ở mức như nhau; với những đơn vị sai phạm không khắc phục sẽ kiên quyết tạm dừng không cho liên kết. Ðồng thời, bắt buộc mỗi NXB phải có số biên tập viên cơ hữu năm người, qua lớp đào tạo và được cấp chứng chỉ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Luật mới cho phép các đối tác liên kết được biên tập sơ bộ trước khi đưa NXB biên tập lần cuối. Do vậy, biên tập viên của đối tác cũng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề như biên tập viên ở NXB. Hy vọng thời gian tới, ngành xuất bản sẽ có nhiều nỗ lực hơn, không để xảy ra những sai phạm vốn là căn bệnh dai dẳng này.

Trong năm 2013, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý 255 cuốn sách sai phạm, trong đó có 124 cuốn sai phạm về nội dung. Chín tháng năm 2014 đã xử lý 169 cuốn sách sai phạm, trong đó 79 cuốn sai phạm về nội dung.

Nguồn: Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông

NGUYỄN PHƯƠNG LIÊN

(Theo Nhân dân)



Bình luận