Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn: Nguồn thông tin quan trọng để phát triển

Ngày đăng: 21/07/2011 - 16:07

Đầu năm 2009, Ban Bí thư đã ra Thông báo số 220-TB/TW về việc triển khai thí điểm Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Ngay sau đó, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và địa phương tiến hành thí điểm tại 16 tỉnh, TP trong cả nước. Hơn 1 năm sau, đề án đã thể hiện được tính thiết thực và hiệu quả nên bắt đầu được triển khai rộng.

altSách về cơ sở

Yêu cầu của cuộc sống

Trong giai đoạn thí điểm, đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã được thí điểm áp dụng tại 16 tỉnh thành trong cả nước với số lượng hơn 4.000 cơ sở xã, phường, thị trấn tham gia. Mỗi cơ sở nhận được 45 đầu sách các loại. Tính thực tế của việc trang bị sách này được thể hiện rõ. Ông Phan Xuân Trường, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cho biết: Từ khi có các đầu sách được trang bị, tình trạng hiểu sai, hiểu nhầm về kiến thức hoặc thông tin xã hội giảm hẳn. Mỗi khi có vấn đề tranh luận đều có thể tra cứu sách để kiểm chứng ngay lập tức”.

Trước kết quả bước đầu của việc thí điểm, Ban Bí thư đã có thông báo số 396-TB/TW đồng ý triển khai đề án với quy mô rộng khắp tại 63 tỉnh thành trên cả nước.

Lần triển khai quy mô này hướng tới việc trang bị sách chuyên nghiệp hơn. Các ấn phẩm trong lần thí điểm sẽ được rà soát lại, bổ sung những đầu sách mới, rút lại những đầu sách lạc hậu, không cần thiết. Theo TS. Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, các đầu sách trong đề án sẽ gồm 4 thể loại chính: sách phổ biến, giáo dục lý luận chính trị, pháp luật và kiến thức quản lý cấp cơ sở; sách giới thiệu các điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt, đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái, thù địch, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống; sách phục vụ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; sách đặc thù cho từng khu vực như những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, sách tôn giáo…

Lần triển khai này, hình thức của các đầu sách chủ yếu được làm dưới dạng cẩm nang, dễ đọc, dễ hiểu, dễ vận dụng, không quá dày, chỉ dưới 200 trang. Dự kiến mỗi phường, xã, thị trấn sẽ nhận được 2 bộ sách (45 cuốn/bộ), trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và thư viện cấp huyện mỗi nơi 1 bộ.

Để sách đem lại hiệu quả

Một trong những vấn đề được nhiều người chú ý nhất là làm sao để những cuốn sách thực sự được sử dụng, đóng góp vai trò trong việc phát triển từ lý luận đến thức tiễn của các cấp cơ sở, tránh tình trạng sách mang về bị để không, mang tính trưng bày.

Tuy nhiên, do đặc thù của mỗi khu vực khác nhau dẫn đến không có biện pháp chung nhằm phát huy hiệu quả của đề án. Lấy ví dụ điển hình như ở Gia Lai, theo ông Phan Xuân Trường thì bên cạnh việc triển khai sách giấy rất cần có thêm sách điện tử cung cấp trên mạng. Do đặc thù địa phương, việc đi lại tương đối khó khăn, trong khi đó hệ thống Internet đã có rộng khắp ở phường, xã, thị trấn nên sách điện tử sẽ giúp thuận lợi hơn trong việc tra cứu, học tập…”.

Ngược lại, theo ông Nguyễn Việt Hòa, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 6, TPHCM thì tình hình ở đây lại khác hẳn. Chỉ tính riêng trong quận đã có 3 siêu thị sách thuộc dạng lớn, nhu cầu đọc, tra cứu thuận lợi hơn rất nhiều. Do đó, để triển khai việc sử dụng sách trong đề án, quận thường tổ chức các cuộc thi, kể chuyện, trao đổi… song song đó còn chủ động bổ sung nhiều đầu sách khác để đa dạng hóa sách nhằm thu hút người đọc.

Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn là một đề án lớn nhằm cung cấp cụ thể thông tin, kiến thức cho cán bộ cơ sở, từ đó nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Bên cạnh việc hỗ trợ của trung ương còn đòi hỏi cả sự năng động của các địa phương để từ đó có thể phát huy hiệu quả thực sự của một đề án lớn của Đảng và Nhà nước.

Theo sggp.org.vn 

Bình luận