Cơ hội và thách thức của hoạt động xuất bản trong tình hình mới

Ngày đăng: 02/06/2014 - 16:06

Luật xuất bản 2012 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20-11-2012 đã đặt tiền đề cho một giai đoạn phát triển mới của ngành xuất bản, in và phát hành. Để triển khai thi hành Luật, ngày 16-1-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 115/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch đã xác định những mục tiêu, giải pháp chung và dài hạn đối với hoạt động xuất bản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là văn bản hết sức quan trọng bởi nó mở ra những cơ hội mới, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không hề nhỏ đối với hoạt động xuất bản trong tình hình hiện nay.

XB-co hoi


Những cơ hội mới để phát triển

Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với nội dung rất sát thực và cấp thiết, đó như một bàn đạp để các hoạt động xuất bản khởi sắc bật lên trong những năm tới:

Về quan điểm: ngành xuất bản, in và phát hành vẫn tiếp tục duy trì và giữ vững những quan điểm, đường lối của Đảng là phát triển hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu về xuất bản phẩm của nhân dân, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực xuất bản, phát hành xuất bản phẩm tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo và ra nước ngoài. Bên cạnh đó, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mục tiêu phát triển cũng rất rõ ràng và cụ thể đối với từng lĩnh vực:

Lĩnh vực xuất bản: Nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản; duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20-30% là xuất bản phẩm điện tử, phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 450 triệu bản, tương đương 05 bản/người/năm và đến năm 2030 đạt khoảng 700 triệu bản, tương đương 07 bản/người/năm.

Lĩnh vực in: Tiếp tục tăng cường hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2020: 50-60% số cơ sở in sử dụng công nghệ, thiết bị in hiện đại; đến năm 2030: 70-80% số cơ sở in sử dụng công nghệ, thiết bị in hiện đại; không còn cơ sở in đặt trong khu dân cư.

Lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm: Phấn đấu đến năm 2020: 70% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 01 trung tâm phát hành xuất bản phẩm hiện đại; mỗi quận, huyện có ít nhất 01 cơ sở phát hành xuất bản phẩm; mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 điểm cung cấp xuất bản phẩm; kim ngạch xuất khẩu xuất bản phẩm tăng khoảng 3,0 lần so với năm 2013. Và đến  năm 2030: Toàn bộ hệ thống phát hành xuất bản phẩm phân bố đều khắp và hiện đại; kim ngạch xuất khẩu xuất bản phẩm tăng khoảng 4,5 lần so với năm 2013.

Với những giải pháp:

Về cơ chế, chính sách: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm; xây dựng và triển khai thực hiện một số dự án nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm. Về tổ chức mạng lưới xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm: Chỉ xem xét thành lập mới nhà xuất bản đối với ngành, lĩnh vực và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có nhà xuất bản; hoàn thành việc rà soát, sắp xếp lại các nhà xuất bản vào năm 2015; không thành lập mới cơ sở in trong khu dân cư và thực hiện di dời các cơ sở in ra ngoài khu dân cư; có kế hoạch từng bước đưa các cơ sở in vào khu công nghiệp; mở rộng phạm vi hoạt động của các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm ở trong nước và nước ngoài dưới nhiều hình thức. Về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước: Tăng cường nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất đối với các nhà xuất bản; các cơ sở in xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thị; khôi phục, duy trì và phát triển cơ sở phát hành xuất bản phẩm tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo; hỗ trợ, bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách của Nhà nước theo quy định của Luật xuất bản và các quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm kinh phí hoạt động đối với các nhà xuất bản và kinh phí thực hiện một số dự án; nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm.

Khuyến khích việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật; ưu tiên phát triển xuất bản phẩm điện tử.

Về nguồn nhân lực: Xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm; nghiên cứu việc mở mã ngành đào tạo, dạy nghề về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm; mã ngạch lương đối với biên tập viên hoạt động trong lĩnh vực xuất bản.

Về hợp tác với các nước và quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài: Tăng cường hợp tác, trao đổi về bản quyền, chuyên môn, nghiệp vụ và chuyển giao công nghệ với các nước có nền xuất bản, in, phát hành phát triển trong khu vực và thế giới, chú trọng đến các quốc gia, khu vực trọng điểm; đẩy mạnh quảng bá xuất bản phẩm ra nước ngoài thông qua các hoạt động phát hành, triển lãm, hội chợ và các hoạt động hợp tác, giao lưu khác; nâng cao chất lượng hoạt động, vị thế thành viên trong hiệp hội xuất bản khu vực và thế giới.

 Những thách thức đặt ra

Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Chính phủ hoạt động xuất bản đã đạt được những thành tựu quan trọng, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình trong lĩnh vực văn hoá, tư tưởng góp phần giữ vững định hướng chính trị, ổn định xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đọc của nhân dân. Tuy nhiên, những năm gần đây trước diễn biến ngày càng phức tạp của nền kinh tế và những khó khăn chung của đất nước, giai đoạn 2001 - 2010 thực hiện Quy hoạch phát triển xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm vừa qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Vậy làm sao để chúng ta không còn “lạc vào con đường cũ”, câu hỏi này không chỉ đặt ra cho các cơ quan quản lý mà chính cho các nhà xuất bản.

Trước hết là kinh tế và dân trí ở nước ta đang chuyển hoá một cách mạnh mẽ. Có thể nói chưa khi nào người ta lại chạy theo sự mưu sinh và cạnh tranh về kinh tế quyết liệt như hiện nay. Chính điều đó làm cho thị trường sách bị tha hoá bởi các mối quan hệ phức tạp, làm cho giá cả không ngừng tăng cao, thậm chí là quá cao khiến bạn đọc không thể tiếp cận được với sách. Vậy nhưng, vẫn rất thiếu những cuốn sách hay, giá trị. Điều này chính là vấn đề của các nhà xuất bản ứng xử như thế nào đối với tác giả và những định hướng trọng tâm của đơn vị mình để phù hợp với độc giả. Mỗi nhà xuất bản phải có nhà văn và độc giả của riêng mình. Ở Việt Nam hiện nay hầu như không có nhà xuất bản nào làm được điều này, duy có Nhà xuất bản Trẻ là duy trì và độc quyền được một số nhà văn có tên tuổi. 

Tiếp theo là vấn đề liên kết của các nhà xuất bản với các đơn vị tư nhân. Chính sự vô trách nhiệm của các nhà xuất bản đã tạo nên có thể nói là một “tệ nạn” cho ngành xuất bản. Đó chính là khống giá các xuất bản phẩm. Giá sách hiện nay ngoài thị trường không những cao và còn thả nổi không kiểm soát được. Nhà xuất bản không thể nắm được giá một cuốn sách của đơn vị mình khi đến tay độc giả đã được chiết khấu bao nhiêu lần. Như vậy có nghĩa là giá thực của mỗi cuốn sách là không thể xác định. Nhiều nhà xuất bản chỉ bán giấy phép và phó mặc cho đối tác liên kết, ấn loát, phát hành. Và thế là những xuất bản phẩm được in ra với giá rẻ nhất nhưng lại được bán với giá cao nhất có thể, nhằm chiết khấu cho đối tác buôn bán.

Một vấn đề nghiêm trọng nữa mà ngành nào cũng mắc phải, đó là “bệnh thành tích”, nên thường có những ấn phẩm với mục đích tuyên truyền và thể hiện tiềm lực và độ tin cậy của xã hội. Những ấn phẩm này thường in đẹp, nhiều tranh phụ bản bốn mầu; thậm chí có những cuốn kỷ yếu in toàn giấy loại tốt nhất cho sang trọng. Do vậy nhiều chuyện liên kết tay đôi với các nhà sách và nhà xuất bản đã đội giá lên rất cao, đồng thời gây ra những hệ lụy khó lường.

Chính do thị trường sách hiện có tình trạng thả nổi, nhiều hiện tượng tiêu cực ăn theo như tệ nạn sao chép, vi phạm bản quyền, làm ăn chộp giật. Nhiều cuốn sách in lậu, với những công nghệ thấp kém, làm giảm uy tín nhà xuất bản, nhưng vẫn đến tay bạn đọc. Đặc biệt những cuốn sách có vấn đề về nội dung, bị thu hồi, thường trở thành những miếng mồi béo bở cho những kẻ in lậu, bán ra công khai dẫn dụ sự tò mò và hiếu kỳ của bạn đọc. Chuyện này khó kiểm soát với những quy định và điều lệ trong liên kết xuất bản. Sự đánh lộn giữa ấn phẩm thật với giả đã tạo nên sự xa lánh của khách hàng. Để khắc phục những sự bất cập trên, chúng ta cần phải có biện pháp kiểm soát và hoàn thiện những nhà sách tư nhân cùng với cả những nội dung sách mà họ liên kết với các nhà xuất bản. Nên chăng cần có những quy trình kiểm soát ngay từ khâu in ấn về chất lượng sách, đến số lượng phát hành để sách đến tay bạn đọc với giá phù hợp với nhất. Tuy đây là chuyện khá phức tạp, nhưng chỉ có thế mới khắc phục được tình trạng giá cả tùy tiện, nhằm trục lợi cho các nhà sách. Đây là khâu có tính quyết định mang tính phát triển là làm “sạch” thị trường sách hiện nay, đồng thời nâng cao uy tín nhà xuất bản.

Để sách đến tay bạn đọc, với những cuốn sách đẹp về kỹ thuật ấn loát, hay về nội dung, với giả cả hợp lý đòi hỏi toàn ngành xuất bản phải nỗ lực rất nhiều. Tuy còn nhiều khó khăn, với sự tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, nhiều nhà xuất bản đứng trước nguy cơ đổ vỡ; nhưng không thể có con đường nào khác là phải khắc phục và hoàn thiện từng bước. Cùng với đó để ổn định và làm lành mạnh hóa thị trường sách đòi hỏi sự phối hợp giữa ngành xuất bản cùng với những cơ quan pháp lý nhà nước một cách chặt chẽ  và hiệu quả hơn. Mỗi nhà xuất bản cần có trách nhiệm đến cùng cho từng cuốn sách ở bất kỳ hình thức ấn loát và phát hành nào. Mỗi nhà xuất bản là một thương hiệu. Giá trị của mỗi thương hiệu xuất bản bao giờ cũng gắn liền với những cuốn sách có giá trị sâu sắc về nội dung và có giá trị về mỹ thuật trình bày. Đó là sự sống còn và sự phát triển dài lâu cho mỗi nhà xuất bản và góp phần tạo dựng một sự phát triển vững chãi của ngành xuất bản định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều tiềm lực sáng tạo và có sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo quần chúng là những bạn đọc chân chính và thân thiết của chúng ta.

Lê Thu Hiền

Theo Trithucthoidai




 

Bình luận