Cơm áo không đùa với... sách in

Ngày đăng: 26/02/2014 - 14:02

Chỉ có 4/64 nhà xuất bản (NXB) phát triển ổn định, còn thì tồn tại lay lắt, thua lỗ, thậm chí có những đơn vị phải "buông xuôi", dường như ngành xuất bản đang ở trong tình trạng bi đát đến cực điểm. Sự việc đồng loạt bảy NXB cùng "kêu cứu" vì không thể xoay xỏa trong bối cảnh khó khăn bủa vây tứ phía cho thấy đã đến lúc những giải pháp đưa ra không nên và không thể chỉ dừng ở mức... chung chung.

Một số sách in lậu được làm giả 100% từ các tác phẩm đã mua bản quyền của First News.

Một số sách in lậu được làm giả 100% từ các tác phẩm đã mua bản quyền của First News.

Bức tranh tối mầu

Năm 2013, thực trạng hoạt động của ngành xuất bản là một bức tranh tối nhiều hơn sáng. Theo đánh giá từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông): Sức mua của thị trường xuất bản phẩm giảm đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị xuất bản. Sách tiêu thụ chậm, nợ đọng của NXB lên cao; thu nhập của cán bộ, biên tập viên tại phần lớn nhà xuất bản rất thấp. Đáng chú ý, việc bảo đảm các điều kiện về trụ sở, nguồn tài chính cho NXB hoạt động theo Luật xuất bản chưa được cơ quan chủ quản thực hiện đúng. Phần lớn các NXB hiện nay phải tự bươn chải, nhiều đơn vị không đủ vốn để hoạt động. Một số NXB cơ sở vật chất nghèo nàn, phải đi thuê trụ sở, điều kiện làm việc còn thiếu...

Vấn đề không mới nhưng có lẽ là lần đầu tiên được đưa ra để bàn thảo một cách kỹ càng, liên quan trực tiếp đến sự sinh - tử của nhiều NXB. Đó là những tồn tại, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách trong hoạt động xuất bản như thuế đất, thuế nhà đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của NXB. "Hiện nay một số NXB chịu sức ép rất lớn từ tiền thuê đất, thuê nhà, chậm trả lương hoặc không đủ kinh phí trả lương. Thậm chí có NXB đã cho cán bộ nghỉ không lương không thời hạn. Có NXB nợ tiền thuê đất, thuê nhà mà số nợ vượt quá số vốn đăng ký hoạt động..." - đánh giá từ Cục Xuất bản, In và Phát hành.


alt

 Còn theo đánh giá về công tác chủ quản nhà xuất bản năm 2013 của Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, thống kê trong 20 nhà xuất bản thuộc mô hình doanh nghiệp trong thời gian qua có một nhà xuất bản chủ quản đề nghị trả giấy phép, dừng hoạt động; hơn một nửa trong số 19 NXB còn lại kết thúc khóa tài chính năm 2013 trong tình trạng lỗ; bốn nhà xuất bản là doanh nghiệp nhà nước đến nay vẫn chưa được chuyển đổi, trong khi Luật doanh nghiệp Nhà nước đã hết hiệu lực từ năm 2010. Năm 2014 tiếp tục có một số nhà xuất bản thuộc mô hình doanh nghiệp không được chuyển đổi mô hình sang sự nghiệp có thu sau nhiều lần kiến nghị như NXB Hà Nội, NXB Văn hóa - Thông tin... Các NXB như Thế giới (phục vụ hoạt động thông tin đối ngoại), Văn hóa dân tộc (phục vụ đồng bào các dân tộc) cùng một số nhà xuất bản địa phương tiếp tục phải hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên vốn nhà nước, mô hình được đánh giá là không phù hợp.

Những khó khăn tiềm ẩn của ngành xuất bản đã bung ra với đỉnh điểm là sự việc lãnh đạo bảy NXB, trong đó có những địa chỉ đã tạo dựng được thương hiệu đáng nể, gồm: Văn hóa - Thông tin, Thể thao, Văn học, Âm nhạc, Thế giới, Văn hóa dân tộc và Hà Nội đã cùng ký đơn kiến nghị nộp lên Bộ Thông tin - Truyền thông kêu cứu vì đã đến lúc, họ không thể chịu nổi gánh nặng chi phí trụ sở hoạt động. Bởi từ năm 2009, theo quyết định của UBND TP. Hà Nội thì các NXB có trụ sở hoạt động trên địa bàn phải nộp tiền thuê nhà 80.000 đồng/m2. Như vậy, hàng tỷ đồng mỗi năm là số tiền đương nhiên các NXB phải oằn lưng chi trả và hệ quả là đã mang đến những món nợ khổng lồ, vượt quá số vốn đăng ký hoạt động của các đơn vị này.

Cần những cơ chế đặc thù

Câu chuyện nói trên, theo ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất bản, nguyên Cục trưởng Xuất bản, là những bức xúc hợp lý và cần thiết. Theo ông, không thể đếm hết một bàn tay những NXB có thể sống được trong bối cảnh hiện nay, trong khi số đơn vị đứng trên bờ vực phá sản lại không hề ít.

Sos là thế, nhưng tìm ra một giải pháp đồng bộ để nhanh chóng đưa những NXB thoát khỏi tình trạng làm ăn yếu kém vẫn là câu hỏi đang bị bỏ ngỏ. Chưa kể, ngành xuất bản vẫn đang phải đối mặt với nạn vi phạm bản quyền, sao chép, in lậu... vốn đã kéo dài nhiều năm.

Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa, hiện thực đang là "cò gỗ mổ cò thật", một thực tế tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại kinh tế cho các NXB vốn đã vô cùng khó khăn.

Cũng theo ông Hòa, trước mắt, Cục Xuất bản kiến nghị lãnh đạo các Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Tài chính bàn các biện pháp hỗ trợ xuất bản như thuế xuất bản phẩm ở mức thích hợp hơn, chế độ ưu tiên về giá thuê nhà đất cũng như các hình thức ưu tiên và trách nhiệm của các cơ quan chủ quản đối với các NXB.

Một trong những giải pháp được đưa ra từ Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương là cần thiết tiến hành sắp xếp, lựa chọn mô hình NXB phù hợp; đồng thời chủ động xây dựng cơ chế gắn với tính đặc thù của mô hình, nhất là cơ chế dành cho mô hình doanh nghiệp NXB, tạo điều kiện cho các đơn vị này trụ vững, phát triển thành xu thế chủ đạo.

 Thanh Anh

 Theo Báo Nhân dân


Bình luận