Giới làm sách bức xúc khi First News thua kiện cơ sở đóng sách lậu

Ngày đăng: 06/09/2014 - 08:09

Nhiều người trong giới sách cho rằng, việc cơ sở đóng sách lậu thắng kiện đơn vị làm sách thật tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng hoạt động của người tâm huyết với văn hóa đọc.

Vụ việc công ty sách Trí Việt - First News kiện cơ sở đóng sách Huy Thi (Thanh Trì, Hà Nội) kéo dài từ năm 2011 đến nay. Trong nước, rất nhiều đơn vị làm sách là nạn nhân của tình trạng in sách, bán sách lậu. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có một đơn vị làm sách quyết liệt phản ứng trước tệ nạn này bằng cách nhờ đến sự can thiệp của luật pháp.

Ngày 27-8-2014, tại phiên xử của Tòa án Nhân dân Hà Nội, đại diện cơ sở đóng sách Huy Thi đưa ra các lập luận: họ chỉ là cơ sở gia công, là hộ kinh doanh cá thể được UBND TP. Hà Nội cấp giấy phép kinh doanh gia công sách sau in. Nên họ chỉ phạm lỗi là chưa hỏi rõ nguồn gốc số sách lậu mang thương hiệu First News đã tiến hành gia công. Ngoài ra, họ nhận đơn hàng qua điện thoại, sau đó mất liên lạc và giờ không biết chủ đơn hàng là ai.

 2-4873-1409367468

Hiện First News có hơn 180 đầu sách bán chạy bị in lậu tại Hà Nội. Trong đó, tủ sách Hạt giống tâm hồn bị in lậu nhiều nhất. Các tên sách như "Đắc nhân tâm", "Quẳng gánh lo đi và vui sống", cùng 18 tên sách Hạt giống tâm hồn bị in lậu và bán trên thị trường với giá cao hơn sách thật. Trong ảnh: Các đầu sách lậu nằm trong cơ sở gia công Huy Thi bị bắt quả tang.

Hội đồng xét xử cũng cho rằng: Cơ sở Huy Thi chỉ gia công sách sau in và công việc này đã được cấp giấp phép kinh doanh. Số sách của First News in lậu bị phát hiện tại cơ sở này đã được tiêu hủy, không thể phát hành ra thị trường vì thế không gây thiệt hại cho First News. Do đó, đơn kiện của First News bị bác. Nhiều người trong giới làm sách bày tỏ thất vọng về kết quả này.

"Tôi thấy cay đắng cho First News nói riêng và cho giới xuất bản Việt Nam nói chung. Nếu coi đây là vụ kiện đầu tiên về vi phạm bản quyền tại Việt Nam như báo chí từng vẫn gọi thì kết quả vụ kiện có thể được coi là kết quả tuyệt vọng của người làm xuất bản khi họ nỗ lực bảo vệ sản phẩm do mình làm ra", dịch giả Lệ Chi - chủ thương hiệu sách Chibooks - cảm thán. 

Theo bà Lệ Chi, là người trong nghề, khi mang sách đi gia công, bà đều phải làm hợp đồng đàng hoàng với đơn vị mình thuê, đồng thời ứng trước số tiền nhất định theo điều khoản hợp đồng cho đơn vị gia công. "Thật vô lý khi đơn vị được thuê gia công hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn đầu sách mà chỉ vin vào một lời đặt hàng qua loa, hai bên không quen biết nhau", bà Chi bày tỏ ý kiến.

Đồng tình với ý kiến này, cả ông Bùi Tuấn Nghĩa - Phó giám đốc NXB Kim Đồng và ông Lê Thanh Huy - Giám đốc Bách Việt Books đều bức xúc với lập luận mà họ cho rằng "hết sức phi thực tế, ngụy biện" từ cơ sở đóng sách lậu. "Một hợp đồng kinh tế thuộc lĩnh vực được quản lý chặt chẽ và với giá trị không nhỏ mà chỉ nhận hợp đồng qua điện thoại và không xem xét đến các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng thì hơi khó tin", ông Huy Lê nói.

Còn vị đại diện NXB Kim Đồng cho rằng, nếu đúng Huy Thi chỉ là đơn vị được thuê gia công sách lậu thì những người làm sách thật sự mong muốn các cơ quan chức năng xác minh, điều tra được ai là "ông chủ" thật sự đứng đằng sau thuê Huy Thi làm việc. Không ngăn chặn được triệt để người kinh doanh sách theo hướng phi pháp thì các đơn vị chân chính, tâm huyết với nghề và cả độc giả là người chịu thiệt thòi nhất.

1-4741-1409367468-7852-1409370267

Bên trên là những cuốn sách được First News - Trí Việt mua bản quyền xuất bản, phía dưới là bản in lậu của những đầu sách đó.

 

Chuyện First News thua kiện khiến nhiều người trong giới làm sách lo ngại sẽ tạo tiền lệ xấu, dung dưỡng cho các hành vi đóng, in, phát hành sách lậu vốn tồn tại như "ung nhọt" và "tội ác" trong ngành xuất bản Việt Nam nhiều năm qua.

Bà Thủy Anna, Phó giám đốc LimBooks, chia sẻ: "First News là một đơn vị làm sách mạnh mà họ còn phải khốn đốn như thế thì chúng tôi là đơn vị mới ra đời chắc chắn đáng lo lắng hơn nhiều". Thậm chí, ngay cả giám đốc một NXB lớn tại TP HCM, khi được hỏi ý kiến về vấn đề này lắc đầu từ chối vì "Nói tới nói lui hoài mà đến giờ tình hình vẫn vậy, có giải quyết được gì đâu".

Để bảo vệ mình, nhiều NXB, đơn vị làm sách đều phải tự cử nhân viên đi kiểm tra thị trường. Nhưng ngay cả khi phát hiện sai phạm liên quan đơn vị mình, họ cũng gặp khó khăn trong khâu xử lý. 

"Luật xuất bản của chúng ta chỉ đưa ra những quy định về trách nhiệm của người làm xuất bản, chứ đưa đề cập kỹ về quyền lợi của người làm xuất bản. Tức là quyền được bảo vệ khi bị xâm phạm hoặc có tranh chấp về lợi ích kinh tế, và cụ thể sẽ được bảo vệ như thế nào, mức độ xử lý ra sao đối với từng trường hợp chi tiết cụ thể... Ngoài ra, Luật xuất bản cũng chưa có đủ quy định chế tài chi tiết đối với những hành vi cung cấp dịch vụ hoặc gián tiếp xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ kiểu như nhận gia công số lượng sách lậu quy mô lớn như cơ sở Huy Thi", bà Nguyễn Lệ Chi góp ý.

Ngay cả khi người làm sách tự nâng cấp và tìm mọi cách đối phó với hàng dỏm thì ngay lập tức các "đơn vị làm lậu" cũng cho thấy họ cập nhật kịp thời xu hướng của sách thật. "Với công nghệ hiện nay, người làm sách lậu chỉ cần mua một cuốn sách thật mang đến xưởng in là ngay sau đó có được ấn phẩm y chang. LimBooks của chúng tôi bị in lậu ít nhất là 4 đầu sách với số lượng khá lớn. Sách của chúng tôi cũng như các nhà đều có dán tem chống giả nhưng cũng khó tránh được việc in lậu...", bà Thủy Anna nói. Đại diện của các đơn vị như NXB Trẻ, NXB Giáo Dục... từng "kêu cứu" khi sách lậu có cả tem chống giả y hệt như sách thật.

1-3103-1403087282-4522-1409367468

Ông Vũ Bá Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sách và thiết bị giáo dục miền Nam (trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục), tại cuộc gặp gỡ với báo chí TP HCM để kêu cức về nạn in lậu. Ảnh: Thoại Hà

Các "trùm sách lậu" cũng chọn lọc khá kỹ phương cách làm việc. Chỉ sách hot mới "được" in lậu. Và sách lậu còn lan sang cả môi trường mạng Internet với ebook để theo kịp xu thế. Tình trạng sách lậu hiện nay sẽ không thuyên giảm, mà còn mở rộng với tất cả các đầu sách, vì bây giờ xưởng in tư nhân nhiều và với công nghệ ngày nay thì việc đó càng đơn giản.

Những năm trước khi nạn in lậu hoành hành dữ dội, Bách Việt Books cũng lên tiếng nhiều lần với các cơ quan chức năng nhưng rồi thấy không đạt kết quả đáng kể mà lại rất tốn thời gian, công sức. Còn đại diện Chibooks chia sẻ tâm trạng bất lực: "... không phải đơn vị nào cũng đủ kiên nhẫn và chịu mất công sức, thời gian như First News để đi rình, bắt sách lậu. Chúng tôi chỉ biết kêu gọi độc giả ủng hộ mua sách thật, không mua sách lậu thông qua các diễn đàn, Facebook. Đồng thời giúp các khách hàng nhận biết rõ sản phẩm thật qua tem chống giả, sự khác biệt về độ sắc nét, màu sắc của bìa sách", bà Lệ Chi nói.

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc công ty sách Trí Việt - First News cho biết, đơn vị ông tiếp tục kháng cáo lên Giám đốc thẩm Tòa án tối cao vì cho rằng có sai phạm trong quá trình điều tra xét xử vụ kiện vừa qua.

"Chúng tôi cũng sẽ đưa vụ kiện này lên Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Khi một xã hội mà kẻ gian được che chở, bảo vệ thì điều đó không thể nào chấp nhận được. Bị xử thua, chúng tôi vẫn thấy mình thua mà thắng.

Chúng tôi đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để thu thập chứng cứ, điều tra và phối hợp cơ quan chức năng bắt tại trận vụ việc vô tiền khoáng hậu này đâu chỉ để khởi kiện ra tòa lấy tiền bồi thường. Những lần thắng kiện bản quyền trước đây First News đều dành tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

Điều chúng tôi mong mỏi nhất là gióng hồi chuông cảnh báo mạnh hơn nữa về vấn nạn in lậu, về chuyện ngang nhiên công khai ăn cắp bản quyền, vi phạm luật pháp, kiếm tiền bất hợp pháp, trốn thuế nhà nước... Đây là nguồn gốc sản sinh ra nhiều tiêu cực của xã hội. Chúng tôi rất mong các tác giả và NXB tự bảo vệ mình trước nạn ăn cắp bản quyền và in lậu trắng trợn kéo dài nhiều thập kỷ qua ở Việt Nam", ông Nguyễn Văn Phước nói.

Thoại Hà - Hiền Đỗ

Theo trithucthoidai.vn


Bình luận