Học tập đạo đức Bác Hồ

Ngày đăng: 18/05/2021 - 17:05

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng cuộc đời và sự nghiệp, tấm gương vĩ đại của Người mãi là một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý giá đối với chúng ta. Nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách cùng hệ thống các tác phẩm của Người có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác lý luận và thực tiễn của Đảng, Nhà nước. Do vậy, việc biên soạn, biên tập, xuất bản sách về Người có vai trò, ý nghĩa rất sâu sắc, to lớn. Xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong những năm qua, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức biên soạn, biên tập và xuất bản nhiều đầu sách quý các tác phẩm của Người cùng các công trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Người. Sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một mảng đề tài quan trọng trong hệ thống sách xuất bản của Nhà xuất bản. Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021), để tưởng nhớ vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc, Nhà xuất bản trân trọng giới thiệu một trích đoạn trong cuốn sách Học tập đạo đức Bác Hồ của Giáo sư, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Vũ Khiêu.

Cuốn sách Học tập đạo đức Bác Hồ 

 “…Yêu thương con người - nét đẹp vĩnh hằng trong chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh

Lòng yêu nước ở Hồ Chí Minh còn thể hiện ở tinh thần tôn trọng và tin tưởng ở quần chúng nhân dân. Xưa nay, các tôn giáo đều nêu lên vấn đề thương người, nhưng tôn giáo coi con người là “con cừu nhỏ bé”, là thập loại chúng sinh đau khổ, là những kẻ chìm đắm trong bể trầm luân cần được cứu vớt.

Giai cấp tư sản đi lên dưới lá cờ của chủ nghĩa nhân đạo, cũng đã nêu khẩu hiệu tôn trọng con người, đề cao trí tuệ và tài năng, đòi hỏi quyền tự do phát triển cho mỗi cá nhân. Nhưng con người mà nó muốn giải phóng chính là con người tư sản. Tự do mà nó nêu lên trước hết là tự do của thị trường, tự do đi áp bức và bóc lột. Tôn trọng con người đã trở thành đề cao cá nhân đi đôi với sự khinh rẻ quần chúng.

Ở Hồ Chí Minh thì khác. Con người đáng được yêu quý và đáng tôn trọng nhất chính là đông đảo quần chúng nhân dân. Không gì vẻ vang và sung sướng cho bằng đem cả cuộc đời mình phục vụ cho tự do và hạnh phúc của những con người ấy.

Quần chúng nhân dân là lực lượng to lớn nhất để cải tạo thiên nhiên và xã hội. Lòng tôn trọng con người phải biểu hiện ở chỗ tin tưởng quần chúng, học hỏi quần chúng và tổ chức quần chúng lại.

Lòng tôn trọng con người của Hồ Chí Minh biểu hiện ở chỗ Người luôn luôn xác định “là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Ở một cương vị cao nhất của xã hội, Người vẫn nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”1.

Người rất ưa thích khí phách anh hùng và thái độ tôn trọng con người trong hai câu thơ của Lỗ Tấn:

Hoành mi lãnh đối thiên phu chỉ,

Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu

(Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ

Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng2 )

Người chiến sĩ cách mạng trước kẻ địch hung dữ đến đâu vẫn “trợn mắt xem khinh”, còn đối với quần chúng nhân dân thì cúi đầu làm trâu ngựa. Nó hoàn toàn trái ngược với những kẻ đối với kẻ thù thì bạc nhược, đối với toàn dân thì lên mặt vênh váo.

Bởi Người đã đối xử với nhân dân với tấm lòng tận trung, tận hiếu như thế nên quần chúng nhân dân cũng đã dành cho Người những tình cảm thiêng liêng và sâu sắc nhất. Đúng như đồng chí Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Tình cảm của Hồ Chủ tịch đối với dân tộc và tình cảm của dân tộc đối với Hồ Chủ tịch là điển hình mẫu mực của mối quan hệ giữa lãnh tụ và quần chúng...”3. Tình cảm qua lại đó đã kết hợp thành một sức mạnh vô cùng to lớn, sức mạnh của đạo đức trong cách mạng Việt Nam.

Tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh đòi hỏi hành động của con người phải xuất phát từ một ý đồ tốt đẹp. Người đòi hỏi cán bộ và nhân dân ta phải tận trung với nước, phải chí hiếu với dân. Những tình cảm tốt đẹp này không thể chỉ giấu kín ở trong lòng hoặc thể hiện qua những hành động vô hiệu quả hoặc có hại.

Hồ Chí Minh đặt vấn đề đạo đức gắn liền với hành động: “Quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết tâm trong công tác, trong hành động”4.

Con người có đạo đức khi nhận một nhiệm vụ trước Đảng, trước nhân dân, phải thấy đó là sự ủy thác thiêng liêng, phải đem toàn tâm, toàn ý vào công việc, phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong thái độ, trong tư tưởng, trong hành động, trong chiến đấu, bất kỳ một việc lớn hay nhỏ đều phải có quyết tâm làm cho bằng được”5.

Phải làm cho bằng được mọi việc lớn hay nhỏ. Cách mạng đòi hỏi phải có hiệu quả công tác chứ không phải chỉ có nhiệt tình và hăng say là đủ. “Người cán bộ tốt nhất thiết phải là người hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì vậy, phẩm chất và tài năng của cán bộ phải được đánh giá bằng kết quả công tác thực tiễn, qua việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể được giao”6.

Tiêu chuẩn đạo đức hết sức đúng đắn này nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm ở mỗi người. Với tiêu chuẩn ấy, người chiến sĩ quyết tâm diệt địch, người công nhân cố gắng làm vượt mức chỉ tiêu sản xuất, người nông dân tìm mọi cách để tăng năng suất, tạo ra nhiều lương thực cho đất nước, người trí thức say mê trước công trình nghiên cứu. Mọi người đều lo lắng cho kết quả công tác của mình bởi phẩm chất đạo đức thực sự của mình chính là ở kết quả đó. Dư luận xã hội sẽ chê trách và lương tâm sẽ cắn rứt đối với những ai không hoàn thành nhiệm vụ. Dù có bằng những lời lẽ hay ho đến đâu để chứng minh lòng trung thành, để tỏ rõ nhiệt tình, để đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan thì vẫn cứ là mất đạo đức nếu như không hoàn thành nhiệm vụ, nếu như làm hỏng kế hoạch, bỏ lỡ chương trình, nếu như lãng phí hoặc ăn cắp của công gây thiệt hại cho Nhà nước, cho nhân dân.

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, khi xuống tàu Đô đốc Latútxơ Tơrêvin làm phụ bếp để ra nước ngoài tìm đường cứu dân, cứu nước, ngoài chút kiến thức học được ở nhà trường và đôi bàn tay sẵn sàng làm đủ nghề “miễn là lương thiện” để sống và hoạt động, hành trang của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ là lòng yêu nước và yêu thương con người sâu sắc. Hành trang giản dị ấy nhưng lại là kết tinh của truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, được bổ sung bằng mồ hôi và máu của những phu Cửa Rào, phu đồn điền cao su Lộc Ninh, của hàng loạt những sĩ phu đã bỏ mình vì nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp đầu thế kỷ; truyền thống ấy có lời hát ru của bà, có làn điệu ngọt ngào, da diết của dân ca xứ Nghệ... Tất cả sâu lắng trong lòng Anh, được chính Anh bổ sung, nâng cao và hoàn thiện suốt đời, trở thành lòng nhân ái bao la Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và đặc biệt là nhận thức từ thực tiễn đấu tranh của các dân tộc, có dịp so sánh những người Pháp ở Pháp với những tên thực dân Pháp ở Đông Dương, hòa mình vào cuộc sống của những người lao khổ ở khu Hắc Lem, thành phố Niu Oóc..., Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận quan trọng: trên đời này có hai hạng người là người thiện và người ác, hai thứ việc: việc chính và việc tà. Trải qua quá trình mười năm tìm tòi, khảo nghiệm, năm 1920, khi bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở đây con đường giải phóng dân tộc, tìm thấy cái cẩm nang để giải phóng triệt để con người. Đó là độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bởi theo Người, tình yêu thương con người không thể chung chung, trừu tượng mà thiết thực, cụ thể, trước hết dành cho người mất nước, người cùng khổ. Chính vì vậy, Người dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh cho con người thoát khỏi áp bức, bất công. Với Hồ Chí Minh, tình yêu thương con người là không biên giới. Trước hết, Người lo cho dân tộc của Người và sau đó, Người lo cho tất cả những kiếp người trên hành tinh còn bị đọa đầy, đau khổ, bởi vì: “Họ là thân thích ruột già, công nông thế giới đều là anh em”.

Tư tưởng yêu thương con người được Hồ Chí Minh nêu lên và vận động mọi người cùng thực hiện suốt cả cuộc đời. Cho tới trước lúc đi xa, trong lời Di chúc, khi để lại: “muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” và “gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên nhi đồng quốc tế”7. Người vẫn ân cần nhắc nhở toàn Đảng phải tiếp tục chăm lo cho con người. Trước hết là những người đã hy sinh một phần xương máu cho công cuộc kháng chiến, là cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ, là bà con nông dân, là thanh niên, phụ nữ... lo cho hiện tại, lo đào tạo cho tương lai. Ngay cả “với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v., thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”8.

Tình yêu thương con người của Bác là rất cụ thể, từ việc to như lo giải phóng cho con người, khuyến khích: “phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi”9, đến việc chăm lo từng con người cụ thể, không chỉ: lụa tặng cụ già, sữa tặng bà mẹ sinh ba, mà là từng bát cơm, manh áo, từ chỗ ở, việc làm để an cư, lạc nghiệp đến tương cà, mắm muối hằng ngày cho nhân dân. Bác lo cho cả dân tộc và chăm lo cho từng chiến sĩ bảo vệ, phục vụ quanh Người. Theo Bác, yêu thương con người là phải tôn trọng, quý trọng con người. Bác đánh giá cao vai trò của nhân dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”10. Bác tôn trọng từ các nhà khoa học, các bậc hiền tài cho tới những người lao công quét rác, bởi theo Bác, từ chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau. Theo Bác, yêu thương con người là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Năm 1968, khi làm việc với cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương về việc xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, nhằm tuyên truyền sâu rộng những gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, trong ứng xử giữa những con người, Bác Hồ đã nhắc nhở: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”11. Lòng yêu thương con người của Hồ Chí Minh được thể hiện qua rất nhiều câu chuyện mà câu chuyện “Cây xanh bốn mùa”12 là một ví dụ cụ thể:

Mặc dù là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, nhưng Bác Hồ luôn dành thời gian quan tâm đến các tầng lớp đồng bào. Dù đôi khi đó chỉ là những hành động tưởng chừng nhỏ bé và thật bình dị, thế mà qua đó ta càng hiểu tấm lòng của Bác bao la đến nhường nào. Không cần ầm ĩ, không cần ồn ào, chỉ là việc Người đem từ nước bạn một loại cây về làm giống mà khiến ai ai biết câu chuyện đều cảm động và thấy Người thật lớn lao.

Bác Hồ rất thông cảm với sự vất vả của nhân dân. Tìm hiểu cụ thể đời sống của nhân dân, của những người lao động là một nếp làm việc quen thuộc của Bác. Một hôm, Bác gọi đồng chí phục vụ đến và nói:

- Có những đêm nằm nghỉ nghe thấy tiếng chổi tre quét đường phố rất khuya, Bác nghĩ rằng mùa đông, các cô chú công nhân quét đường vất vả lắm. Chú thử tìm cách điều tra cụ thể rồi nói lại cho Bác biết.

Vâng lời Bác, một đêm nọ, đồng chí phục vụ lững thững dạo theo hè phố từ lúc người công nhân bắt đầu làm việc cho đến lúc dừng tay. Một tối làm việc như vậy họ phải đi đoạn đường khá dài, làm việc thầm lặng và rất vất vả.

Câu chuyện công việc của người công nhân quét đường trong đêm đông được báo cáo lại với Bác rất tỉ mỉ.

Nghe đồng chí phục vụ nói, Bác suy nghĩ hồi lâu rồi bảo:

- Chú nhớ nhắc những cơ quan có trách nhiệm phải có chế độ cấp phát quần áo lao động để bảo vệ sức khỏe cho các cô các chú ấy, nhắc nhở cán bộ phụ trách các cấp phải quan tâm đúng mức đến anh chị em làm nghề vất vả này.

Thời gian trôi qua...

Lần ấy, Bác có việc đi sang nước bạn. Nước bạn đang mùa đông lạnh giá, hầu hết cây cối đều trụi lá. Người bỗng phát hiện ra một loài cây vẫn xanh. Bác hỏi cán bộ địa phương, được biết đúng là loài cây có sức sống tốt, bốn mùa đều xanh tươi. Người quyết định xin giống cây ấy mang về Việt Nam. Về nước, Bác trao giống cây đó cho người làm vườn và nói:

- Đây là loại cây mà mùa đông ít rụng lá. Chú trồng thử xem. Nếu chịu được khí hậu nước ta và xanh tốt thì sau này đem trồng dọc các đường phố, mùa đông vừa có cây xanh, vừa đỡ vất vả, đỡ tốn công cho anh chị em công nhân quét đường.

Đến đây thì ta đã hiểu được tấm lòng của Bác. Chỉ tình cờ biết được một loại cây bốn mùa xanh tốt mà Bác nghĩ ngay đến “anh chị em công nhân quét đường” chứng tỏ không phút giây nào Bác nguôi lo lắng và quan tâm đến đồng bào mình. Đường đường là Chủ tịch nước bộn bề việc nước, việc nhà nhưng Bác chưa bao giờ quên và thậm chí là thấu hiểu nỗi khổ của các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Bác muốn sẻ chia và phần nào giúp nhân dân bớt đi gánh nặng dù chỉ là việc “đỡ tốn công cho anh chị em công nhân quét đường”.

Trong Phủ Chủ tịch, gần nhà sàn của Bác, hiện vẫn còn loại cây trên, không rõ tên khoa học của loài cây ấy là gì, anh chị em vẫn thường gọi là “Cây xanh bốn mùa”.

Yêu thương con người vận dụng vào trong Đảng, trong tổ chức là phải “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác kể lại: Vào dịp tháng 5 các năm 1966, 1968, 1969, Bác đều cho mang bản Di chúc đã viết năm 1965 ra để bổ sung, sửa chữa. Năm 1966, bên cạnh câu đã đánh máy từ năm 1965: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, Bác ghi thêm vào cùng dòng câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Chỉ một dòng này thôi, cho thấy sự trăn trở của Người về việc không ngừng rèn luyện đạo đức cho mỗi cán bộ, đảng viên. Trong bản tự tay đánh máy năm 1965, Bác gạch chân năm chữ: Tự phê bình và phê bình. Song dường như việc nhấn mạnh, kể cả đặt chữ tự phê bình lên trước phê bình chưa làm Người yên tâm, nên năm 1966, Người bổ sung thêm câu: phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đây chính là đòi hỏi xác định động cơ, hay nói chính xác hơn là cái tâm của người phê bình. Bởi khi phê bình nhau, cần đúng lúc đúng chỗ đã khó, song mục đích phê bình để giúp đỡ nhau tiến bộ mới quan trọng hơn, cái vũ khí phê bình ấy phải trở thành văn hóa phê bình, chứ không phải là cớ để sát phạt, bới móc nhau”.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.187.

3. Phạm Văn Đồng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại”, Tạp chí Học tập, số 5, 1970, tr.19.

2,4,5.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.50, 482.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.34, tr.33.

7,8,9,11: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.613, 617, 672, 668.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.453.

12. Trích trong Bao la nhân ái Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994.

        Trích trong cuốn sách: Vũ Khiêu: Học tập đạo đức Bác Hồ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.31-42.

Bình luận