Khó giữ bản quyền vì giá sách cao

Ngày đăng: 07/11/2013 - 13:11

Vừa qua, một văn bản của một trường cao đẳng đã gây xôn xao dư luận vì nó ngang nhiên vi phạm các quy định về bản quyền khi đề nghị sinh viên mua sách dạy ngoại ngữ do trường này tự sao chép từ sách gốc. Đã vậy, vụ việc này lại được nhiều sinh viên trên ủng hộ.

 Kho giu ban quyen

Các chương trình bán sách giảm giá luôn thu hút bạn đọc

Văn bản vi phạm bản quyền

Thư viện một trường cao đẳng tại miền Trung đã làm một công văn gửi đến các sinh viên trong trường với nội dung: “Để triển khai dạy học tiếng Anh theo Khung trình độ năng lực ngôn ngữ châu Âu (CEFR), nhà trường thông báo để toàn thể sinh viên đăng ký và mua tài liệu tiếng Anh (bản photocopy) phục vụ học tập như sau…”. Đi kèm là danh sách 6 cuốn sách dạy tiếng Anh. Văn bản thậm chí còn có cả chữ ký của hiệu trưởng. Trong số sách đó có 4 cuốn hiện do Công ty cổ phần Phát hành sách TP. Hồ Chí Minh (Fahasa) giữ bản quyền nhập khẩu tại thị trường Việt Nam. Theo Fahasa, hành vi của trường cao đẳng trên đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về Luật sở hữu trí tuệ.

Thực tế, tại TP. Hồ Chí Minh, ở các trường đại học - cao đẳng, rất nhiều sinh viên đã và đang sử dụng bản photocopy các ấn bản sách dạy ngoại ngữ trên. Thậm chí, vào các cửa tiệm photocopy xung quanh một số trường đều có thể dễ dàng tìm mua các ấn bản đã được photocopy sẵn. Tuy nhiên, vi phạm đến mức có cả văn bản chính thức của nhà trường hướng dẫn như chuyện ở trường cao đẳng nói trên vẫn là trường hợp hiếm hoi. 

Sách dạy ngoại ngữ giá cao chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Đây cũng là dòng sách bị in lậu nhiều nhất thời gian qua và được coi là “nguồn sống chủ lực” của nhiều đầu nậu in sách lậu. 

Khác với các vụ vi phạm bản quyền ở những trường dạy ngoại ngữ đã bị phát hiện, xử phạt thời gian qua vốn nhận được sự ủng hộ của dư luận, thì việc vi phạm bản quyền ở các trường đại học - cao đẳng lại nhận sự thông cảm, thậm chí từ chính những người kinh doanh sách. Về điều này, giám đốc một đơn vị phát hành cho biết: Việc các trường ngoại ngữ lấy sách gốc sao chép, chất lượng thấp lại bán bằng hoặc cao hơn giá sách gốc cần phải nghiêm trị. Ngược lại, ở các trường đại học - cao đẳng, giá sách quá cao so với khả năng của nhiều sinh viên nên sách photocopy mới có đất sống. 

Nhu cầu sách giá rẻ 

Theo ông Phạm Minh Thuận, Tổng giám đốc Fahasa, giá sách nhập khẩu hiện nay theo đúng giá sách quốc tế nhập về. Đối với bạn đọc nước ngoài, giá cả như vậy là phù hợp, nhưng với bạn đọc trong nước, nhất là học sinh, sinh viên thì mức giá như vậy là quá cao. 

Hiện nay, do nhu cầu học tập trong nước đã có sự kết nối chặt chẽ với quốc tế nên sách nhập về đều là sách mới nhất. Thế giới vừa ra ấn bản nào là trên thị trường trong nước đã có ấn bản đó, nên giá sách cũng bị buộc phải bằng với giá sách bán ở các nước. 

Ông Phạm Minh Thuận cho biết thêm, nhiều trường hợp sách mới nhưng bán ở Việt Nam giá còn thấp hơn các nước do các NXB có sự ưu ái, hỗ trợ cho thị trường Việt Nam. Những bản sách có sự hỗ trợ đó thường có đóng mác “Only in Vietnam” (Chỉ dành cho thị trường Việt Nam). 

Đã có nhiều giải pháp được nêu ra để tìm cách giảm giá sách ở trong nước, nhất là dòng sách dạy ngoại ngữ, như việc đề nghị với các nhà xuất bản nước ngoài in sách trực tiếp trong nước. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, các biện pháp này đều không thực hiện được. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Loan, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Fahasa, trước mắt, để có thể mua sách với giá rẻ, các trường có thể liên hệ trực tiếp với Fahasa hoặc các đơn vị kinh doanh sách khác để được giảm giá. Mức giảm cao hay thấp tùy thuộc vào số lượng nhưng ít nhất có thể giảm được 10%-20% hoặc nhiều hơn tùy số lượng so với giá bìa. 

TƯỜNG VY 

Theo SGGP


Bình luận