Không thể vì lợi nhuận mà tác động xấu đến trẻ em

Ngày đăng: 14/05/2015 - 09:05

Từ cuối quý I-2015, một số đơn vị xuất bản đã bắt đầu khởi động chiến dịch "Tháng sách hè 2015"; thậm chí một số ấn phẩm có kế hoạch chuẩn bị truyền thông từ trước với tinh thần sẵn sàng chiếm lĩnh tháng cao điểm về sách khi năm học sắp kết thúc, và quà tặng trẻ em bằng sách là lựa chọn của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, đúng lúc này, chất lượng một số cuốn sách cho thiếu nhi lại đang là tiêu điểm phê phán của dư luận.

4-2015 019

Độc giả nhỏ tuối tại Hội chợ sách chào mừng Ngày sách Việt Nam (21-4) tại Hà Nội. Ảnh Lan Hương.

Các năm gần đây, thị trường sách cho thiếu nhi được coi là thị trường màu mỡ của nhiều đơn vị xuất bản, bởi nhu cầu trên thực tế khá lớn. Về tâm lý chung thì người lớn có thể tiết kiệm tiêu dùng cho bản thân, song lại thường không tiếc tiền với con cái, nhất là mua sách tặng con. Nắm bắt được tâm lý đó, nếu trước kia chỉ một số nhà xuất bản gắn bó với mảng sách dành cho trẻ em, thì đến nay, nhiều đơn vị làm sách chuyển hướng phát triển thêm mảng này.

Sẽ không có gì lạ khi những bộ sách truyện cổ tích Việt Nam, truyện cổ tích thế giới xuất hiện tràn ngập trên thị trường. Môtíp chung của nhiều cuốn sách trong số đó là nội dung sơ lược nhưng lại kèm theo tranh minh họa bắt mắt, in thành bộ từ năm đến 10 cuốn, đóng thành túi quà, mà giá cả lại phải chăng. Bên cạnh "mỏ" truyện cổ tích, các đơn vị xuất bản mở rộng khai thác "mỏ" ca dao, truyện cười, câu đố dân gian. Ðơn vị có chiến lược lâu dài hơn thì khai thác mảng sách về kỹ năng, sách văn học trong nước và quốc tế; thời gian gần đây là truyện tranh (thường là thể loại comic, manga của Nhật Bản). Bởi vậy, thị trường sách cho thiếu nhi lại càng thêm sôi động, như trái ngược hẳn với cảnh "ảm đạm" của thị trường sách văn học dành cho người lớn.

Tuy nhiên, sự phát triển nở rộ của thị trường sách thiếu nhi đang dẫn đến nguy cơ: lượng thì tăng mà chất thì giảm.

Trên thực tế, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện đọc, thẩm định mỗi cuốn sách trước khi mua cho con đọc, họ thường đặt niềm tin vào sách do đơn vị có uy tín trong ngành xuất bản in ấn, phát hành. Bởi vậy, khi phát hiện trong cuốn sách con mình đọc có nội dung bạo lực, đồi trụy, phản giáo dục... thì rất nhiều phụ huynh không giấu nổi sự bức xúc, phẫn nộ. Như trên một diễn đàn Internet, có phụ huynh bày tỏ: "truyện cổ tích tôi được đọc nội dung rất hay, lời văn đã rất văn rồi. Nếu các nhà biên soạn không thể làm cho nội dung truyện trở nên nhân văn hơn, và diễn đạt hay hơn thì làm ơn hãy để nguyên bản, đừng vì sức ép phải đổi mới mà làm cho các câu truyện trở nên lố bịch như vậy.

Là nhà biên soạn mà hành văn lại không có tí chất văn nào cả"! Và đọc báo có thể gặp nhiều bài viết mà nhan đề đã cho thấy phản ứng gay gắt đối với hiện tượng này, như: Sách thiếu nhi dùng ngôn từ phản cảm, minh họa không phù hợp, Sách thiếu nhi phản cảm "đầu độc" học sinh tiểu học, Phụ huynh lắc đầu ngán ngẩm vì ngôn từ phản cảm trong sách thiếu nhi, Truyện tranh thiếu nhi phản cảm với cảnh người lớn, Khi sách thiếu nhi cũng... "sốc, sex", Hết hồn khi đọc sách, truyện thiếu nhi, Những chiêu trò không thể nhảm nhí hơn trong sách thiếu nhi, Trẻ bị đầu độc vì... đọc sách nhảm, Bức xúc với nội dung nhảm nhí của sách thiếu nhi...

Xin dẫn lại từ nội dung được gọi là "thử thách trí tuệ" với những câu hỏi - đáp như sau: hỏi "Người nào suốt ngày xoa vào mông người khác?", đáp án "Y tá tiêm cho bệnh nhân"; hỏi: "Anh A bị chặt đầu lúc 40 tuổi, vậy con cái anh A bị làm sao?", đáp án: "Bị mồ côi"; hỏi: "Ðánh vào chỗ nào thì sẽ không có cảm giác đau?", đáp án: "Ðánh vào người khác"; hỏi: "Anh Phong và chị Vân đã kết hôn rồi nhưng sao lúc hẹn hò vẫn phải lén lén lút lút sợ người khác thấy?", đáp: "Vì mỗi người đều hẹn hò với một người khác"; hỏi: "Bạn có thể kể tình hình cơ bản nhất của các tác gia vĩ đại trong thế kỷ 18?", đáp án: "Họ đều mất rồi"; hỏi: "Niutơn nói gì khi phát hiện ra trái đất có lực hút?", đáp án: "á, đau chết đi được",...! Ðọc các câu hỏi - đáp đã dẫn, chắc chắn là nhiều người sẽ ngạc nhiên và... kinh hãi, vì không hiểu mục đích của việc hỏi đáp nhằm hướng tới điều gì. Xin thưa, đây mới chỉ là trích một phần nhỏ từ một bộ sách dành cho thiếu nhi, được nhiều nhà xuất bản phát hành, được tái bản nhiều lần, và lọt vào danh mục các cuốn sách bán chạy hiện đang xuất hiện tràn lan trên thị trường, với tên gọi: Hỏi đáp nhanh trí. Không biết tiêu chí "nhanh trí" được người làm sách đặt ra là căn cứ vào đâu, mà chỉ thấy tràn ngập trong cuốn sách là những "kiến thức" rất đáng sợ như vậy?

Thêm nữa là bài đồng dao "Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng" trích từ bộ sách Ðồng dao dành cho trẻ mầm non (do NXB Mỹ thuật và Nhà sách Ðinh Tỵ ấn hành): "Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng - Ðẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi - Ông Nhăng bảo để mà nuôi - Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro - Ông Nhăng bảo để bà kho - Bà Nhăng đập chết đem cho láng giềng - Có kho thì kho với riềng - Ðừng kho với ớt tốn tiền uổng công"! Có người gọi đây là bài đồng dao nhảm nhí vì nội dung vô bổ, thậm chí còn có hơi hướng bạo lực. Ðành rằng, trong dân gian có rất nhiều bài đồng dao mang tính giải trí thuần túy, nhưng thiết nghĩ, khi lựa chọn để in thành sách cho trẻ em ở thời hiện đại thì người biên soạn cũng nên cân nhắc lựa chọn bài đặc sắc, có tính giáo dục và phù hợp với lứa tuổi này.

Ảnh minh họa

Mới đây, bộ sách Kiến thức dành cho thiếu nhi từ 6 - 12 tuổi của một nhà xuất bản có danh tiếng cũng bị nhiều bậc phụ huynh phản đối vì trong sách xuất hiện những nội dung phản giáo dục. Như ở trang 129 tập 1 của bộ sách đặt câu hỏi: "Làm thế nào để gian lận", và đã trả lời như sau: "Thu tất cả các câu trả lời vào máy thu âm và nói với cô giáo rằng, bạn đang cố giảm bớt căng thẳng bằng cách nghe nhạc qua tai nghe; viết đáp án lên tay áo của bạn; dán bìa sách giáo khoa lên bìa sách hướng dẫn giải bài tập và dùng nó như sách giáo khoa; kết bạn với một bạn học khác lớp, người đã làm bài kiểm tra ấy trước đó". Thậm chí, trong cuốn sách còn đưa ra một "chiêu thức" để dạy học sinh cách làm thế nào để gian lận là... "Giả vờ ngất xỉu"! Không chỉ có nội dung phản giáo dục, một số cuốn sách cho lứa tuổi tiểu học không hiểu vô tình hay cẩu thả, đã đăng tải những bức minh họa "mát mẻ", thậm chí cảnh giường chiếu phản cảm mà người lớn xem cũng còn phải thấy đỏ mặt. Thế nhưng lại có người bênh vực khi cho rằng đó là một cách dạy giáo dục giới tính cho trẻ! Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Minh Tuấn - Trung tâm tư vấn tâm lý Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh phân tích: "Khi xem những hình ảnh đó sẽ tạo cho các em cảm giác tò mò, từ đó dễ dẫn tới khả năng tự khám phá thì vô cùng nguy hiểm". Ðiều đó cho thấy, thị trường sách cho thiếu nhi đang bộc lộ rất nhiều vấn đề bất cập khiến dư luận bức xúc.

Biên tập nội dung cẩu thả lại sai lạc kiến thức, nhiều tranh minh họa mang mầu sắc bạo lực, tính dục,... đó là tình trạng thể hiện rất rõ qua một số tác phẩm dành cho trẻ em. Vì thế một câu hỏi đặt ra là: Tại sao những cuốn sách như vậy vẫn được cấp phép xuất bản? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Những cuốn sách này đến tay trẻ sẽ nguy hại như thế nào? Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhận định: "Ðó là tác hại về lâu dài, âm ỉ, ngấm dần, làm tha hóa con người, đặc biệt rất xấu với trẻ con, học sinh; làm giảm lòng tin của cộng đồng đối với ngành nghề xuất bản nước nhà, gây khó khăn kinh tế cho tác giả, nhà xuất bản làm ăn nghiêm túc, đồng thời tác động làm giảm uy tín của những nhà xuất bản chân chính".

Theo số liệu của Cục Xuất bản - In - Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) hiện cả nước có khoảng 20 nhà xuất bản tham gia xuất bản sách dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng với khoảng 5.000 cuốn/năm (chiếm khoảng 17% tổng số sách toàn ngành), chủ yếu ở các thể loại: sách thiếu nhi; sách tham khảo học sinh; từ điển các loại; sách văn học; sách ứng xử, kỹ năng sống; sách khoa học tự nhiên, xã hội,... Tại hội thảo Những cuốn sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục thanh thiếu niên tổ chức ngày 21-1 vừa qua, Báo cáo của Phòng Quản lý xuất bản (Cục Xuất bản - In - Phát hành) đã chỉ rõ ba vấn đề còn tồn tại trong xuất bản sách cho thanh thiếu niên và nhi đồng hiện nay gồm: sách vi phạm quy định pháp luật về xuất bản (có nội dung bạo lực, vi phạm văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam...); sách có nội dung vô bổ, nhảm nhí, không có giá trị giáo dục và sách có nội dung giáo dục nhưng không được biên tập kỹ, dẫn đến sai sót, gây phản cảm... Rõ ràng trách nhiệm đối với những sai phạm trong xuất bản trước hết thuộc về đơn vị xuất bản, mà cụ thể là do đội ngũ cán bộ biên tập có trình độ yếu, công tác hậu kiểm lỏng lẻo, cán bộ quản lý không sâu sát, tâm lý chạy theo thị trường của nhà xuất bản và đối tác liên kết...

Ðược biết, hiện có nhà xuất bản chỉ có chín cán bộ biên tập cơ hữu, và mặc dù có thêm gần 70 cộng tác viên tham gia công tác biên tập, nhưng với số lượng bản thảo từ 350 đến 400 cuốn sách mỗi năm thì rất khó có thể bảo đảm chất lượng của từng đầu sách. Ðó là chưa nói có nhà xuất bản biên chế chỉ vỏn vẹn năm biên tập viên nhưng cấp tới cả nghìn giấy phép xuất bản trong một năm! Tình trạng bán giấy phép, cấp phép ồ ạt cũng là một trong các nguyên nhân quan trọng khiến ấn phẩm kém chất lượng có điều kiện xuất hiện trên thị trường. Và hiển nhiên, khi kinh doanh sách dành cho trẻ em, nếu nhà xuất bản và đối tác liên kết chỉ quan tâm đến lợi nhuận, thì khó có thể nói chất lượng ấn phẩm không bị coi nhẹ, nếu không nói bị xem thường.

"Trẻ em là tương lai của đất nước"; "hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em"... đó là các khẩu hiệu xuất hiện ở mọi nơi mà cơ sở của nó là quan điểm, chính sách thiết thực của Nhà nước đối với trẻ em. Ðể vấn đề sớm trở thành hiện thực, cần bắt đầu từ việc làm của ngày hôm nay, thể hiện trong mọi lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa, pháp luật,... trong đó không thể không kể đến lĩnh vực xuất bản sách cho thiếu nhi. Dọn sạch "rác sách" làm ô nhiễm tâm hồn trẻ thơ là mong muốn không chỉ của các bậc phụ huynh, mà còn là nguyện vọng của toàn xã hội. Trẻ em như tờ giấy trắng, tiếp xúc với các ấn phẩm được coi là văn hóa mà lại không lành mạnh, phản giáo dục, sẽ có nguy cơ khiến cho trẻ em sớm bị lệch lạc trong nhận thức chung về xã hội và về hành xử trong cuộc sống hằng ngày. Những cuốn sách có khi rất mỏng, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn trong việc nuôi dưỡng, hình thành nhân cách của trẻ. Vì vậy, rất cần sự chấn chỉnh nghiêm khắc, kịp thời của các cơ quan chức năng trong hoạt động xuất bản để dọn sạch "rác sách" và mang lại cho trẻ thơ những cuốn sách bổ ích. Thiết nghĩ, đó là một việc làm thiết thực để chúng ta xây đắp cho tương lai của chính chúng ta.

THÀNH NAM

(Theo Nhân dân)

 

 

 

Bình luận