Lộn xộn từ biên tập đến phát hành

Ngày đăng: 02/12/2014 - 15:12

Quy trình xuất bản dù liên kết hay không liên kết đã được quy định khá khoa học, chặt chẽ. Tuy nhiên, các quy định này đang bị xem nhẹ, bỏ qua, thậm chí là phó mặc cho đối tác thực hiện toàn bộ quá trình xuất bản, gây nên nhiều hệ lụy. Vì sao?

4b71f076dad5f21be764f94305cd6600 L

Các bên liên quan đổ lỗi cho nhau về những sai sót trong bộ sách của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Duyệt một đằng, in một nẻo

Dư luận còn chưa hết xôn xao về cuốn "Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh" với những định nghĩa hết sức ngô nghê và ngớ ngẩn, lại "phát hoảng" với cuốn "Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014" có in hình cắt ghép diễn viên hài Công Lý trên trang bìa. Với sự cẩu thả không thể chấp nhận được của đối tác nhà xuất bản (NXB) Lao động - Xã hội, ở đây là nhà sách Lao động, cùng ê-kíp trình bày và làm bìa, đã tạo làn sóng phẫn nộ đối với những người liên quan việc đưa cuốn sách này ra thị trường. Ông Nguyễn Hoàng Cầm, Giám đốc NXB Lao động - Xã hội cho biết, bìa, tên sách được in không đúng với trước đó đã duyệt, và cũng chưa có quyết định phát hành thì đối tác đã đưa sách đi bán. Đồng thời ngày 22-7-2014, khi phát hiện những sai phạm trong quá trình liên kết in ấn với Nhà sách Lao động, NXB này đã gửi công văn yêu cầu nhà sách nói trên thu hồi ngay toàn bộ 500 cuốn sách đã in ấn và phát hành. Tuy nhiên, một cuốn sách ra đời phải qua biên tập viên, rồi trình giám đốc NXB, đồng thời có quyền bác bỏ cuốn sách nếu không phù hợp. Rõ ràng, đối tác liên kết đã không chỉ đùa giỡn một vấn đề nghiêm túc, mà công tác biên tập, kiểm duyệt cũng cẩu thả.

Đáng tiếc, những vụ việc như vậy đã trở thành vấn nạn đòi hỏi các NXB phải cẩn trọng và sát sao hơn sau khi đã trao giấy phép xuất bản cho phía đối tác. Trong "làng" xuất bản, NXB Hội Nhà văn là đơn vị nhiều lần gặp rắc rối về chuyện tác giả cố tình cho thêm nội dung vào cuốn sách, hoặc để nguyên phần nội dung biên tập viên đã cắt. Đơn cử cuốn "Cảm nhận văn chương", tập tiểu luận phê bình của tác giả Nguyễn Xuân Dương, bị đình chỉ phát hành do có nhiều đánh giá chủ quan về một số nhà văn. Là người trực tiếp cắt những phần sai sót về nội dung, ông Nguyễn Văn Sơn, biên tập viên NXB Hội Nhà văn cho rằng, lỗi là do cháu ông Dương đã gửi bản text chưa biên tập đi in. "Vào ngày 1-11-2014 chúng tôi đã phối hợp với cán bộ phường Vệ An, CLB Thơ phường Vệ An (TP. Bắc Ninh) thu hồi, tiêu hủy toàn bộ số sách. Trước đó, tôi cũng làm cuốn "Bến lũ Hàn Giang" cho ông Nguyễn Thế Trường ở Hải Dương, những phần tôi đã cắt đi thì tác giả cố tình đưa vào. Đó là những việc làm hết sức nguy hiểm", ông Sơn bày tỏ.

Sống nhờ bán giấy phép

Để một cuốn sách ra đời có nhiều cách liên kết: giữa NXB với tác giả, giữa NXB với công ty sách tư nhân, hay một số "cò sách" kết nối tác giả - NXB - nhà in theo một quy trình khép kín và hưởng chênh lệch... Tuy nhiên, quy định thì chặt chẽ, nhưng thực tế lại hết sức lỏng lẻo, thậm chí nhiều NXB phó mặc cho đối tác liên kết.

Theo một đại diện của Cục Xuất bản, chính cơ chế phải tự hạch toán trong bối cảnh kinh tế khó khăn đã khiến các NXB phải bán giấy phép cho tư nhân, nhiều giám đốc ký duyệt in mà không biết mặt bản thảo, thậm chí biến hoạt động xuất bản thành... trò hề như đã và đang diễn ra. Ông Phạm Trung Đỉnh, Giám đốc NXB Hội Nhà văn chia sẻ: "Chúng tôi phải tự hạch toán kinh tế và phải liên kết với tư nhân. Dù đã làm đúng quy trình, kiểm soát chặt nhưng vẫn có lỗi xảy ra".

Trong hoạt động liên kết xuất bản, mảng sách dự án được đầu tư nguồn kinh phí khá lớn cũng xảy ra nhiều lỗi do các bên... chẳng kiểm soát được nhau. Tiêu biểu như "Dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam" của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, được đầu tư hai giai đoạn, với số tiền lên đến 240 tỷ đồng. Trong 10 năm thực hiện, sẽ chọn lọc khoảng 2.000 công trình để xuất bản thành sách. Tính như vậy thì mỗi năm in 200 đầu sách và cứ gần hai ngày thì in một đầu sách. Nhưng nếu chỉ có thế thì chẳng có gì đáng nói, mà dự án "khủng" này có quá nhiều sạn do phải làm gấp gáp. Khảo sát trong 20 cuốn sách, chúng tôi phát hiện tám cuốn (chưa nói đến nội dung) sai kỹ thuật như lô-gô ngoài bìa thuộc NXB này, trong ruột là lô-gô của cơ sở khác; 10 cuốn có nhiều sai sót về nội dung, chính tả, không thống nhất trong ngôn ngữ khoa học, sai niên đại lịch sử. Thí dụ trong cuốn "Truyện cổ dân gian Nam Sách" của tác giả Nguyễn Hữu Phách và Nguyễn Văn Đức, ngay lời mở đầu đã viết: Thời "Thập nhị sứ quân" (965-967), Tiền Lê (980-1005), trong khi niên đại đúng phải là (944-968) và (980-1009). Hay như cuốn "Từ điển văn học dân gian" của tác giả Nguyễn Việt Hùng, vẫn viết làng Phù Đổng thuộc huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh), cộng với hàng chục lỗi không thống nhất trong một trang sách. Một cuốn từ điển vài trăm trang mà có hàng nghìn lỗi thì liệu còn giá trị gì?

Nhằm làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên kết làm dự án, chúng tôi đã tìm gặp ông Đoàn Thanh Nô, Giám đốc văn phòng Dự án, ông cho biết: "Chúng tôi liên kết với hầu hết các NXB ở Hà Nội. Việc kiểm soát cũng hết sức ngặt nghèo và có cả hội đồng thẩm định. Trong hơn một nghìn cuốn thì khó có thể nói là không sai. Tuy nhiên đây là lỗi chung của các đơn vị". Hỏi thêm về chuyên môn, ông Nô cho hay: "Chúng tôi tôn trọng ngôn ngữ địa phương và tôn trọng tác giả. Về nội dung không nên bình, vì các nhà khoa học đã kiểm soát rồi" (!?).

Những cuốn sách vi phạm sẽ bị thu hồi và tiêu hủy, NXB Lao động - Xã hội đã xin lỗi độc giả, diễn viên Công Lý, chịu phạt... song những lỗi đó đã trở thành vết hằn khó xóa của ngành xuất bản. Để những xuất bản phẩm kém chất lượng, phản cảm, lệch lạc... không có cơ hội tiếp cận với bạn đọc, ngành xuất bản cần phải quyết liệt sốc lại công tác liên kết, quản lý chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm, trên tinh thần tôn trọng độc giả, pháp luật!

PHÚ XUYÊN

(Theo Nhân dân cuối tuần)



 

 

Bình luận