Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay (Sách chuyên khảo)

Ngày đăng: 28/09/2021 - 10:09

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Theo số liệu năm 2019 của Tổng cục Thống kê, dân tộc thiểu số gồm 53 dân tộc, với số dân hơn 14 triệu người, chiếm hơn 14% dân số cả nước. Vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán trong suốt hơn 90 năm qua theo nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ đó, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có sự phát triển mạnh mẽ hơn, phong phú và đa dạng hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt so với trước thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, so với sự phát triển của đất nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là vùng chậm phát triển nhất. Điều đó cho thấy, việc hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta vẫn còn những khó khăn, bất cập.

Cuốn sách Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay do nhóm tác giả Đậu Tuấn Nam, Vũ Hải Vân, Trương Bảo Thanh đồng chủ biên

Nhằm giúp độc giả có thêm tài liệu tham khảo về vấn đề trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách chuyên khảo Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay do nhóm tác giả Đậu Tuấn Nam, Vũ Hải Vân, Trương Bảo Thanh đồng chủ biên. Đây là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học công nghệ, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020: “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”.

 Cuốn sách có cấu trúc gồm 04 chương: Chương 1: Một số vấn đề về chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số, nêu bật các khái niệm cơ bản; làm rõ vai trò, nhiệm vụ của hệ thống chính trị trong thực hiện công tác dân tộc, cũng như mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, nhóm tác giả đã đưa ra 12 tiêu chí đánh giá chất lượng công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số nước ta.

 Chương 2: Thực trạng chất lượng và hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số. Thông qua kết quả điều tra, khảo sát, các tác giả đã làm rõ thực trạng chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong tổ chức thực hiện công tác dân tộc của hệ thống chính trị các cấp và những nguyên nhân dẫn đến chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh đổi mới và hội nhập.

 Chương 3: Nhận diện những vấn đề cơ bản, cấp bách và các thách thức trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số đến năm 2030, phát hiện những vấn đề cơ bản, cấp bách; những nhân tố chủ quan, khách quan; những khó khăn, thách thức đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số đến năm 2030.

Chương 4: Quan điểm và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số đến năm 2030, trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề cơ bản, cấp bách, những nhân tố trong nước và quốc tế tác động tới chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc, nhóm tác giả đã đưa ra một hệ thống các quan điểm và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số đến năm 2030.

Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích, góp phần cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta trong thời gian tới.

Bình luận