Nghề... ăn cắp sách

Ngày đăng: 18/11/2013 - 10:11

Có mấy dạng ăn cắp: Loại “túng làm liều”, loại chuyên nghiệp. Dạng “túng” do thiếu tiền hoặc nghiện ngập hoặc thấy quyển sách mình thích mà sinh lòng tham... thì cứ “mắt trước mắt sau” nhét sách vào áo, vào quần...

Bạn đọc có thể đã từng chứng kiến kẻ ăn cắp bị bắt khi lấy một chiếc xe đạp, một chiếc điện thoại hay một chiếc ví, con chó, con gà..., mọi người chen vào mạt sát, cho vài cái bạt tai, đôi khi đánh “hội đồng” cho ngắc ngoải rồi đưa lên công an, nhẹ thì cảnh cáo viết cam đoan, nặng thì cho đi cải tạo. 

nghe an cap sach 1

Sách giáo khoa học sinh thường được các đối tượng ăn cắp nhắm tới vì dễ bán

Nhưng khi kẻ khác cũng ăn cắp và ăn cắp những cuốn sách có giá trị kinh tế bằng hoặc lớn gấp nhiều lần thì người ta lại đối xử có phần nhân từ, bao dung... Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thủ đoạn này, rồi tới một vài địa điểm, nơi mà những kẻ ăn cắp sách đã đến và có thể... sẽ phải đến.

Những hiệu sách nhiều kiểu… chọn(?!)

H và S - những “cựu binh” ăn cắp sách lừng danh một thời, đến mức nhiều nhà sách, đồn công an quen mặt - líu ríu kể với chúng tôi: “Ăn cắp sách, bọn em gọi là “bộ đội” sách, thì phải chọn những hiệu sách lớn, càng to càng tốt, cho dễ “lọt”. Chứ hiệu sách nhỏ, ít lựa chọn, khó xoay xở, mà nhân viên họ “lườm” rát lắm. Rủi có bị “túm” thì cũng chẳng ngại, cứ “diễn” vai sinh viên, học sinh nghèo “đói” sách, “thèm” sách, túng làm liều, lấy mang về đọc, nghiên cứu, nhất quyết không khai “yếu tố thương mại”, thì anh bảo ai đang tâm mà đánh đập, trừng trị. “Đen đủi” cũng chỉ vác mặt ra công an phường. Không bị giữ qua đêm, chuyển lên công an quận đâu mà sợ!”(?!).

Vòng qua các hiệu sách lớn ở Hà Nội, có thể dễ dàng nhận ra hầu hết các hiệu sách đều bày bán như siêu thị, khách hàng tự lựa chọn hàng, nhưng đều không được trang bị camera chống trộm. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng mất trộm các hiệu sách đều có nơi gửi đồ cho khách hàng và tất nhiên có cả các nhân viên an ninh, bảo vệ nữa.

Lực lượng này chủ yếu chống ăn cắp xe và đồ, còn với sách thì là kiểu “phòng người ngay...” nảy sinh lòng tham (?!). Các chị bán sách thì mặc áo dài, ngồi hoặc đứng cạnh bên những chiếc ghế cao ngất ngưởng để “trìu mến” theo dõi khách hàng (!). Theo ghi nhận của chúng tôi, tại hiệu sách Tràng Tiền lượng khách hàng tới đây khá lớn, vì vậy tình trạng mất trộm tại đây là điều không thể tránh khỏi. Sách là... hàng hoá mà!

Chị Kim Oanh - nhân viên bán hàng ở đây - cho hay: “Trường hợp những khách hàng ăn cắp sách cũng hay xảy ra. Có mấy dạng ăn cắp: Loại “túng làm liều”, loại chuyên nghiệp. Dạng “túng” do thiếu tiền hoặc nghiện ngập hoặc thấy quyển sách mình thích mà sinh lòng tham... thì cứ “mắt trước mắt sau” nhét sách vào áo, vào quần. Loại này dễ phát hiện. Dạng chuyên nghiệp thì ranh ma hơn nhiều. Họ thường đi hai người. Một người có nhiệm vụ “hỏi han” nhằm làm nhân viên mất tập trung, hoặc đứng để che khuất tầm nhìn của nhân viên bán hàng và có nhiệm vụ “cản” khi nhóm bị phát hiện, người kia thường đeo kính, mặc áo hơi rộng và có nhiệm vụ lấy sách. Những cuốn họ lấy thường không quá dày và có giá trị hàng trăm nghìn đồng, thậm chí hàng triệu đồng”.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc liệu có vị khách nước ngoài nào cố tình “cầm nhầm” sách không, chị cho biết: “Khách nước ngoài họ không lấy mà họ thường đề nghị đổi sách cũ, những cuốn mà họ đã đọc rồi lấy những cuốn mới thôi. Chúng tôi chưa bắt được vụ nào họ ăn cắp sách”.

Chợt nghĩ, nếu hiệu sách mà không đồng ý thì sao nhỉ? Anh Lê Văn Ân - nhân viên an ninh - chia sẻ: “Tôi làm việc ở đây hơn 2 năm nên cũng đã gặp nhiều vụ ăn cắp. Thôi thì đủ loại người, từ già đến trẻ đều đã gặp, nam - nữ đều có cả. Nếu người lớn thì mình nhắc nhở, cảnh cáo và yêu cầu thanh toán gấp 2-3 lần giá bìa của mỗi cuốn. Trẻ con thì răn đe rồi báo cho gia đình đến làm cam kết. Tôi nhớ có một anh nghiện hôm trước đến lấy sách găm quanh bụng phải đến 5-6 quyển, mấy hôm sau lại đến lấy, cứ liên tục như vậy tới mức chúng tôi phải xin: “Thôi, mày đi chỗ khác kiếm ăn cho bọn anh nhờ”.

Chúng tôi có thắc mắc, sao mình không đi báo công an phường nhờ pháp luật xử lý, anh trả lời: “Trước đây thì có báo đấy, nhưng gần đây giám đốc bảo thôi, ra đấy thì lại phải cử người, cử nhân viên ngồi khai, mất thời gian cả buổi viết đơn trình báo rườm rà tốn thủ tục, mất thời gian lắm”.

Tại hiệu sách Nguyễn Văn Cừ, nơi có bán cả những mặt hàng phục vụ cho sinh hoạt nên lượng khách tới đây mua sắm cũng khá đông. Một nhân viên bán hàng ở đây cho hay: “Đôi khi bọn em cũng gặp những người ăn cắp sách. Thường thì họ lấy những cuốn đang nổi tiếng, dễ bán và nhỏ gọn. Mùa đông họ mặc nhiều áo nên cũng dễ lấy và lấy được nhiều hơn mùa hè”. Chúng tôi hỏi thêm, vậy lượng sách mất chính xác có nắm được không, nhân viên này tiết lộ: “Việc thiếu sách mỗi khi kiểm kê cũng do nhiều nguyên nhân nên cũng không thể nói thiếu sách chỉ vì lý do ăn cắp được, anh ạ”.

Nghe an cap sach 2

Những cuốn sách ăn cắp đa phần được tiêu thụ tại các nhà sách tư nhân, hiệu sách cũ, vỉa hè

Anh Nguyễn Đăng Hưng - nhân viên bảo vệ tại đây - thì cho biết: “Các loại sách chúng tôi thu giữ được do ăn cắp bị bắt thường có giá từ 100.000 - 500.000 đồng, đôi khi hàng triệu đồng. Nếu lớn hơn 500.000 đồng thì chúng tôi sẽ đưa ra phường để giải quyết. Những trường hợp lấy cắp sách chúng tôi sẽ yêu cầu mua những quyển đã lấy để răn đe thôi chứ cũng không làm mạnh tay hơn”.

Vậy là có thể nhận thấy với một cuốn sách có giá trị khoảng vài ba trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng, những kẻ ăn cắp hoàn toàn không sợ bị sứt đầu mẻ trán; lại được “làm việc” ở những nơi hầu hết có máy lạnh, nhân viên phục vụ tận tình. Hẳn đây là một cái “nghề” an toàn và nhàn hạ (!?).

Những cuốn sách ăn cắp, “giờ này “em” ở đâu”?

Có thể mang sách ăn cắp để lại hay bán cho người quen biết, người có nhu cầu. Những cuốn sách ăn cắp đa phần - nhất là với “dân” ăn cắp sách chuyên nghiệp - được tiêu thụ tại các nhà sách tư nhân, hiệu sách cũ một cách rất dễ dàng, theo nguyên tắc “thuận mua, vừa bán” (!). Ăn cắp ở khu vực quanh Bờ Hồ, đi vài bước là có thể “đẩy” ngay “hàng” cho các nhà sách dọc phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí. Vài bước chân nữa, có mặt tại đầu phố Bà Triệu, xung quanh khu vực hiệu sách Habook, chúng tôi nhận thấy lượng sách giao dịch tại đây rất lớn.

Trong vai người đi bán sách, chúng tôi được cô Thuỷ - chủ một hiệu sách ở đây - cho biết: “Có bao nhiêu cô cũng mua, miễn là sách còn đọc được, mới thì tốt quá, giá cả thoả thuận”. Sau một hồi mặc cả, cô đồng ý lấy với giá bằng 60% giá bìa. Còn sách quý, hiếm thì sẽ do thoả thuận và số tiền trả cho mỗi cuốn sẽ là hàng triệu đồng, như cuốn “Lịch sử 30 năm chiến tranh VN” của tác giả nước ngoài, cuốn sách ảnh Hà Nội, giá bìa: 700.000 đồng; cuốn “Chị em nhà Bronte”, tiếng Anh, giá bìa: 250.000 đồng; cuốn “Sculpture today” của nhà Phaidon, giá bìa: 75 bảng Anh, 79,5 đôla Canađa, 2,250 triệu đồng; cuốn “Dictionnary of contemporary English” của nhà xuất bản Longman, giá bìa: 630.000 đồng... Đặc biệt có “Atlas điều kiện tự nhiên, môi trường vùng biển Việt Nam và kế cận”, giá tới 5 triệu đồng.

Tại một hiệu sách cũ khác, qua trao đổi, chủ hiệu sách cho biết họ sẵn sàng tiêu thụ sách với số lượng không giới hạn. Chị chủ cho biết thêm: “Cần nhiều, dễ bán nhất bây giờ vẫn là loại sách giáo khoa. Nếu có trọn bộ sách thì càng tốt. Sách nước ngoài dạy tiếng Anh, các kỹ năng kinh doanh, kỹ năng sống... đều “chơi” được”(!). Và giá cả mà chủ hiệu sách đưa ra là 70% giá bìa. Chị còn lưu ý thêm: “Nhưng nếu có sách hay thì cứ mang đến, hiệu sách sẵn sàng mua, bản chất là... giao dịch thương mại mà” (?!).

Với số lượng hàng trăm nhà sách ở Hà Nội, chỉ cần chịu khó đi... “tua” “năng nhặt chặt bị”, “hay lam hay làm”, những kẻ với nghề... ăn cắp sách sẽ có mức thu nhập không hề nhỏ, mà lại không bị đánh đập, đối xử tàn tệ (!).

Trao đổi với chúng tôi về nạn ăn cắp tại các hiệu sách,  trung tá Nguyễn Lê Thanh - Phó trưởng Công an phường Phương Mai, quận Đống Đa, TP.Hà Nội - cho biết: “Những trường hợp ăn cắp sách như vậy cũng thường xuyên bị chúng tôi xử lý. Nếu giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng thì chủ yếu là phạt hành chính rồi cho về. Còn nếu tài sản lớn hơn 2 triệu đồng thì theo luật bổ sung, người có hành vi ăn cắp mới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Vậy vào ngày nào đó, bạn thấy một thằng ăn cắp bị dẫn vào đồn công an mà mặc trên người trang phục bảnh bao, thường đeo kính cận, dáng vẻ tự tin, thì có thể là một thằng ăn cắp sách (?). Bởi chỉ có những thằng ăn cắp sách mới không có một vết xước trên người và có lẽ do đã nghiên cứu và biết được rằng trị giá số sách ăn cắp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nên chúng mới thể hiện thái độ tự tin đến thế (!). 

Quốc Hưng - Nguyễn Vương

(Theo Lao động)

Bình luận