Nhiều kỳ vọng cho ngành xuất bản trong năm 2021

Ngày đăng: 22/03/2021 - 16:03

Với những thành quả đạt được sau một năm đầy khó khăn, biến động, ngành xuất bản được đặt nhiều kỳ vọng phát triển hơn nữa, góp phần nâng cao văn hóa đọc.

Sáng 17/03, Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm 2021 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ thông tin và Truyền thông - thông tin nhiều chỉ số phát triển của ngành xuất bản. Trong đó, nhiều nhà xuất bản vẫn duy trì tăng trưởng, doanh thu tăng, dù 2020 là năm khó khăn đối với ngành xuất bản nói riêng và cả xã hội nói chung.

Cơ quan chủ quản cần phải quan tâm tới nhà xuất bản

Sau khi nghe báo cáo của ngành xuất bản trong năm qua, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã chúc mừng những kết quả tích cực, đáng ghi nhận mà các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành đã đạt được trong năm 2020.

"59 nhà xuất bản gắn liền với các cơ quan chủ quản, xuất bản và phát hành sách với tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, đóng góp lớn cho việc bồi đắp kiến thức, đời sống tinh thần cho xã hội. Không những thế, các đơn vị còn duy trì mức tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh khó khăn. Các đồng chí đã tận tâm tận lực xây dựng chiến lược để phát triển, đưa món ăn tinh thần quan trọng đến với đông đảo người dân, trong mọi lĩnh vực xã hội", ông Hùng cho biết.

Theo ông, công tác xuất bản, phát hành chính là công tác tư tưởng văn hóa, giáo dục, góp phần bồi đắp tinh thần, kiến thức văn hóa, kỹ năng lao động, kỹ năng thực hành xã hội, bồi đắp giá trị văn hóa, đạo đức cho người dân.

"Trong ba người thầy của xã hội thì sách là một người thầy không thể thiếu được. Quan tâm đến công tác xuất bản là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Xã hội nào đọc sách nhiều, phát triển văn hóa đọc thì xã hội đó mới văn minh, đất nước mới phát triển. Người Nhật Bản cũng thừa nhận một trong những điều kiện giúp Nhật Bản phảt triển chính là tri thức, sách vở", Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá.

Trong những năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Hội Xuất bản Việt Nam đã quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, quản lý, chính vì vậy ngành sách ngày càng sôi động, phát triển, văn hóa đọc của người dân cũng được nâng lên so với những năm trước đây.

Trong năm 2021, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách tiếp tục phát huy để hướng đến mục tiêu xã hội có nhiều người đọc sách. Để làm được điều đó, ông cho rằng các đơn vị cần phải khắc phục nhiều vấn đề. Một trong số đó là tư duy của các nhà xuất bản, phát hành sách, cơ quan chủ quản, trong điều kiện hiện nay phải đổi mới, thích ứng, hướng đến con người, quy luật thị trường. Quy luật thị trường đòi hỏi chúng ta thay đổi cách tư duy để đưa sách đến với người dân. Nên các đơn vị này phải thay đổi tư duy trong công tác xuất bản, phát hành sách.

“Chúng tôi đề nghị các cơ quan chủ quản quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí, con người, cơ sở vật chất hỗ trợ nhà xuất bản của mình thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Cơ quan chủ quản sinh ra nhà xuất bản nhưng không hỗ trợ gì, để “đứa con của mình” tự bươn chải thì rất khó khăn”, ông Hùng nói.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương đã đề nghị với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách đặt hàng. Các nhà xuất bản phải đề nghị cơ quan chủ quản đặt hàng trong lĩnh vực, ngành của mình, giao nhiệm vụ xuất bản cho nhà xuất bản của mình. Mặt khác, theo ông, các nhà xuất bản phải quan tâm xây dựng cụ thể phương thức hoạt động, kinh doanh, nhất là xây dựng đội ngũ nhân lực. Thông qua thống kê của các đơn vị, ông đánh giá nguồn nhân lực còn rất mỏng.

Trong khi nhà xuất bản là “bà đỡ” cho các tác phẩm trên mọi lĩnh vực, muốn có sách tốt thì phải có chuyên gia tốt. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực rất quan trọng. Đồng thời, các đơn vị phải tiếp cận được chuyên gia đầu ngành trong mỗi lĩnh vực, tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu của thị trường.

Các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách phải quan tâm khai thác, bám sát đời sống thực tế, chủ trương của Đảng, Nhà nước, và nhu cầu của người dân để giới thiệu sách đúng đối tượng, hiệu quả.

Một điều quan trọng được ông Hùng nhấn mạnh là các đơn vị phải chú trọng khắc phục tình trạng in lậu, sách có nội dung chưa tốt, thận trọng khi làm sách với các đối tác liên kết.

Cơ hội và thách thức cho ngành trong năm 2021

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, bày tỏ sự lạc quan trước sự phát triển của ngành xuất bản.

Theo ông, trong năm 2020 đầy khó khăn, thiên tai, dịch bệnh nhưng Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới duy trì tăng trưởng dương. Trong đó, lĩnh vực xuất bản là lĩnh vực đáng tự hào khi có sự tăng trưởng nhất định trong khi các lĩnh vực khác rất khó khăn. Bên cạnh đó, ông cho rằng trong khó khăn, ngành xuất bản đã có sự bứt phá như thích ứng nhanh hơn, ứng dụng công nghệ tốt hơn.

Đơn cử như việc triển khai hội sách trực tuyến năm 2020, bước đầu triển khai có thể khó khăn vì ứng dụng công nghệ của các đơn vị quản lý, nhà xuất bản còn hạn chế. Nhưng ngành đã thực hiện được, qua đó rút ra bài học đã đến lúc chúng ta cần sự liên kết giữa nhà xuất bản, nhà phát hành, nhà in và đặc biệt là các nhà làm công nghệ.

"Rõ ràng, khó khăn đã là cơ hội. Chưa bao giờ lĩnh vực xuất bản ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện quá trình tiếp cận độc giả mạnh mẽ đến vậy", Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.

Bước vào năm 2021, hậu quả của dịch bệnh vẫn còn, diễn biến vẫn khó lường, mục tiêu của ngành xuất bản vẫn là tiếp tục tuyên truyền, đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống nhưng đồng thời cũng triển khai nhiệm vụ rất quan trọng là tuyên truyền hoạt động bầu cử hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà lĩnh vực xuất bản không thể bỏ qua.

Đi liền với nhiệm vụ đó, ngành xuất bản vẫn phải tiếp tục thực hiện nghị quyết của Đảng liên quan đến sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, mà các nhà xuất bản, phần lớn là các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng đồng thời cũng là cơ hội. Việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có đơn vị xuất bản, là cơ hội nhìn lại, đánh giá trong một ngành, địa phương, quy mô nhà xuất bản như thế đã hợp lý chưa. Các nhà xuất bản cần tồn tại hay sáp nhập, đi theo hướng nào, cơ chế ra sao?

"Các nhà xuất bản phải nhìn nhận triết lý hoạt động của mình là gì, điểm đặc sắc trong các sản phẩm của mình là gì, chọn hướng đi cho mình. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không thể giống với Nhà xuất bản Lao động. Mỗi đơn vị phải có tôn chỉ, mục đích hoạt động, đối tượng phục vụ riêng. Khi xác định lại những vấn đề này chúng ta sẽ có tầm nhìn dài hạn hơn", Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói.

Ông cho rằng các nhà xuất bản phải làm tốt nhiệm vụ chính trị nhưng đồng thời cũng xác định lại hướng đi, cách thức, bản sắc, đi liền với đó là phát triển đội ngũ công nghệ.

Một vấn đề khác được đặt ra tại Hội nghị là mối quan hệ giữa nhà xuất bản với cơ quan chủ quản. Vai trò của cơ quan chủ quản đối với các nhà xuất bản, theo ông Bảo nhận xét là còn rất hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm.

"Vấn đề này, tôi cho rằng chúng ta cũng phải nhìn lại từ phía các nhà xuất bản. Nếu các nhà xuất bản tích cực đề xuất, tham mưu, tôi tin các đơn vị chủ quản sẽ tạo điều kiện. Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập cũng là cơ hội để các nhà xuất bản đề xuất cơ chế, mô hình, trách nhiệm của đơn vị chủ quản", ông Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị.

Mặt khác, ông cho rằng các nhà xuất bản phải thể hiện được vai trò định hướng, dẫn dắt thị trường sách theo hướng tích cực, nhân văn, không chỉ trông chờ vào sự định hướng của Đảng, Nhà nước và không thể chạy theo sau thị trường. Xã hội đọc sách gì, tìm sách gì thì phải do các nhà xuất bản định hướng. Tất nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ phối hợp chặt chẽ.

Theo zing.vn

Bình luận