Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 15/06/2021 - 16:06

Bộ sách Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương xuất bản (gồm 2 tập). Bộ sách gồm 150 câu chuyện của những người đã từng vinh dự được gặp gỡ và tiếp xúc với Bác, không chỉ gây xúc động trước nhân cách cao cả, tấm lòng bao dung, yêu thương đồng bào, tinh thần vững vàng, quyết tâm vì dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn giúp người đọc đúc rút được những bài học vô cùng quý báu về tấm gương đạo đức của Người, từ đó hiểu sâu sắc hơn tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Bộ sách Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Với những ai có vinh dự được gặp Bác Hồ, đều có những tình cảm sâu sắc, những kỷ niệm khó phai mờ và những câu chuyện kể cảm động về Người. Nội dung Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ giúp bạn đọc hiểu đầy đủ, chân thực hơn về nhân cách, tác phong, về cuộc sống đời thường và những ứng xử nhân văn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta.

Ở câu chuyện “Hành lý đáng kể nhất”, đức tính “kiệm” của Người thể hiện qua chuyện kể về hành lý mà Người mang theo khi đi công tác Côn Minh, hầu hết “đều nên bỏ, đều nên thay cả”, từ chiếc khăn mặt nhuộm chàm bạc thếch hay đôi giày đã rách, Người đi đến nỗi “lòi cả chân ra”, đến ống thịt muối mà có đến “chín phần muối mới có một phần thịt”, Người đều không cho vứt bỏ thứ gì cả. Người bảo: “Đồng bào, các đồng chí ở nhà còn khổ, những thứ ấy còn dùng được. Nhất là ống thịt muối, không nên phí phạm”1. Câu chuyện khiến chúng ta xúc động và càng thêm kính yêu Bác. Người đã hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc.

“Câu chuyện về 3 chiếc ba lô” để lại cho chúng ta bài học về sự bình đẳng, công bằng, lẽ sống tốt đẹp, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Chỉ một câu chuyện nhỏ giữa Bác và hai đồng chí trong những ngày sống ở Việt Bắc, mỗi lần đi công tác Bác phải leo núi, vì sợ Bác mệt nên hai đồng chí định mang hộ ba lô cho Bác, nhưng Bác nói: “Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân ra mỗi người mang một ít… Khi biết các đồng chí để Bác mang chiếc ba lô nhẹ nhất, Bác không đồng ý và nói: “Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người”2.

Câu chuyện “Chú sang xông nhà cho Bác” lại cho người đọc thấy được hai tiếng Bác Hồ, bình dị và gần gũi biết bao mà cũng thiêng liêng biết bao. Chỉ một câu chuyện nhỏ với người lính cảnh vệ trong sáng giao thừa Bác đã thể hiện hết vai trò của người lãnh tụ, người Cha, người Bác, người Anh đúng như Tố Hữu đã viết: “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”.

Cuộc đời của Hồ Chí Minh là một mẫu mực về sự tự rèn luyện. Từ thời thiếu niên đến lúc trở thành Chủ tịch nước, Bác không ngừng đấu tranh hoàn thiện mình. Sự uyên thâm và vĩ đại của Bác cũng một phần nhờ ý chí rèn luyện của Bác. Câu chuyện “Bỏ thuốc lá” là một minh chứng cho việc “Nói đi đôi với làm” của Bác, cho chúng ta thấy được ý chí kiên cường, luôn luôn vượt gian khổ để rèn luyện bản thân của vị lãnh tụ kính yêu. Một việc nhỏ, bình dị trong đời thường, nhưng mang ý nghĩa nhân sinh lớn lao.

Những câu chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có thể không sách vở nào ghi chép hết được, bởi vì toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Người gắn liền với tư tưởng và đạo đức sáng ngời. Mỗi bài nói, bài viết, lời căn dặn, buổi gặp gỡ của Người đều chứa đựng ý nghĩa, tư tưởng, hành vi và quan hệ đạo đức cách mạng tốt đẹp. Toàn bộ nhân cách, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người đều là tấm gương đạo đức cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta học tập suốt đời.

 Điều đó càng thêm ý nghĩa khi vừa qua, Bộ Chính trị vừa công bố Kết luận số 01-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, bên cạnh việc đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, có sức lan tỏa trong Đảng và toàn xã hội, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tích cực tu dưỡng và học tập theo tấm gương đạo đức của Bác, còn vi phạm kỷ luật… Vì vậy, việc đọc, nghiên cứu các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tác phẩm viết về Người có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ giúp chúng ta hiểu, học hỏi và thấm thía những bài học vô cùng ý nghĩa.

Với lối viết giản dị, trong sáng, chân thực, cuốn sách là tài liệu nghiên cứu, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về giá trị to lớn của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo ra những chuyển biến trong ý thức tu dưỡng, rèn luyện và hành động theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; giáo dục và hướng con người tới chân, thiện, mỹ.

1,2. Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tập II, tr.39,281.

Bình luận