"Bóng ma gian lận" trong lĩnh vực xuất bản

Ngày đăng: 30/09/2015 - 09:09

tg le huu nam

Tác giả trẻ Lê Hữu Nam buộc phải lên tiếng trên báo chí khi phát hiện ra những dấu hiệu cho thấy tác phẩm “Mật ngữ rừng xanh” của mình do Công ty sách Bách Việt in không đúng số lượng như hợp đồng xuất bản.

Nghi ngờ đối tác trả nhuận bút không đúng với số lượng trên thực tế nhưng nhiều tác giả chấp nhận im lặng vì không đủ bằng chứng, hoặc không muốn sa vào các khiếu kiện mệt mỏi, mất thời gian. Bên cạnh đó, việc giám sát quá trình in ấn thiếu chặt chẽ hiện nay cũng đang tạo kẽ hở cho những tiêu cực trong lĩnh vực xuất bản có nguy cơ bùng phát.

Hợp đồng hay “bản án bất thành văn”?

Hiện nay, thông thường các đơn vị xuất bản trả nhuận bút cho tác giả với mức từ 10 đến 15% giá bìa, tính theo số bản in. Sẽ không có gì phải bàn cãi nếu các đơn vị xuất bản thực hiện nghiêm túc việc in và trả nhuận bút theo hợp đồng. Tuy nhiên, nhằm “trốn” nhuận bút của các tác giả, một số đơn vị xuất bản tiến hành in sách nhiều hơn số lượng ghi trong hợp đồng, sách bán hết thì lặng lẽ in nối bản, tái bản không thông báo cho tác giả, và đương nhiên cũng không thanh toán nhuận bút cho tác giả với phần sách in thêm này. Bản hợp đồng giữa tác giả và đơn vị xuất bản ngỡ là căn cứ pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của hai bên, và bảo vệ quyền lợi cho tác giả có sách được xuất bản bỗng biến thành “bản án bất thành văn” đối với họ vì họ không được hưởng thêm bất cứ quyền lợi nào ngoài số tiền nhuận bút chỉ là rất thí dụ cho lần in đầu, chỉ khiêm tốn 1.000 - 1.500 bản. Có tác giả biết điều này nhưng họ lại không tìm được đủ bằng chứng để tố cáo đơn vị xuất bản. Tuy nhiên, không chỉ là nghi ngờ, có nhà văn từng được một nhân viên kế toán ở công ty X. cho biết: Công ty này ký hợp đồng với chị là in 2.500 bản nhưng trên thực tế thì công ty đã in đến 23.000 bản. Tuy nhiên vì lo sợ có thể bị lãnh đạo công ty trả thù, nên nhân viên này không thể đứng ra làm chứng, mà chỉ dám chia sẻ với nhà văn. Trước những tình huống như vậy, thông thường các tác giả chọn cách im lặng, tránh mất công mất sức vào các vụ kiện tụng. Họ “ngậm đắng nuốt cay” đợi hết thời gian ký kết trong hợp đồng để chuyển bản thảo đến đối tác khác tin cậy hơn, nhưng việc sách đã được một đơn vị khai thác thường khó hấp dẫn với những đối tác khác. Có tác giả, để không bị ấm ức bởi nạn sách lậu đã chọn cách: sau khi có được giấy phép của nhà xuất bản thì tự tổ chức in ấn và phát hành. Tuy nhiên không phải ai cũng làm được điều này.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, vấn nạn in lậu, in chui này cũng đã được nhìn nhận là “đang trở nên nhức nhối và làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trên thị trường giao dịch bản quyền thế giới”. Tại Hội nghị tuyên truyền pháp luật chống in lậu năm 2009, ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục xuất bản, từng khẳng định: Chuyện các đầu sách in ra chỉ khoảng 1.000 cuốn là không thể nào tin nổi. Đây là con số ảo; thực tế con số in chui, nối bản không xin phép, sách lậu phải gấp 4-5 lần.

"Sách lậu có bản quyền”?

Tình trạng nhập nhèm trong số lượng in ấn các xuất bản phẩm hiện nay được nhà văn Trần Nhã Thụy đặt cho tên gọi “bóng ma gian lận”! Việc sách in ra gấp nhiều lần con số ghi trong hợp đồng nhưng tác giả cũng như cơ quan quản lý khó có thể phát hiện được vì đơn vị xuất bản nắm quyền chủ động trong công đoạn này. Hiện nay, các đơn vị xuất bản sau khi có giấy phép xuất bản, sẽ tiến hành in ấn. Cơ sở in ấn do họ lựa chọn, nhiều trường hợp là “sân sau” của họ. Một số đơn vị xuất bản còn tổ chức in ruột một nơi và bìa một nơi nên không dễ kiểm soát số lượng in trên thực tế. Tác giả chỉ còn biết trông cậy vào chữ Tín mà đơn vị xuất bản cam kết. Nhưng có phải đơn vị xuất bản nào cũng biết giữ chữ Tín?

Hiện tượng sách in quá số lượng đăng ký xuất bản xét ở góc độ quản lý có thể coi là một dạng sách lậu. Điều nguy hiểm là dạng sách lậu này được che chắn bởi vỏ ngoài hợp pháp vì được chính những đơn vị có hợp đồng với các tác giả tổ chức in ấn và đưa ra thị trường một cách “đường đường chính chính”, không lo bị đánh thuế, không lo bị thu quản lý phí, không lo phải trả tiền bản quyền cho tác giả! Dạng “sách lậu có bản quyền” này rất khó bị phát hiện. Khác với sách lậu in theo dạng sao chép, làm nhái có thể bị phát hiện căn cứ vào chất lượng in ấn, hoặc mẫu tem bị làm giả; còn loại “sách lậu có bản quyền” thì không có căn cứ nào để phân biệt vì nó là sách thật bị in tăng số lượng để kiếm lợi bất chính. Theo Thông tư liên tịch về phối hợp phòng, chống in lậu do Bộ Công an và Bộ Thông tin và truyền thông ban hành ngày 12-5-2009, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động in được quy định rõ: “Ký hợp đồng in đúng nội dung ghi trong quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản” nhưng công tác kiểm soát việc thực thi trên thực tế vẫn là điều rất khó. Kẽ hở này đã và đang bị một số đơn vị xuất bản lợi dụng. Chỉ khi nào cơ quan chức năng tiến hành được việc giám sát chặt chẽ quá trình in ấn, bảo đảm số lượng in ra đúng như quyết định xuất bản thì dạng sách lậu này mới có thể ngăn chặn được.

Nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ: “Chuyện sách lậu, sách in nối bản mà tác giả không hề biết, hoặc biết mà không thể làm gì, không phải bây giờ mới có, mà nó có từ xưa nay. Cái này biết vậy, rồi... nghi nghi vậy thôi, chứ biết kêu ai?”. Mới đây, tác giả trẻ Lê Hữu Nam đã buộc phải lên tiếng trên báo chí khi phát hiện ra những dấu hiệu cho thấy tác phẩm “Mật ngữ rừng xanh” của mình do Công ty sách Bách Việt in không đúng số lượng như hợp đồng xuất bản. Theo Lê Hữu Nam, đích thân anh đã mua 945 trong tổng số 1.000 cuốn sách được in theo như hợp đồng xuất bản nhưng khi liên lạc với một số nhà phát hành thì phát hiện thấy số lượng sách còn trên thị trường khá nhiều, điều ấy cho thấy đơn vị xuất bản có biểu hiện làm ăn gian dối, gây thiệt hại đến quyền lợi của tác giả, cụ thể ở đây là số tiền nhuận bút mà tác giả được nhận. Sau khi phát hiện thấy những hiện tượng bất thường của công ty sách Bách Việt trong việc in ấn và phát hành “Mật ngữ rừng xanh”, tác giả Lê Hữu Nam đã gửi đơn đến công ty yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Trước yêu cầu này, đại diện Công ty sách Bách Việt tại TP. Hồ Chí Minh đã gặp gỡ tác giả và thừa nhận việc in “Mật ngữ rừng xanh” vượt trên số lượng 1.000 cuốn sách như đã thỏa thuận trong hợp đồng mà không thông báo cho tác giả nên công ty chấp nhận bồi thường thiệt hại cho tác giả số tiền 7,5 triệu đồng (tương đương nhuận bút của 1.000 cuốn sách) và phải chấm dứt hợp đồng xuất bản cuốn sách trên. Tác giả Lê Hữu Nam dù chưa hài lòng về cách xử lý này của Công ty Bách Việt vì không công bố rõ số lượng sách in ngoài hợp đồng là bao nhiêu, nhưng do thấy quá mệt mỏi vì những chuyện vừa xảy ra nên tác giả chấp nhận kết thúc sự việc tại đây, đồng thời bày tỏ mong muốn “các công ty sách tôn trọng công sức của tác giả hơn, có tinh thần hợp tác tốt hơn để tác giả và người làm sách cùng nhau tạo ra các ấn phẩm có ích cho độc giả”.

Đây không phải là trường hợp khiếu nại đầu tiên giữa tác giả và đơn vị xuất bản, tuy nhiên không phải lúc nào tác giả cũng được nhận được dù chỉ một lời xin lỗi từ đơn vị xuất bản như sự việc của Lê Hữu Nam. Không những thế, có những tác giả còn bị công ty "trả đũa” bằng cách tổ chức bán đồng giá 5.000 đồng đối với sách của họ vì đã “dám” khiếu nại công ty!

Cần bảo vệ quyền lợi cho tác giả

Nhằm chống lại nạn vi phạm bản quyền tác giả thông qua hình thức in lậu tại chính các đơn vị xuất bản, có ý kiến đề xuất thay đổi cách thức trả nhuận bút cho tác giả, theo đó các tác giả sẽ không nhận nhuận bút theo cách tính phổ biến hiện nay mà chuyển sang hình thức bán bản quyền “trọn gói”. Tác giả sẽ nhận số tiền nhuận bút một lần cho thời hạn 3-5 năm, trong thời gian này đối tác xuất bản được toàn quyền sử dụng tác phẩm, và tái bản mà không phải hỏi ý kiến tác giả cũng như không phải tính chi phí nhuận bút phát sinh. Như vậy đơn vị xuất bản không cần lo “trốn” trả nhuận bút cho tác giả bằng cách in lậu số lượng. Hết thời hạn của hợp đồng, hai bên sẽ cùng xem xét việc có tiếp tục ký tiếp thỏa thuận hợp tác nữa hay không. Hiện nay một số đơn vị như: Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Công ty sách Phương Nam… đã tiến hành mua bản quyền trọn đời của một số nhà văn nổi tiếng. Tuy nhiên việc “mua đứt” này khó áp dụng với những tác giả mới, bởi họ chưa có bạn đọc ổn định, do đó nhiều đơn vị xuất bản sẽ kém mặn mà vì độ rủi ro cao hơn việc ký kết bản quyền với các tác giả thành danh. Để bảo đảm sự an toàn, phần lớn các đơn vị xuất bản sẽ lựa chọn cách thức in bao nhiêu trả nhuận bút bấy nhiêu. Nhưng dù hình thức nào thì cũng rất cần các đơn vị xuất bản giữ chữ Tín, tuân thủ nghiêm túc các cam kết với tác giả. Đáng tiếc không phải đơn vị xuất bản nào cũng thực hiện tốt điều này, nên vẫn còn tồn tại những đơn vị xuất bản kinh doanh theo kiểu “tầm gửi”, khai thác chất xám của các tác giả với giá rẻ rúng. Để lành mạnh hóa môi trường xuất bản, bảo vệ quyền lợi cho các tác giả, không thể chỉ trông chờ vào sự chủ động của các tác giả, sự tự giác của các đơn vị xuất bản mà còn cần hành lang pháp lý vững chắc cũng như các biện pháp chế tài đủ mạnh, xử phạt thật nghiêm khắc, thậm chí rút giấy phép, đình chỉ vĩnh viễn những đơn vị có sai phạm nghiêm trọng.

 

Tính đến tháng 6-2015, cả nước mới chỉ có 40/63 tỉnh, thành phố thành lập đội liên ngành phòng, chống in lậu. Lực lượng này còn khá mỏng, thiếu kinh nghiệm chuyên môn, nên các vi phạm bị phát hiện hầu hết chỉ xử lý hành chính với mức xử phạt chưa đủ tính răn đe.

Phong Điệp

Theo Báo Nhân dân


Bình luận