Quá trình ra đời và phát triển của nền xuất bản cách mạng Việt Nam (P4: Thời kỳ 1975 - 1985 (giai đoạn trước đổi mới))

Ngày đăng: 05/02/2012 - 18:02

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngành xuất bản, một binh chủng quan trọng trong mặt trận tư tưởng - văn hoá của Đảng đã nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa mới. Với tinh thần chủ động và sự chuẩn bị ngay từ thời gian chiến tranh, sau khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã chuyển vào miền Nam 20 triệu bản sách ở kho phát hành sách Trung ương và hàng triệu bản sách ở các thư viện. Đội ngũ cán bộ xuất bản, in và phát hành sách đã khẩn trương tiếp quản và triển khai hoạt động xuất bản đáp ứng yêu cầu của nhân dân vùng mới giải phóng. Bộ Văn hoá - Thông tin chọn trên 1.000 tên sách đã xuất bản có chất lượng tốt để tái bản với số lượng hàng chục triệu bản. Các loại văn hoá phẩm khác gồm tranh, ảnh, đặc biệt là ảnh Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng được in với số lượng lớn. Nhu cầu của bạn đọc vùng mới giải phóng được đáp ứng kịp thời, trước hết là sách về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, sách phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin, sách của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, những tác phẩm về truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giới thiệu các tác giả và tác phẩm tiêu biểu của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam và thế giới.

Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục (năm học 1975-1976), cả nước dạy theo một bộ sách giáo khoa ở bậc phổ thông, chúng ta đã tập trung nguồn lực để Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản 804 cuốn sách giáo khoa với 72,2 triệu bản. Nhu cầu về sách giáo khoa cơ bản đã được đáp ứng. Các trường ở miền Nam đã dạy và học theo chương trình sách giáo khoa mới.

Vượt qua nhiều khó khăn về năng lực xuất bản, về cơ sở vật chất, về đội hình các nhà xuất bản, trong thời gian 10 năm (1976-1985) tuy kết quả xuất bản chưa cao nhưng cũng thể hiện sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, của mỗi nhà xuất bản, vươn lên đáp ứng nhu cầu bạn đọc cả nước trong giai đoạn cách mạng mới. Năm 1985, cuộc triển lãm sách nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập nước do Bộ Văn hoá - Thông tin tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của 40 nhà xuất bản, hàng vạn tên sách được trưng bày thuộc nhiều mảng đề tài: chính trị - xã hội, khoa học - kỹ thuật, văn học - nghệ thuật, giáo khoa - giáo trình... đã đánh dấu một bước phát triển đáng ghi nhận của ngành xuất bản sau 10 năm hoạt động trong một giai đoạn nhiều khó khăn và thách thức lớn (1975 - 1985).

Năm 1975 cả nước có 21 nhà xuất bản, trong đó có 20 nhà xuất bản thuộc Trung ương và một nhà xuất bản khu vực (Nhà xuất bản Việt Bắc). Theo chức năng, nhiệm vụ được xác định khi thành lập, đồng thời gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, 21 nhà xuất bản này được xếp vào 5 khối, gồm các loại sách: chính trị - xã hội, văn học - nghệ thuật, giáo dục - khoa giáo, khoa học - kỹ thuật và các nhà xuất bản có chức năng tổng hợp thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, các bộ, ngành.

Từ 21 nhà xuất bản đã ra đời và hoạt động từ trước đến năm 1975, trong giai đoạn mới, từ năm 1975 đến 1985, đội hình các nhà xuất bản ở nước ta có sự biến động và thay đổi lớn. Tính ổn định và phát triển tuần tự như thời kỳ trước không còn nữa. Một số nhà xuất bản giải thể do các tổ chức, cơ quan chủ quản giải thể như các nhà xuất bản Thống nhất, Việt Bắc và Phổ thông. Sau năm 1975, Nhà xuất bản Giải Phóng được chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh và lấy tên là Nhà xuất bản Văn học Giải phóng. Năm 1977 hợp nhất với bộ phận xuất bản khác để thành lập Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Sau ba năm, bộ phận văn nghệ của Nhà xuất bản này lại được tách ra thành Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 4-1980). Năm 1978, ba nhà xuất bản: Văn hoá, Văn hoá dân tộc (Việt Bắc cũ) và Phổ thông hợp nhất lại thành một nhà xuất bản lấy tên là Văn hoá; một thời gian sau lại có sự chia tách một lần nữa Nhà xuất bản này). Như vậy, bắt nguồn từ sự biến động về tổ chức và tình hình chung, đội hình các nhà xuất bản thời gian này cũng chịu tác động trực tiếp, có cả giải thể, sáp nhập, hợp nhất, đồng thời có cả sự ra đời một loạt các nhà xuất bản mới. Đáng chú ý là trong 10 năm (1975 - 1985), có hai loại hình nhà xuất bản ra đời và hoạt động, đó là bảy nhà xuất bản chuyên ngành ở Trung ương và một loạt các nhà xuất bản tổng hợp ở các địa phương (tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương).

Các nhà xuất bản chuyên ngành ở Trung ương gồm: Thông tin lý luận, Nghe nhìn, Pháp lý, Công an nhân dân, Giao thông vận tải, Thống kê, Xây dựng.

Những năm từ 1955 đến 1975, do điều kiện chiến tranh, các địa phương ở miền Bắc chưa thực sự phát triển toàn diện các lĩnh vực nên không có nhu cầu về một nhà xuất bản riêng, vì vậy, trước năm 1975, không có nhà xuất bản địa phương. Sau năm 1975, đặc biệt từ năm 1980, một loạt các nhà xuất bản tổng hợp của các địa phương ở cả Bắc, Trung, Nam ra đời và hoạt động.

Cả nước có 14 nhà xuất bản địa phương, riêng Thành phố Hồ Chí Minh có ba Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Măng non thuộc Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn nghệ thuộc Hội liên hiệp Văn học và nghệ thuật Thành phố, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Mười một Nhà xuất bản của 11 tỉnh, thành phố khác có chức năng xuất bản các loại sách phục vụ cho nhân dân tỉnh, thành phố của mình. Đó là các nhà xuất bản của Hà Nội, Nghệ Tĩnh, Thuận Hoá, Đồng Nai, Cửu Long, Hải Phòng, Kiên Giang, Phú Khánh, Mũi Cà Mau, Hậu Giang, Thanh Hoá. Tất nhiên, sự ra đời một loạt các nhà xuất bản địa phương sẽ đặt ra những vấn đề mới cần giải quyết nhằm đảm bảo tính hiệu quả và sự bền vững trong hoạt động xuất bản.

Đến năm 1985, toàn quốc có 40 nhà xuất bản (Trung ương 26, địa phương 14), 26 nhà xuất bản thuộc các cơ quan Trung ương có chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo hoạt động xuất bản phục vụ cho bạn đọc cả nước.

Trong 10 năm (1976 - 1985) toàn ngành đã xuất bản được 19.703 cuốn sách, 472.369 triệu bản, 72.938.480 trang in (13x19 cm) và 2.646 loại văn hoá phẩm với 232.020 triệu bản. Số liệu ở các năm được thể hiện trong bảng sau:

Năm

Sách

Văn hóa phẩm

 

Ghi chú

Cuốn

Triệu bản

Trang in

(13x19 cm)

Loại

Triệu bản

Văn hoá phẩm xuất bản hằng năm gồm: lịch, các loại tranh ảnh nghệ thuật, ảnh lãnh tụ, bản đồ

1976

1.953

68.714

11.306.190

253

22.320

1977

2.225

67.454

10.755.189

257

26.567

1978

2.487

68.098

10.809.635

255

27.035

1979

1.850

43.098

6.523.818

202

16.537

1980

1.483

31.859

4.475.501

213

18.720

1981

1.482

33.854

4.162.380

225

21.316

1982

1.497

31.911

4.816.087

271

23.064

1983

2.500

31.001

5.299.882

309

20.768

1984

2.025

43.875

6.407.246

325

25.783

1985

2.225

52.500

8.382.625

336

29.910

Cộng 10 năm

19.703

472.369

72.938.480

2.646

232.020

Qua bảng số liệu trên có thể nhận thấy: ba năm đầu mới giải phóng 1976 - 1977 - 1978, số lượng sách và văn hoá phẩm xuất bản tăng nhanh ở cả ba chỉ tiêu (cuốn, bản và trang in) do điều kiện vật tư dự trữ ở hậu phương miền Bắc cho miền Nam và tiếp quản vật tư ở kho của chính quyền cũ và lực lượng in tư nhân sau khi cải tạo. Từ năm 1979 đến 1982, những khó khăn lớn về kinh tế đã bộc lộ ngày càng rõ, hoạt động xuất bản gặp nhiều khó khăn, các chỉ tiêu xuất bản đã giảm. Đặc biệt nguồn giấy do Nhà nước cung cấp không đảm bảo cho xuất bản, giảm dần hằng năm. Từ 1982, các nhà xuất bản phải tìm nhiều cách khác nhau để khắc phục dần khó khăn này. Nhà xuất bản nào tự khai thác được các nguồn giấy khác ngoài chỉ tiêu Nhà nước cung cấp thì kế hoạch xuất bản sẽ phong phú, đa dạng về đề tài và in được số lượng bản lớn.

Nhịp độ xuất bản hằng năm tăng không đều, nhưng nhìn tổng thể, sau 10 năm, số lượng sách được xuất bản có tăng lên ở cả ba chỉ tiêu; năm 1985 so với năm 1975 tăng 175% về cuốn, 126% về bản và 162% về trang in. Đến năm 1985 mới đạt được bình quân 0,2 bản sách/người/năm. Tuy còn quá thấp so với các nước trong khu vực nhưng đã trở thành một chỉ số phấn đấu cho ngành trong những năm tiếp theo.

Sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ tập trung mọi nguồn vật tư để in được nhiều bản sách cung cấp cho bạn đọc vùng mới giải phóng, từ năm 1981 đến 1985, các nhà xuất bản hướng về mục tiêu xây dựng kế hoạch dài hạn: 5 năm, 10 năm... trong đó, nhiều nhà xuất bản đã cố gắng suy nghĩ và xây dựng kế hoạch dài hạn với những dự định lớn như Nhà xuất bản Văn học, trong kế hoạch xuất bản 10 năm (1981 - 1990) đã quyết tâm xây dựng để định hình năm tủ sách: Văn học Việt Nam hiện đại, Văn học Việt Nam cổ đại, Văn học thế giới hiện đại, Văn học thế giới cổ đại, Văn học cho mọi nhà có tính chất phổ thông phục vụ mọi đối tượng.

Cũng từ định hướng xây dựng kế hoạch xuất bản dài hạn mà một số nhà xuất bản đã hình thành các bộ sách có độ dày hàng nghìn trang, xuất bản thành nhiều tập như tuyển tập, tổng tập hoặc các bộ sách mang tính chất tổng kết một giai đoạn lịch sử thuộc các lĩnh vực quân sự, lịch sử, khoa học, văn học và kinh tế - xã hội...

Xuất phát từ những đặc điểm lịch sử của thời kỳ này, việc cân đối số lượng sách xuất bản cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch của các nhà xuất bản và của toàn ngành. Các cơ quan chức năng như Bộ Văn hóa - Thông tin, Ban Tuyên huấn Trung ương thường xuyên xem xét điều tiết thông qua nguồn giấy Nhà nước cung cấp để điều chỉnh số lượng sách xuất bản hằng năm nhằm phục vụ các nhiệm vụ chính trị và các nhu cầu xuất bản khác, với một tỷ lệ thích hợp.

- Sách chính trị - xã hội khoảng 17%

- Sách văn học, nghệ thuật 25%

- Sách khoa học - kỹ thuật 18%

- Sách giáo khoa, giáo trình 30%

- Sách khác 10%.

Nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch xuất bản là tập trung tổ chức bản thảo và xuất bản những tác phẩm có giá trị phục vụ những sự kiện lớn, những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, đồng thời lập kế hoạch tuyên truyền, phát hành nhằm đưa được nhiều sách đến với bạn đọc cả nước, trong đó đáng lưu ý là một số bộ sách lý luận chính trị lớn đã được khẩn trương biên soạn và hoàn thành.

Năm 1978, một số tập đầu tiên trong bộ Lênin Toàn tập (xuất bản lần thứ 5), 55 tập do Nhà xuất bản Sự thật và Nhà xuất bản Tiến bộ của Liên Xô hợp tác xuất bản theo ký kết giữa Đảng Cộng sản Liên Xô với Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra mắt bạn đọc và đến đầu năm 1982 công việc xuất bản bộ sách này đã hoàn thành.

Các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặc biệt quan tâm xuất bản, như Hồ Chí Minh Tuyển tập (2 tập), Hồ Chí Minh Toàn tập (10 tập), trong thời gian từ năm 1980 đến 1985 đã xuất bản 5 tập, đồng thời một số tác phẩm được tái bản như Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường cách mệnh (1982) và một số sách chuyên đề về xây dựng Đảng, về đạo đức cách mạng.

Sách của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước như của đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng cũng được xuất bản khá tập trung vào giai đoạn này.

Các tác phẩm của đồng chí Lê Duẩn như: Một vài đặc điểm của cách mạng Việt Nam, Vấn đề nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới. Đặc biệt, tác phẩm Thư vào Nam xuất bản năm 1985, lần đầu tiên công bố những văn bản quan trọng của Đảng trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thông qua những bức thư công tác của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Những tác phẩm của đồng chí Trường Chinh được xuất bản đã có tác dụng quan trọng trong đời sống chính trị - tư tưởng như: Bàn về cách mạng Việt Nam, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Mãi mãi đi theo con đường chủ nghĩa Mác, Mấy vấn đề về Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Về vấn đề cách mạng tư tưởng và văn hóa...

Các tác phẩm của đồng chí Phạm Văn Đồng để lại dấu ấn sâu sắc của một nhà lãnh đạo, nhà văn hoá lớn của Đảng như: Tổ quốc ta, nhân dân ta và người nghệ sĩ, Một chặng đường thắng lợi vẻ vang, Thắng lợi vĩ đại, tương lai huy hoàng, Tới những đỉnh cao sự nghiệp khoa học kỹ thuật, 30 năm chiến đấu kiên cường và thắng lợi vẻ vang.

 Đề tài về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước cũng được tổ chức xuất bản: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại (4 tập), Việt Nam đất nước anh hùng, Cuộc kháng chiến chống Pháp, Cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Việc kịp thời xuất bản các văn kiện của Đại hội Đảng, văn kiện các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương góp phần cập nhật những quan điểm của Đảng trước tình hình biến động lớn về chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa và những thay đổi về tình hình thế giới. Đồng thời, qua đó truyền bá những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Việc xuất bản các công trình nghiên cứu lý luận chính trị của cán bộ khoa học cũng góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề của cách mạng ở nước ta thời kỳ năm 1975 đến 1985.

Một số cơ quan nghiên cứu đã công bố một số công trình có giá trị với nhiều tư liệu quý như: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (sơ thảo) gồm nhiều tập của Viện Lịch sử Đảng, Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận giải phóng dân tộc (nhiều tác giả).

Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã xuất bản một số tác phẩm đánh dấu bước phát triển mới của công tác nghiên cứu: Việt Nam những sự kiện lịch sử 1954-1986, Tổng tập văn học Việt Nam; hoàn thành việc biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (2 tập) theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta.

Trong thời kỳ từ năm 1975 đến 1985, mảng sách văn học, nghệ thuật đã bao quát được một phạm vi hiện thực rộng lớn hơn, toàn diện và đa dạng hơn, cả quá khứ chiến tranh và những vấn đề nóng bỏng đặt ra trong cuộc sống hiện tại, cả những vấn đề lớn của đất nước và bắt đầu chú ý nhiều hơn đến số phận con người trong quan hệ xã hội phức tạp, phong phú. Sáng tác giai đoạn này vẫn hướng vào mục tiêu giáo dục truyền thống đánh giặc giữ nước, xây dựng ý thức xã hội chủ nghĩa, tự lực tự cường, đạo đức và lối sống cách mạng, dám nghĩ dám làm và đổi mới cách làm ăn, chống bảo thủ, trì trệ. Một số tác phẩm đã có tác động sâu rộng trong cán bộ và nhân dân vì nội dung gắn với những vấn đề thời sự trong cuộc đấu tranh tư tưởng trong xã hội ta, cuộc đấu tranh để đổi mới cách nhìn và cách làm ăn. Một số cuốn sách hướng mạnh vào việc phản ánh những vấn đề bức xúc đặt ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội được bạn đọc quan tâm và yêu cầu tái bản...

Công tác lựa chọn, tổ chức bản thảo, biên tập xuất bản sách văn học, nghệ thuật trong giai đoạn này cũng thông thoáng hơn, các nhà xuất bản không chỉ quan tâm đến những tác phẩm viết theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa mà còn sưu tầm, lựa chọn xuất bản nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật theo khuynh hướng tiến bộ của các tác giả trong quá khứ, trong và ngoài nước làm cho diện mạo sách văn học, nghệ thuật thêm đa dạng và phong phú. Đó là việc làm cần thiết và đúng hướng.

Trong những năm này, chúng ta cũng đã xuất bản tuyển chọn và tuyển tập các tác giả: Tố Hữu, Nguyên Hồng, Đặng Thai Mai, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ..., bước đầu chuẩn bị cho công tác sưu tầm tư liệu để xuất bản toàn tập các tác giả có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hoá, văn nghệ của đất nước.

Những bộ hợp tuyển văn học được ra đời bắt đầu từ giai đoạn này, đồng thời những tuyển tập của các tác giả tiêu biểu trong quá khứ cũng được các nhà xuất bản quan tâm xuất bản. Nhà xuất bản Văn học đã cho ra đời một số tuyển tập có giá trị: Hợp tuyển thơ văn các dân tộc ít người (1981), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1858-1920, tập V, quyển I, II; Thơ văn Cao Bá Quát; Dân ca H’mông; Truyện cổ các dân tộc Trường Sơn Tây Nguyên; Thơ văn Phan Bội Châu (1984); Thơ văn Nguyễn Phi Khanh, Hồng Đức quốc âm thi tập; Thơ Hồ Xuân Hương; Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm; Thơ văn Nguyễn Công Trứ; Thơ văn Phan Châu Trinh (1982).

Trong giai đoạn này, sách lý luận phê bình văn học, nghệ thuật cũng có những công trình có giá trị, ghi nhận một bước tiến trong lĩnh vực hoạt động này. Văn hoá, văn nghệ cũng là một mặt trận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổ quốc ta, nhân dân ta và người nghệ sĩ của Phạm Văn Đồng (Nhà xuất bản Văn học, 1983); Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật của Tố Hữu; Nghĩ cạnh dòng thơ của Chế Lan Viên (Nhà xuất bản Văn học, 1981), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của Xuân Diệu (Nhà xuất bản Văn học, 1982); Về văn học nghệ thuật của Hải Triều (Nhà xuất bản Văn học, 1982).

Đồng thời, trong 10 năm (1975 - 1985), mặc dầu gặp muôn vàn khó khăn, nhưng đáp ứng nhu cầu về sách văn học của bạn đọc cả nước, các nhà xuất bản đã tổ chức bản thảo và xuất bản nhiều tác phẩm văn học theo hai loại đề tài: chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và những vấn đề trong cuộc sống đương đại: Thơ Lê Anh Xuân (Nhà xuất bản Văn học 1981), Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Chí Phèo của Nam Cao, Vỡ đê, Giông Tố của Vũ Trọng Phụng (Nhà xuất bản Văn học, 1982); Vợ nhặt của Kim Lân, Nhà đồi của Quang Dũng, Cỏ non của Hồ Phương, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, Gánh vác của Vũ Thị Thường, Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương, Bão biển của Chu Văn... (Nhà xuất bản Văn học, 1983); Thơ Thanh Hải, Vầng trăng quầng lửa của Phạm Tiến Duật, Hoa trên đá của Chế Lan Viên, Đầu súng trăng treo của Chính Hữu, Sao đổi ngôi (Nhà xuất bản Thanh niên, 1984), Dòng sông thơ ấu (Nhà xuất bản Kim Đồng, 1985). Riêng năm 1985 có một số tác phẩm để lại dấu ấn trong văn học cả về nội dung và hình thức, thí dụ: Thời gian của người của Nguyễn Khải, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán (Nhà xuất bản Tác phẩm mới), Giấy trắng của Triệu Xuân, lao tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn (Nhà xuất bản Văn nghệ), Người cùng quê của Phan Tứ (Nhà xuất bản Đà Nẵng).

Trong 10 năm (1975 - 1985), mảng sách khoa học, kỹ thuật có những bước tiến mới cả về quy mô, phạm vi, chất lượng và hiệu quả của nó trong đời sống. So với những năm trước 1975, sách khoa học, kỹ thuật đã bao quát được phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Loại sách kỹ thuật cơ bản, cơ sở cho các ngành nghề khác nhau, cho việc nâng cao tay nghề của người lao động, trong đó có nhiều ngành nghề kỹ thuật mới... đã được kịp thời tổ chức bản thảo và xuất bản, đáp ứng yêu cầu học tập, phát triển ngành nghề kỹ thuật thời gian này. Đồng thời, các loại sách đã quen thuộc như các bộ sách thiết thực phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và kinh tế gia đình, sách khoa học thường thức phục vụ chữa bệnh, chăm sóc, giữ gìn sức khoẻ... được tiếp tục xuất bản và phổ biến rộng rãi hơn.

Các nhà xuất bản: Khoa học kỹ thuật, Nông nghiệp, Xây dựng, Y học, Giao thông vận tải, Thể dục thể thao, Thống kê đã xuất bản số lượng lớn sách khoa học, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của xã hội. Các nhà xuất bản địa phương vừa được thành lập sau năm 1975 cũng góp phần không nhỏ trong việc xuất bản các loại sách khoa học - kỹ thuật phục vụ đời sống gắn với thực tiễn của từng địa phương, nhất là sách kỹ thuật nông, lâm nghiệp như các nhà xuất bản: Mũi Cà Mau, Thanh Hoá, Nghệ An, Sông Bé, Hậu Giang... Về mảng sách này, trong 10 năm (1975-1985) đã xuất bản được khoảng 2.300 tên sách thuộc hai loại chính:

- Sách phổ biến, phổ cập tri thức khoa học, kỹ thuật cho các loại đối tượng bạn đọc, trong đó trình bày một cách dễ hiểu, phù hợp với đông đảo quần chúng, gắn với hướng dẫn thực hành, có những cuốn sách được trình bày dưới dạng hỏi - đáp khoa học, kỹ thuật.

- Sách tham khảo chuyên ngành cho cán bộ khoa học, kỹ thuật gồm các công trình nghiên cứu, tư liệu chuyên khảo, sách quản lý và sách tra cứu, từ điển... Những cuốn sách này đánh dấu những bước phát triển của khoa học, kỹ thuật ở nước ta thời kỳ đó, đồng thời có tác dụng nhiều mặt trong đời sống, cả lý luận khoa học và thực tiễn kỹ thuật, trong đào tạo và nâng cao trình độ cho cán bộ khoa học, kỹ thuật. Ví dụ: Những cây thuốc Việt Nam, Từ điển tra cứu của ngành khoa học kỹ thuật, Sổ tay thy thuốc thực hành, Sổ tay lâm sàng, Đất nước Việt Nam qua những chặng đường, Điều tra cơ bản, Văn minh lúa nước và nghề trồng lúa ở Việt Nam...

Đặc biệt là sau khi đất nước thống nhất, các nhà xuất bản quan tâm nhiều đến phạm vi phục vụ rộng trong cả nước, đồng thời phải chú ý đến yêu cầu đặc thù gắn với điều kiện của từng vùng, miền, nhất là các tỉnh phía Nam. Nhà xuất bản Nông nghiệp và các nhà xuất bản địa phương đã có kế hoạch biên soạn và xuất bản sách kỹ thuật nông nghiệp phục vụ cho toàn quốc, nhưng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng, miền riêng biệt.

Trong giai đoạn 1975 - 1985, có hai đặc điểm lớn tác động trực tiếp đến mảng sách giáo khoa, giáo trình. Một là, chúng ta gặp khó khăn gay gắt về kinh tế, thiếu vốn, thiếu giấy, vật tư in; hai là, chúng ta lại phải đáp ứng nhu cầu dạy và học cho cả nước sau khi miền Nam được giải phóng. Trong tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên hàng đầu cho ngành giáo dục và đào tạo, trong đó có chính sách đặc biệt đối với việc xuất bản số lượng lớn sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu học tập, giảng dạy.

Ngoài lượng giấy chiếm hơn 60% tổng số giấy in cả nước được cấp cho sách giáo dục phổ thông và đại học, Nhà nước còn cấp chỉ tiêu riêng cho các nhà xuất bản khác để in giáo trình cho các trường đại học. Các nhà xuất bản chuyên xuất bản sách giáo khoa, giáo trình như Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Nhà xuất bản Giáo khoa Mác - Lênin, Nhà xuất bản Công nhân kỹ thuật đã tập trung tổ chức và xuất bản được nhiều sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho các bậc học từ phổ thông đến công nhân kỹ thuật, trung cấp và đại học. Ngoài ra, các nhà xuất bản thuộc các bộ, ngành có hệ thống đào tạo riêng cũng xuất bản sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho công tác đào tạo của ngành mình như các nhà xuất bản: Y học, Thể dục thể thao, Lao động, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp...

Có thể khẳng định rằng, trong giai đoạn 1975-1985, xuất bản sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu phục vụ học tập và giảng dạy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng kịp thời các nhu cầu mới và qua đó, chuẩn bị cho một bước phát triển mạnh hơn trong những năm kế tiếp.

Trích trong cuốn Xuất bản Việt Nam trong những năm đổi mới đất nước;

Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011

Bình luận