Sách giáo khoa giá tăng nhưng không “sốt”

Ngày đăng: 10/08/2011 - 09:08

Khởi động sớm từ giữa tháng 6 nhưng thị trường sách và thiết bị trường học năm học 2011-2012 vẫn không “sốt giá” như nhiều bậc phụ huynh lo ngại.

gia-sach-giao-khoa-bat-ngo-tang-toi-169-0.jpg

Sách giáo khoa giá tăng nhưng không “sốt”

Ngay khi năm học 2010-2011 chưa kết thúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho công bố bảng giá sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 phục vụ năm học 2011 - 2012. So với giá cũ (được điều chỉnh năm 2008 là 10%), mức tăng trung bình của các bộ sách cho năm học mới là 16,9%, và mức giá này cũng đã được Bộ Tài chính thông qua.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn thành phố Hà Nội như Nhà sách Tiền Phong (175 Nguyễn Thái Học), nhà sách Nguyễn Văn Cừ (36 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy), Cửa hàng sách của Công ty sách, thiết bị và xây dựng trường học Hà Nội (45B Lý Thường Kiệt) thì đây là lần tăng giá cao nhất từ trước đến nay sau một thời gian dài thị trường sách giáo khoa được ổn định.

“Nếu năm 2008, bộ sách giáo khoa chương trình chuẩn lớp 2 gồm 6 cuốn, (bộ sách có mức giá thấp nhất) niêm yết giá 38.900 đồng thì nay có giá mới là 45.300 đồng, tăng 6.400 đồng. Bộ sách giáo khoa có giá cao nhất là sách lớp 12 gồm 13 cuốn, năm 2008 có giá 122.500 đồng, năm học này tăng thành 143.200 đồng”, một nhân viên nhà sách Tiền Phong cho biết.

Ông Bùi Sỹ Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty sách thiết bị và xây dựng trường học Hà Nội (Habook) lý giải sự tăng giá này: “Mấy tháng trước đây giá giấy đã tăng tới 30%, cùng với đó là công in, vận chuyển, giá xăng dầu, giá nhân công… đều tăng khiến giá bán sách phải điều chỉnh để bù đắp cho các chi phí đầu vào”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, mặc dù có sự thay đổi về giá nhưng cơ bản thị trường sách giáo khoa vẫn ổn định, không hề có hiện tượng sốt giá hay khan hiếm. Bởi từ đầu năm doanh nghiệp đã lên kế hoạch cung ứng đặt in với nhà xuất bản Giáo dục 7 triệu cuốn. Đến nay đã nhận về 80% kế hoạch (khoảng 6 triệu cuốn), còn 20% định mức từ nay cho đến thời điểm khai giảng công ty sẽ cung ứng nốt.

“Vì vậy, với mức giá mới nhưng hầu hết các bậc cha mẹ đều chấp nhận được bởi mức này cũng tỉ lệ thuận với mức tăng của thị trường nói chung”, ông Hùng nói.

Thời điểm này tuy không còn là cao điểm (như tháng 6-7) để các bậc phụ huynh mua sắm sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho con em mình, nhưng theo ghi nhận tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ, mỗi ngày cũng có từ 2.000-3.000 lựợt khách hàng đến tìm mua những mặt hàng văn phòng phẩm như bút, màu, thước, dụng cụ học tập...., trong đó số lượng người tìm mua giấy vở, tập viết cũng tăng lên đáng kể.

Theo ông Nguyễn Văn Nghiêm, Giám đốc nhà sách Nguyễn Văn Cừ, tuy giá vở có tăng nhẹ ở mức 5-10% nhưng lượng bán ra của nhà sách cũng rất ổn định.

“Đặc biệt là mẫu mã, hình thức cũng như chất lượng các loại vở tập của các doanh nghệp trong nước ngày càng đa dạng và phù hợp với đặc thù các môn học cũng như các cấp học nên nhìn chung hàng trong nước vẫn được lựa chọn nhiều hơn so với một số loại nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc”, ông Nghiêm cho hay.

Ngược lại, do được hỗ trợ từ quỹ bình ổn của UBND thành phố Hà Nội nên tại hệ thống 15 cửa hàng, đại lý, và phòng Giáo dục các quận, huyện của Habook giá tập, vở, các loại vẫn đang “đứng giá”, thậm chí Habook đang lên kế hoạch giảm giá để thu hút khách hàng.

“Trong 9 tỷ được ứng trước từ quĩ bình ổn, hiện Habook đã đảm bảo được 6 tỷ về mặt hàng vở viết, do giá giấy không còn biến động như hồi đầu năm nên ngoài duy trì chính sách “mua 5 quyển tặng 1 quyển”, thì công ty đang có chủ trương giảm giá tiếp từ 500-1.000 đồng cho tất cả các loại tập vở viết”, ông Hùng cho biết.

Khó chọn sách tham khảo

Chiếm một diện tích trưng bày không nhỏ trưng bày tại các nhà sách là các loại sách và tài liệu tham khảo. Theo các doanh nghiệp thì đây mới là sản phẩm kinh doanh để thu lãi chính cho cả hệ thống bán hàng vì sách bán cả năm và lượng khách rất ổn định. Do vậy, ngay cả bậc tiểu học như lớp một, lớp hai cũng đã có vài ba loại đầu sách tham khảo của các nhà xuất bản có tên tuổi (Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản sư phạm, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh) và một số nhà xuất bản tư nhân.

Loanh quanh vài vòng tại khu sách dành cho lứa tuổi cấp 1, chị Lan Anh (Từ Liêm), tỏ ra khá khó khăn trong việc tìm cho hai bé nhà chị mấy quyển sách tham khảo. Chị Lan Anh cho biết: “ Tên sách cứ na ná nhau, nội dung thì chỉ có thể xem lướt qua chứ không thể đứng mãi mà đọc được”.

Sau một hồi đắn đo, chị quyết định lựa chọn cuốn sách tham khảo do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành, bởi theo chị cách tốt nhất là nên dựa vào các nhà xuất bản có tên tuổi.

“Không nói về giá thành thì ít ra phụ huynh cũng có thể tạm yên tâm về nội dung sách biên soạn”, chị Lan Anh khẳng định.

Cũng như chị Lan Anh, anh Minh Trọng (phố Thuỵ Khuê) cũng lúng túng trước “rừng” sách bổ trợ kiến thức cho con mình. “Cháu nhà mình học lớp 9, bao gồm 13 môn học nhưng những môn học chính như văn toán, lý, hoá... có tài liệu tham khảo thì chẳng nói làm gì đằng này ngay cả bộ môn Giáo dục công dân sơ sơ cũng đã thấy 2 quyển của hai nhà xuất bản khác nhau phát hành theo dạng tình huống và đề tài. Nếu không mua thì “thiệt” cho con mình nên tốt nhất mình cũng cố mua cho đầy đủ cả sách giáo khoa lẫn sách tham khảo cho cả bấy nhiêu môn học”, anh Trọng bày tỏ.

Nắm bắt được sự “khó” này mà ngay tại trước cửa hàng của Habook trên phố Lý Thường Kiệt mỗi mùa năm học mới đến luôn có một đội ngũ “cò sách” gồm khoảng trên dưới chục phụ nữ sẵn sàng mời chào.

“Do nhiều người ngại vào gửi xe hoặc không có thời gian vào tìm mua sách, hay có những loại sách mà công ty không bày bán nên họ đều nhờ đội ngũ “cò”, chỉ cần nói tên sách, nhà xuất bản thì sau 5 phút chạy đến một số hiệu sách gần đây những “chị cò” đã đáp ứng ngay cho họ. Tuy nhiên, hầu hết các sách này đều đã  bị chữa lại giá thành với giá gấp đôi, gấp ba giá phát hành chính thức, cũng chưa kể đến xuất xứ sách có rõ ràng hay không”, một nhân viên của Habook cho hay.

Theo Tổ quốc

Bình luận