Siết chặt quản lý liên kết xuất bản sách

Ngày đăng: 02/12/2014 - 10:12

Liên tiếp nhiều vụ việc vi phạm xảy ra trong ngành xuất bản đang làm nhức nhối dư luận. Đáng nói là hầu hết các sai phạm xuất phát từ mối liên kết chứa đầy bất cập giữa nhà xuất bản và đối tác thực hiện. Siết chặt quản lý đối với lĩnh vực có ý nghĩa xã hội lớn này đang là đòi hỏi bức thiết.

e24344c6f200433fde031a8db7d9477c L

Những sai phạm trong ngành xuất bản gây ảnh hưởng lớn đến người đọc và xã hội.

                           Ảnh: Cao Xuân Sơn

Sai phạm tràn lan

Hiện nay, có tới hai phần ba số sách tung ra thị trường từ nguồn liên kết xuất bản. Chọn đề tài, tự tổ chức các đội ngũ cộng tác viên và tự thẩm định nội dung... đó là cách làm chung của các đơn vị liên kết.

Với thế mạnh chủ động, linh hoạt với hệ thống phát hành (cả sỉ lẫn bán lẻ) nên các đơn vị liên kết rất chủ động tiêu thụ lượng sách của mình làm ra. Tính năng động của xuất bản tư nhân đã góp phần làm phong phú thị trường sách. Sự cởi mở trong liên kết xuất bản cũng giúp cho các nhà xuất bản tìm được hướng đi mới trong nền kinh tế thị trường, giải quyết được khó khăn về kinh tế, nuôi bộ máy, tăng được đầu sách xuất bản hằng năm...

Theo quy định, các đơn vị xuất bản sẽ biên tập và chịu trách nhiệm nội dung, nhưng trên thực tế hầu như có đến hơn 90% các cuốn sách, nội dung đều do các đơn vị liên kết quyết định. Quyền cấp phép của các nhà xuất bản chỉ mang tính... thủ tục để sách có "số má", cuối cùng nhà xuất bản thu quản lý phí, nhận sách nộp lưu chiểu.

Không chỉ có thế, nhiều nơi lợi dụng liên kết xuất bản để xuất bản lậu các ấn phẩm khác. Sách đồng dao phản cảm, sách nghiên cứu tái bản cẩu thả, sách luật vi phạm luật...là các vấn đề nhức nhối, xảy ra liên tục trong ngành xuất bản Việt Nam gần đây.

Còn nhớ, năm 2012, tập sách Phép cộng trừ phạm vi 100 bị phát hiện có nội dung phản cảm vì đặt ra bài toán rợn người "Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay?". Nhiều đầu sách rèn kỹ năng Toán, tiếng Việt, Địa lý...cho lứa học sinh tiểu học bày bán, có logo đàng hoàng của nhà xuất bản (NXB) vẫn đầy lỗi.

Việc diễn viên hài Công Lý bị sử dụng hình ảnh phản cảm đưa lên bìa sách luật của Nhà xuất bản Lao động -Xã hội là câu chuyện mới nhất về những sai phạm của các đơn vị làm sách.

Trước chuyện "ảnh bìa Công Lý", cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất làm xôn xao dư luận bởi cách lý giải ngô nghê về từ vựng. Ấn phẩm có nội dung nhảm nhí này được bày trên kệ sách, nằm trong Thư viện Quốc gia. Ngoài bản in năm 2001 mang logo Nhà xuất bản Trẻ, đầu sách này được "nhân bản" qua vài đơn vị khác để lưu hành trên thị trường. Ngoài bìa thay đổi, sách vẫn giữ nguyên nội dung sai lệch, cẩu thả, có thể gây ảnh hưởng lớn đến nhận thức của học sinh - đối tượng hướng đến của cuốn từ điển.

Cách đây không lâu, thành viên Hội đồng giải thưởng Sách Hay phải lên tiếng xin lỗi vì tôn vinh cuốn Văn hóa tộc người (Nguyễn Từ Chi, NXB Thời Đại) nhưng lại tôn vinh nhầm ấn bản tái bản cẩu thả, tùy tiện, làm sai lệch nội dung tác phẩm gốc. Rồi, cuối năm 2013, độc giả cũng được một phen xôn xao khi sách Đồng dao dành cho trẻ mầm non của Nhà xuất bản Mỹ Thuật có nội dung "nhăng nhít" lại xuất hiện trên thị trường. Như vậy có thể nói: Sai phạm trong ngành sách là tràn lan, và lỗi lớn thuộc về nhà xuất bản.

po1dgshdjk

Tràn lan các sai phạm trong công tác xuất bản sách và lỗi lớn thuộc về nhà xuất bản.

Ảnh: ĐĂNG KHOA

Cần những giải pháp mạnh

Một trong những yếu tố lý giải cho tình trạng sai sót tràn lan này chính là việc nhiều nhà xuất bản chỉ tồn tại trên danh nghĩa, bán giấy phép và logo rồi phó mặc đơn vị làm sách thao túng, tự chủ động trong khâu bản quyền, biên tập in và phát hành sách. Trong khi đáng lẽ ra, các khâu này đều phải do nhà xuất bản chịu trách nhiệm thực hiện và kiểm soát.

Điều 23 về "liên kết trong hoạt động xuất bản" (thuộc chương 2, Luật Xuất bản) quy định khá rõ: Đối tác liên kết chỉ được biên tập sơ bộ bản thảo sách. Tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản phải tổ chức hoàn chỉnh bản thảo xuất bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sai sót trong hoạt động liên kết.

Mỗi khi có vụ việc sai sót bị phanh phui, nhiều nhà xuất bản thường đổ lỗi cho tư nhân, đối tác liên kết rồi coi như rũ bỏ trách nhiệm. Trong khi đó, người chịu trách nhiệm lớn nhất đầu tiên phải là giám đốc - tổng biên tập của nhà xuất bản đó. Nếu đội ngũ biên tập viên, giám đốc của một nhà xuất bản trách nhiệm trong từng bản thảo và kiên quyết từ chối tác phẩm kém chất lượng thì sẽ không có chuyện sai sót diễn ra.

Các NXB nên thường xuyên tổ chức bàn tròn, tọa đàm, lớp bồi dưỡng kỹ năng biên tập, sửa morát, trình bày bìa... để biên tập viên, họa sĩ của NXB đồng thời biên tập viên, họa sĩ của đơn vị liên kết được dự để nâng cao tay nghề.

Nhiều ý kiến cho rằng, cách xử lý của Cục Xuất bản hiện nay với các sai phạm của ngành sách còn ít tính răn đe và khá nhẹ tay, khi chỉ quanh quẩn ở mức phạt hành chính, hoặc đình chỉ, thu hồi, tiêu hủy giải quyết hậu quả. Tuy vậy, mới đây, việc Nhà xuất bản Lao động - Xã hội bị xử phạt đến 252 triệu đồng cho hai cuốn sách luật in hình bìa phản cảm (trong đó có cuốn in hình bìa Công Lý) được xem là một động thái mạnh tay để xử lý vụ việc.

Nhà nước cần duyệt cho các NXB quan trọng nguồn tài chính tối thiểu. Trong khi, các NXB cần học tập sự năng động của các đơn vị làm sách tư nhân để chủ động hình thành những ấn phẩm có giá trị cho đời sống, thay vì chỉ tồn tại trên danh nghĩa như hiện nay.

Cục trưởng Cục Xuất bản Chu Văn Hòa khẳng định:

"Không cần thêm văn bản luật nào nữa vì việc liên kết xuất bản có từ lâu rồi. 20 năm nay, hiện tượng buông lỏng quản lý liên kết là có và càng ngày càng nặng. Từ lâu Cục đã cảnh báo điều này. Ba năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đầu tư xây dựng hệ thống văn bản pháp luật để quản lý chặt chẽ và đồng bộ đối với hoạt động xuất bản... Những nhà xuất bản, đơn vị liên kết làm ẩu, ăn cắp bản quyền, in ẩu sẽ dần dần được đưa ra ánh sáng".

VÕ XUÂN HÀ

(Theo Nhân dân cuối tuần)


Bình luận