Vấn nạn in lậu sách vẫn diễn biến khó lường

Ngày đăng: 08/04/2014 - 07:04

Từ nhiều năm nay, vấn nạn in lậu từ lâu đã gây bức xúc trong dư luận xã hội và cho ngành xuất bản. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, là một trong những nhà xuất bản bị in lậu sách giáo khoa, sách tham khảo nặng nề và rất trắng trợn, gây tổn thất nặng nề về kinh tế và uy tín cho Nhà xuất bản. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về công tác phòng, chống in lậu, phóng viên đã phỏng vấn TS. Nguyễn Đăng Quang - nguyên Phó Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - người có nhiều năm chuyên theo dõi mảng sách giáo khoa, sách tham khảo bị in lậu và là người trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra trong 5 vụ in lậu lớn năm 2013.

sach lau 190909

Cơ quan chức năng thu giữ nhiều tấn sách thành phẩm và bán thành phẩm

PV: Được biết, năm 2013 Đoàn thanh tra liên ngành Trung ương nói chung và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói riêng đã mở nhiều đợt thanh tra, kiểm tra trên diện rộng và phát hiện nhiều vụ in lậu quy mô lớn. Đặc biệt là 5 vụ có quy mô rất lớn tại hai địa phương là Nam Định và Bắc Giang. Xin ông cho biết cụ thể hơn về các vụ sách lậu lớn nêu trên?

TS. Nguyễn Đăng Quang: Quả thật, vấn nạn in lậu những năm gần đây ngày càng diễn biến phức tạp và rất tinh vi. Các cơ quan thanh tra chuyên ngành có liên quan đã nhiều lần thanh, kiểm tra trên diện rộng và phát hiện nhiều vụ in lậu có quy mô lớn. Và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thành lập Đội thanh tra đặc biệt giúp Nhà xuất bản kịp thời phát hiện những vụ in lậu liên quan đến sách giáo khoa, sách tham khảo và sách vi phạm bản quyền tác giả của Nhà xuất bản để tham mưu cho Ban Tổng giám đốc xem xét, xử lý và kiến nghị lên các cơ quan chức năng giải quyết.

Xin đơn cử những vụ in lậu nghiêm trọng trong năm 2013 có liên quan đến sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Vụ thứ nhất, ngày 19-8-2013, tại Nhà sách Bích Thắm (tại 155 Hàng Tiện, TP. Nam Định), Đội liên ngành chống in lậu tỉnh Nam Định đã phát hiện 36 đầu sách, với tổng số 3.304 bản sách lậu. Vụ thứ hai, ngày 19-8-2013, tại Nhà sách Thanh Hằng, (tại địa chỉ 142 Hoàng Văn Thụ, TP. Nam Định), Đội liên ngành chống in lậu tỉnh Nam Định đã phát hiện 15 đầu sách với tổng số 4.400 bản sách lậu. Vụ thứ ba, ngày 15-11-2013, tại nhà sách Định Thịnh, và cũng là trụ sở Công ty Sách - Văn phòng phẩm (Công ty TNHH) Định Thịnh do bà Ngô Thị Thịnh làm Giám đốc (tại nhà số 43, đường Nguyễn Thị Lựu, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang); phòng An ninh xuất bản, Cục An ninh Thông tin truyền thông (A87) - Bộ Công an phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang và phòng PA83 - Công an tỉnh Bắc Giang đã kiểm tra nhà sách, đã phát hiện 13.569 bản sách lậu. Vụ thứ tư, ngày 22-11-2013, phòng An ninh xuất bản, Cục An ninh Thông tin truyền thông (A87) - Bộ Công an phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang và phòng PA83 - Công an tỉnh Bắc Giang đã kiểm tra tại nhà sách Phú Thịnh (số nhà 48A, đường Nguyễn Thị Lựu, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang), đã phát hiện 2.939 bản sách lậu. Vụ thứ năm, ngày 22-11-2013, phòng An ninh xuất bản, Cục An ninh Thông tin truyền thông (A87) - Bộ Công an phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang và phòng PA83 - Công an tỉnh Bắc Giang đã kiểm tra tại nhà sách số nhà 27 đường Nguyễn Thị Lựu (phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang), chủ nhà sách là bà Đỗ Thị Luyến, đã phát hiện 1.531 bản sách lậu.

PV: Được biết, qua 5 đợt kiểm tra, có đợt do Đội lên ngành phòng chống in lậu tỉnh Nam Định thực hiện; có đợt do phòng An ninh xuất bản, Cục An ninh Thông tin truyền thông (A87) - Bộ Công an và Công an tỉnh Bắc Giang thực hiện, tất cả  đều có sự tham gia của ông. Vậy ông có nhận xét gì về tình trạng in lậu hiện nay?

TS. Nguyễn Đăng Quang: Đúng vậy. Tôi tham gia với nhiệm vụ là phối hợp với các cơ quan chức năng: Công an, Thanh tra Thông tin truyền thông, Quản lý thị trường... trong công tác chống in lậu. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng in lậu diễn ra rất tinh vi, công nghệ và máy móc in ấn rất hiện đại, có thể in với số lượng lớn đã gây khó khăn cho công tác phát hiện và phòng chống in lậu. Mặt khác, sách in lậu bằng công nghệ hiện đại nên người tiêu dùng và bạn đọc rất khó phát hiện ra đâu là sách thật - đâu là sách giả...

PV: Theo ông, muốn “phá án” thành công các cơ quan phải tiến hành những công việc gì?

TS. Nguyễn Đăng Quang: Việc đấu tranh phòng, chống in lậu là công việc rất nan giải, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan. Trong đó, các cơ quan có chức năng kiểm tra thường xuyên như: Thanh tra Thông tin truyền thông của các tỉnh, Quản lý thị trường các tỉnh... phải thường xuyên đi kiểm tra tại hàng ngàn nhà sách ở khắp các tỉnh. Thực tế đã minh chứng, nếu chỉ kiểm tra nơi trưng bày tại cửa hàng sách, nhà sách thì thường ít có kết quả. Trong khi đó, sách lậu thường được các chủ cửa hàng sách, nhà sách cất giấu và ngụy trang rất tinh vi ở trong kho hoặc trộn lẫn với sách thật, sách có bản quyền. Muốn có được kết quả thì phải kiểm tra trong kho và có những thiết bị chuyên dụng để phát hiện sách lậu. Vì vậy, trước khi kiểm tra, phải điều tra  và nắm được địa bàn và quy luật hoạt động của những đầu nậu trước. Tìm được vị trí kho, tìm nơi in... là yếu tố dẫn đến thành công.

PV: Là chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản và với kinh nghiệm hàng chục năm theo dõi tình hình in lậu sách giáo khoa, sách tham khảo, sách vi phạm bản quyền trên thị trường, chắc ông có những “bí quyết” điều tra riêng?

TS. Nguyễn Đăng Quang: Nhiều lần, tôi nhận được thông tin ở tỉnh X có nhà sách A có nghi vấn sách lậu. Chưa vội ập đến để kiểm tra. Tôi trực tiếp một mình tới tỉnh X điều tra. Đúng là tỉnh X có nhà sách A thật. Tôi đi lướt qua nhà sách, thấy khu vực trưng bày sách không rộng. Nếu chỉ kiểm tra như bình thường tại nhà sách thì chắc kết quả không nhiều, chỉ thấy được ít sách bày trên giá. Mà phải tìm được kho cất giữ sách của cửa hàng hay hiệu sách. Sau một hồi theo dõi, tôi thấy trong một ngõ gần đó, có một chiếc xe tải nhỏ đi vào. Tôi lặng lẽ đi theo. Lát sau, người ta chuyển lên xe chở đi những thùng sách. Hỏi thêm người dân quanh khu vực mới biết kho vẫn có lối vào ở ngách sau nhà sách. Do chưa chuẩn bị lực lượng, nên tôi lặng lẽ trở về Hà Nội, làm việc với các cơ quan chức năng, chuẩn bị lực lượng rồi mới cùng đoàn kiểm tra tới. Lúc này, đoàn kiểm tra không cần xem giá sách mà vào thẳng trong kho. Chỉ trong chốc lát, hàng ngàn cuốn sách lậu đã bị phơi bày.

PV: Tại sao kiểm tra như thế mà nạn in lậu vẫn hoành hành thưa ông?

TS.Nguyễn Đăng Quang: Có nhiều nguyên nhân của vấn nạn in lậu. Nhưng một trong các nguyên nhân dễ thấy nhất là khung hình phạt quá nhẹ. Buôn bán sách lậu, như một số trùm sách lậu lợi nhuận có thể tới hàng trăm triệu đồng, mà khung hình phạt xử lý hành chính theo nghị định 02/2011 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ có thể phạt tối đa 40 triệu đồng, hèn nào mà nạn in lậu vẫn hoành hành. Tôi thiết nghĩ, phải xử phạt thật nặng mới đủ sức răn đe.

PV: Để công tác chống in lậu có hiệu quả hơn giúp hạn chế nạn in lậu, theo ông các cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp gì?

TS. Nguyễn Đăng Quang: Theo tôi, thứ nhất phải sửa ngay khung hình phạt xử lý hành chính theo hướng tăng nặng, đủ sức răn đe; thứ hai, khắc phục sự kém hiệu quả trong công tác Quản lý thị trường; thứ ba, các cơ quan chức năng cần tiến hành thanh kiểm tra “theo kế hoạch” của Thanh tra Thông tin truyền thông; thứ tư, muốn kiểm tra “trúng” cần có điều tra, nghiên cứu, đồng thời giữ yếu tố “bí mật, bất ngờ”.

Minh Thu

Theo Trithucthoidai

Bình luận