Xây dựng và quản trị thành phố thông minh bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày đăng: 15/01/2021 - 15:01

Xây dựng và phát triển thành phố thông minh bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 là công cụ, phương tiện để đạt tới mục tiêu xây dựng thành phố thực sự đáng sống, thành phố có giá trị, có sức sống, có khả năng phục hồi và có sức cạnh tranh. Để làm được điều đó, cần thiết phải xây dựng và quản trị thành phố thông minh đạt hiệu quả, hiệu lực, không chỉ dựa vào công nghệ kết nối và tính toán hay kiểm toán, mà còn cần có hệ thống quản trị với sự tương tác của các bên tham gia, tạo dựng nền tảng cho sự sáng tạo, đổi mới, thích ứng, thông minh hơn. Cuốn sách Xây dựng và quản trị thành phố thông minh bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại một góc nhìn dễ hiểu, khoa học và khá đầy đủ về mô hình thành phố thông minh cũng như việc thiết kế, xây dựng và quản trị thành phố thông minh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và trong xu hướng phát triển các mô hình thành phố của xã hội loài người, xây dựng và phát triển thành phố thông minh là xu hướng phát triển tất yếu và là một trong 15 lĩnh vực cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0. Xây dựng và quản trị thành phố thông minh bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự bổ sung, nối tiếp của cuốn sách Xây dựng và phát triển thành phố thông minh bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Cuốn sách đã đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng: Thành phố thông minh là gì?; Tại sao phải xây dựng thành phố thông minh cho các đô thị trong thời đại thế giới đại chuyển đổi với sự bùng nổ nhanh chóng của khoa học công nghệ trong Cách mạng công nghiệp 4.0?; Quy trình các bước để xây dựng một thành phố thông minh; Các chỉ số và nguyên tắc trong việc lập quy hoạch định hướng xây dựng thành phố thông minh; Phương pháp quản lý thành phố thông minh. Những câu hỏi này được các tác giả giải quyết một cách thuyết phục trên cơ sở làm rõ 4 nội dung chính: 1 - Cách mạng công nghiệp 4.0: Bối cảnh, đặc điểm, tác động, cơ hội và thách thức; 2 - Xây dựng và phát triển thành phố thông minh; 3 - Gợi ý xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam; 4 - Quản trị thành phố thông minh.

Cùng với việc trình bày các vấn đề về Cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề xây dựng và phát triển thành phố thông minh được các tác giả đề cập rất chi tiết với việc chỉ ra xu hướng phát triển, khái niệm và lợi ích của việc xây dựng thành phố thông minh; nội hàm của thành phố thông minh bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn; một số công nghệ mới nổi và thách thức trong lãnh đạo, quản lý công nghệ mới nổi khi xây dựng thành phố thông minh; kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh ở một số quốc gia trên thế giới… Đặc biệt, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành - chủ biên, tác giả chính của cuốn sách đã tham gia xây dựng các Bộ chỉ số ISO về xây dựng thành phố thông minh được Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO phối hợp với Hội đồng thế giới về dữ liệu các thành phố WCCD phát hành, đó là ISO 37120 về quản lý thành phố theo chuẩn quốc tế và ISO 37122 về thành phố thông minh. Việc chủ động xây dựng các chỉ số phục vụ công tác nghiên cứu, quy hoạch, đánh giá kết quả xây dựng thành phố thông minh thông qua các chỉ số bảo đảm an ninh, an sinh, an toàn có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh xuất hiện các nguy cơ an ninh phi truyền thống và 28 rủi ro toàn cầu hiện nay cũng như bảo đảm chất lượng cuộc sống cho các đô thị đáng sống. Bên cạnh đó, cuốn sách đã đưa ra định hướng xây dựng thành phố thông minh trong Cách mạng công nghiệp 4.0, khẳng định chiến lược thành phố thông minh là yếu tố giúp tất cả các thành phố vượt qua thách thức trong quá trình phát triển. Điều đó không tách rời việc các thành phố này phải thực hiện tốt nguyên tắc quy hoạch để từ đó định hướng quản lý thành phố thông minh cũng như thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh.

Trên cơ sở đề cập các kết quả nghiên cứu, khảo sát, đánh giá của các đồng nghiệp trên thế giới về kết quả triển khai xây dựng thành phố thông minh cũng như các dự án tiêu biểu, các tác giả cuốn sách Xây dựng và quản trị thành phố thông minh bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa ra gợi ý về xây dựng và phát triển thành phố thông minh ở một số tỉnh, thành phố của Việt Nam: thành phố Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh, thành phố Cần Thơ, tỉnh Lào Cai. Với cơ hội phát triển và thử nghiệm phương pháp tư duy hệ thống, phân tích SWOT, xây dựng và đưa vào áp dụng trong thực tiễn mô hình thành phố thông minh cho một số địa phương với những đặc trưng khác biệt như thành phố cảng - đô thị lớn, thành phố đồng bằng vùng trũng với lưu vực sông và chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đô thị vùng trung du - vùng thủ đô, đô thị vùng biên giới và trung tâm du lịch…, cuốn sách góp phần định hướng và xác lập phương pháp tiếp cận để các thành phố, đô thị có được phương hướng rõ hơn trong lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển thành phố thông minh phục vụ cộng đồng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, quá trình phát triển thành phố thông minh không thể chỉ dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến và công nghệ thông tin mà còn phải có hệ thống quản trị thành phố thông minh. Công nghệ thông tin chỉ là phương tiện, các yếu tố cốt lõi và “điểm đòn bẩy” cho phát triển thành phố thông minh là tư duy hệ thống, quản lý hiệu quả và quản trị có hiệu lực. Việc quản trị thành phố thông minh cần tạo dựng các nền tảng cho sự sáng tạo, khởi nghiệp, kinh tế chia sẻ, đổi mới và thích ứng một cách liên tục và thông minh hơn, chuyển đổi từ chính quyền điện tử sang chính quyền trí tuệ nhân tạo. Theo đó, các tác giả của cuốn sách đã xây dựng 10 nguyên tắc quản trị thành phố thông minh bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn cho các thành phố, có thể kể đến như: quản trị thành phố thông minh bảo đảm thế hệ trước không phá hủy môi trường, hệ sinh thái tự nhiên dành cho thế hệ sau theo mục tiêu kinh tế tuần hoàn, sống xanh; xây dựng khung pháp lý đảm bảo an ninh thông tin, sự riêng tư cho các cá nhân và tổ chức trong xã hội; xây dựng các giải pháp phản ứng với những rủi ro thách thức trong Cách mạng công nghiệp 4.0, ứng phó hiệu quả với các vấn đề an ninh phi truyền thống; cải cách bộ máy chính quyền thích ứng với mô hình chính quyền trí tuệ nhân tạo tinh gọn, hiệu quả, phản ứng nhanh, chủ động trong giải quyết khủng hoảng;…

Xây dựng thành phố thông minh là một trong những ứng dụng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và đang trở thành một trào lưu của các đô thị trên thế giới, Việt Nam đang có những bước tích cực tham gia vào quá trình này, trong đó phải kể đến việc sử dụng cách tiếp cận phòng thí nghiệm học tập cho sự phát triển bền vững để xây dựng mô hình đầu tiên trên thế giới về quản trị đồng bộ thành phố Hải Phòng, Việt Nam. Theo sự nhìn nhận của chính quyền thành phố Hải Phòng, việc các vấn đề phức hợp không thể được giải quyết một cách riêng rẽ đã đưa lại kết quả là các sở, ngành không thể xây dựng các chính sách quản trị mà không tích hợp với các chiến lược và quy hoạch của các ngành khác. Do đó, Phòng thí nghiệm học tập cho sự phát triển bền vững (Evolutionary Learning Laboratory - ELLab) đã ra đời nhằm tăng cường sự phối kết hợp và trao đổi giữa các sở, ngành để phát triển một kế hoạch quản trị đồng bộ và có hệ thống cho Hải Phòng. Đây là hình thức “học qua hành động” theo một quy trình hệ thống bởi tất cả các bên có liên quan. Việc thực hiện đã chứng tỏ ELLab là một cách tiếp cận hiệu quả và sáng tạo để tìm hiểu và quản lý những vấn đề phức hợp đa chiều. Theo đó, tư duy hệ thống và phương pháp mô hình hóa được sử dụng làm mô hình nghiên cứu và phương pháp luận cho nền tảng lý thuyết và thực tiễn của việc xây dựng ELLab để phát triển kế hoạch quản trị hệ thống tích hợp cho thành phố Hải Phòng.

Quản trị thành phố thông minh bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn và cộng đồng phát triển bền vững là vấn đề mới, nhiều thách thức. Bằng cái nhìn và cách tiếp cận mới, các tác giả của cuốn sách cho thấy, bên cạnh tiếp cận bằng phương pháp truyền thống, cần có một tư duy mới để đổi mới phương thức quản lý, vận hành thành phố thông minh mà “tư duy hệ thống” với “điểm đòn bẩy” và đồng hợp Malik là những công cụ hiệu quả trong thời đại chuyển đổi hiện nay. Những gì bạn cần hiểu là nhận dạng được hệ thống, biết được những gì làm hệ thống vận hành đúng - “điểm đòn bẩy” cũng như những gì gây cản trở, kéo chậm sự phát triển hay vận hành đúng của hệ thống - “điểm nghẽn”. Từ đó bảo đảm rằng, song hành cùng sự phát triển như “vũ bão” của Cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng xã hội có thể đáp ứng sự kỳ vọng của thời đại, và ở đó thành phố thông minh sẽ là phương tiện để đạt tới các mục tiêu tốt đẹp cho các đô thị và cư dân của mình.

Bình luận