Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phát triển nhanh chóng và có những tác động to lớn đối với nền kinh tế - xã hội Việt Nam. Bên cạnh các lợi ích đối với con người và xã hội, hệ thống trí tuệ nhân tạo đã tạo ra mối quan ngại về rủi ro đạo đức, xã hội và pháp lý; từ đó đặt ra nhu cầu cần nhận diện, đánh giá chính xác những rủi ro đó và tiến tới xây dựng khung chính sách đạo đức, chính sách, pháp luật phù hợp.
Cuốn sách phân tích toàn diện những vấn đề lý luận cơ bản về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm từ góc nhìn đạo đức, xã hội, pháp lý và hệ thống hóa kinh nghiệm quốc tế xây dựng bộ nguyên tắc thúc đẩy trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở một số tổ chức quốc tế (OECD và UNESCO) và quốc gia điển hình trên thế giới (EU, Ôxtrâylia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc). Cuốn sách đồng thời lựa chọn tiến hành khảo sát tổng quan về ứng dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong ba lĩnh vực tiêu biểu điển hình là lĩnh vực giáo dục, y tế và nông nghiệp. Trên cơ sở đó, đề xuất một số hàm ý chính sách thúc đẩy xây dựng bộ nguyên tắc về phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam.
Cuốn sách là một tài liệu hữu ích nhằm tăng cường đối thoại chính sách với các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, giới học thuật và các bên liên quan khác để thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam.