Ở Việt Nam, chính quyền cấp xã, phường, thị trấn (hay còn gọi là chính quyền cấp xã) có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị - hành chính. Là cầu nối trực tiếp của hệ thống chính quyền nhà nước với nhân dân, thực hiện hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương theo thẩm quyền được phân cấp, bảo đảm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai thực hiện trong cuộc sống. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền cơ sở, trong hoạt động thực thi công vụ. Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền cấp xã nói riêng và hệ thống chính trị nói chung, xét đến cùng được quy định bởi phẩm chất, năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vững vàng về chính trị, văn hóa, có đạo đức lối sống trong sạch, có trí tuệ, kiến thức và trình độ năng lực để thực thi công vụ theo đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và phục vụ nhân dân… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.
Nâng cao năng lực thực thi công vụ của chính quyền cơ sở là một quá trình lâu dài, với những nỗ lực tổng thể, liên quan đến nhiều yếu tố, nhiều khâu, từ công tác tuyển dụng, sắp xếp, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến chế độ, chính sách, công tác quản lý, đánh giá, thi đua - khen thưởng.
Cuốn sách Nâng cao năng lực thực thi công vụ của chính quyền cơ sở do TS. Quách Thị Minh Phượng chủ biên gồm 3 chương, phân tích khái quát về thực thi công vụ, năng lực thực thi công vụ trong bối cảnh quốc tế và trong nước, từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao năng lực thực thi công vụ của chính quyền cơ sở ở Việt Nam hiện nay. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc quản lý nhà nước thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.